Aa

"Khủng hoảng" nước sạch: “Chắc chắn có biểu hiện của chạy chọt và lợi ích"

Thứ Năm, 07/11/2019 - 06:06

Đó là nhận định của ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương khi nói về vụ việc Nhà máy nước sông Đuống chưa đủ điều kiện nghiệm thu nhưng đã bán nước thương mại. Vị ĐBQH này nhấn mạnh, cần phải dừng ngay việc bán để thanh tra xử lý.

“Khủng hoảng” nước sạch

Ngày 8/10, hồ chứa sơ lắng của nhà máy nước sông Đà tại hồ Đầm Bài, Hòa Bình bị đổ trộm dầu thải, gây nhiễm styren cho toàn bộ hệ thống nước sạch cung cấp cho cư dân ở 8 quận, huyện của Hà Nội đã khiến thành phố phải điều chỉnh việc cung cấp nước đi kèm với hàng loạt ứng phó. Nhưng phải 1 tuần sau, phía nhà máy nước sông Đà mới chính thức lên tiếng về nguyên nhân xảy ra sự cố. Ngay cả chính quyền Hà Nội cũng kiên trì theo nguyên tắc “im lặng là vàng”. 

Vụ việc đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm hệ thống nước sạch đã bộc lộ nhiều bất cập liên quan tới quy trình đảm bảo tiêu chí “sạch” cũng như trách nhiệm của các bên liên quan, bao gồm doanh nghiệp cung ứng và Nhà nước. 

Dư luận còn đặc biệt chú ý tới những con số lãi khổng lồ của Nước sạch sông Đà. Theo đó, với mức giá bán 5.069,76 đồng/m2, nước sạch sông Đà đều đạt doanh thu trên 400 tỷ đồng trong 4 năm liên tiếp và lợi nhuận ròng sau thuế xấp xỉ 150 tỷ đồng. Dù giữa tâm bão nước bẩn,  nước sạch Sông Đà đã công bố Báo cáo tài chính quý 3/2019 với doanh thu thuần đạt 137,8 tỷ đồng, tăng 17% và lợi nhuận sau thuế hơn 72,4 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Con số lãi khổng lồ của Nước sạch sông Đà đã khiến người ta đặt dấu hỏi về một “miếng bánh đầy béo bở” - dịch vụ công với thương quyền “khổng lồ”.

Nhà máy nước sông Đuống đã phát nước phục vụ người dân Thủ đô từ tháng 10/2018 nhưng đến nay Cục Giám định vẫn chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư. (Ảnh: Vietnamnet)

Chưa dừng lại ở đó, ngay sau vụ “khủng hoảng” Nhà máy nước sông Đà được đặt ra thì dư luận lại tiếp tục e ngại trước thông tin về Nhà máy sông Đuống. Cụ thể, với mức giá thu hơn 10.000 đồng/m2, tức gấp khoảng 2 lần so với giá nước sinh hoạt của nước sạch sông Đà nhưng doanh nghiệp này vẫn kêu lỗ. 

Trước tình trạng kêu lỗ, vào tháng 6, Sở Tài chính Hà Nội đã có cuộc họp về việc xem xét điều kiện bù giá nước của doanh nghiệp này cho Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông và Công ty Cổ phần Viwaco. Theo tính toán, Nhà máy nước sạch sông Đuống có công suất 300.000m3/ngày đêm, nếu tính nhà máy này vận hành mỗi ngày 100% công suất thì Hà Nội sẽ phải bù lỗ mỗi ngày 3 tỷ đồng. Nếu vận hành 50% công suất, thì Hà Nội bù lỗ khoảng 1,5 tỷ đồng/ngày.

Trước đó, vào năm 2017, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho Dự án Nhà máy Nước sạch sông Đuống để triển khai thực hiện dự án nhà máy này. Cụ thể, lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.

Đã thế, Nhà máy nước sông Đuống đã phát nước phục vụ người dân Thủ đô từ tháng 10/2018 nhưng đến nay Cục Giám định vẫn chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư. Thông tin này khiến dư luận vô cùng bức xúc vì hành vi “vượt” pháp luật của Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Có hay không nhóm lợi ích?

Tại tọa đàm “Quản lý thị trường nước sạch – nhìn từ vụ nước nhiễm dầu” do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho rằng: “Trước hết, phải khẳng định nước sạch là yếu tố rất quan trọng trong đời sống của người dân. Việc bảo đảm chất lượng nước sạch là vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Để xảy ra hai vụ việc này rõ ràng không mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan chức năng.”

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương  (ở giữa) chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: daibietnhandan.vn)

ĐBQH Phương đã thẳng thắn phân tích: “Thứ nhất, sự cố nước sông Đà nằm ngoài ý muốn của doanh nghiệp và người dân. Trách nhiệm trước hết thuộc về kẻ vi phạm. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để xử lý, truy tố đối với đối tượng vi phạm, đồng thời, phải vào cuộc điều tra để xác định nguyên nhân gây ra sự việc là vô ý hay cố ý? Đặc biệt, cần làm rõ mục đích của việc đổ dầu thải này, có ai đứng sau chủ thể vi phạm?

Đối với việc nhà máy nước chưa đủ điều kiện nghiệm thu nhưng đã bán nước thương mại là sai phạm hết sức nghiêm trọng, cần dừng ngay việc bán nước để thanh tra xử lý vi phạm. Phải làm rõ doanh nghiệp tự ý hay cơ quan quản lý cho phép để bất chấp thủ tục? Chắc chắn có biểu hiện của chạy chọt và lợi ích!”

Đồng quan điểm đó, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng nhận định: “Hiện theo tôi, đang có một cuộc chiến về thị trường nước, đây là cuộc chiến lớn, đang có sự bừng tỉnh về lợi nhuận và lợi ích, đặc biệt là lợi ích nhóm. Có nhiều trường hợp phát hiện lợi ích nhóm quá lớn, hầu hết đều liên quan đến quan chức, dẫn đến chỗ làm triệt nguồn cung cấp của họ bằng hai cách. Một là dừng hợp đồng mua bán nước và bắt chia sẻ với doanh nghiệp khác. Hai là chặn đầu vào, không cho bán nước thô mà không bán nước thô thì doanh nghiệp lấy cái gì để sản xuất?

Tôi cho rằng phải nghiên cứu, phải có sự giám sát chặt chẽ tránh tình trạng lợi ích nhóm, nó không chỉ làm hại đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Đấy là điều rất tệ hại trong nền kinh tế thị trường, người dân có nhu cầu và ý thức rất cao, người dân có thể đánh giá ngay”.

Để xử lý bất cập từ thị trường nước sạch, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đề xuất một bộ luật để quy định rõ trách nhiệm của nhà nước đến đâu, trách nhiệm của công ty, cá nhân, chính quyền đến đâu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top