Aa

"Khủng hoảng" nước sạch: "Miếng bánh ngon" đã chia phần?

Thứ Bảy, 09/11/2019 - 06:28

Cuộc định vị các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nước sạch đã được vạch ra rõ ràng trong bản quy hoạch năm 2013. Đâu là con đường để doanh nghiệp khác tham gia vào thị phần này?

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh diễn ra sáng 7/11, vấn đề nước sạch tiếp tục trở thành chủ đề nóng mà nhiều đại biểu quan tâm, bởi đây không chỉ là vấn đề đời sống dân sinh mà còn là vấn đề an ninh.

Khởi đầu cho chuỗi “khủng hoảng” nước sạch là vụ việc hồ chứa nước sơ lắng của Nhà máy nước Sông Đà tại hồ Đầm Bài, Hòa Bình bị đổ trộm dầu thải, gây nhiễm styren cho toàn bộ hệ thống nước sạch cung cấp cho cư dân. Nhưng một tuần sau, phía Nhà máy nước Sông Đà mới chính thức lên tiếng, còn chính quyền Hà Nội lại theo phương châm "im lặng là vàng". 

Hơn một tuần sử dụng nước nhiễm dầu, tiếp tục phải đối diện với những ngày cắt nước rồi khó kiểm chứng nguồn nước đã cấp trở lại, cuộc sống của hàng vạn người dân Thủ đô đều bị xáo trộn và trở nên bất an. Từ viêc của nước sạch Sông Đà khiến người ta phải đặt ra lo ngại về dịch vụ công đang có quá nhiều lỗ hổng, từ khâu sản xuất đến phân phối nhưng thiếu đi trách nhiệm quản lý, kiểm soát của Nhà nước.

Tiếp tục chuỗi “khủng hoảng” nước sạch, cuối tháng 10 vừa qua, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định chưa hoàn tất quá trình nghiệm thu Nhà máy nước mặt Sông Đuống, trong khi đó nhà máy này lại đang cung cấp khoảng 150.000m3 nước sạch/ngày đêm cho người dân Hà Nội sử dụng. Chưa kể, giá nước sinh hoạt của doanh nghiệp này cao gấp khoảng 2 lần giá nước của Nhà máy Sông Đà nhưng đơn vị này vẫn liên tục kêu lỗ.

Bất cập. Đáng lo ngại. Nhưng theo Quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, thì nội dung quy hoạch các nhà máy nước mặt đã có sự phân định rõ cho 3 doanh nghiệp: Nhà máy nước Sông Đà, Nhà máy nước Sông Hồng và Nhà máy nước Sông Đuống. Quy hoạch cũng đã dự báo nhu cầu sử dụng nước và đồng thời phân bổ địa bàn cung cấp, công suất cung cấp nước cho đến giai đoạn năm 2050. Như vậy, bản quy hoạch đã nêu rõ và “định vị” doanh nghiệp tham gia vào thị phần nước.

Quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã dự báo nhu cầu sử dụng nước và phân bổ công suất cho các nhà máy: Sông Đà, Sông Hồng, Sông Đuống. 

Sau chuỗi khủng hoảng nước sạch vừa qua, ai cũng nhận thấy thị trường nước sạch đang rất cần sự canh tranh minh bạch và công bằng để doanh nghiệp nào đủ tiềm lực, đủ tâm và tầm tham gia vào lĩnh vực quan trọng này. Nhưng lối đi nào qua "khe cửa hẹp" khi bản Quy hoạch đã phân chia sẵn “miếng bánh”. Lỗ hổng đang nằm ở khâu nào?

Cà phê cuối tuần giới thiệu cuộc trò chuyện với ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.

PV: Năm 2013, Phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đã đưa ra dự báo nhu cầu sử dụng nước của Thủ đô và đã “định vị” phân bổ công suất cho 3 nhà máy nước mặt là Nhà máy nước Sông Đà, Sông Hồng và Sông Đuống. Ông bình luận như thế nào về việc này?

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Thứ nhất, nếu quy hoạch đã nêu rõ doanh nghiệp nào, công suất sản lượng nước bao nhiêu tham gia vào thị phần phân bổ nước sạch của Hà Nội thì… cơ hội của doanh nghiệp khác bước chân vào lĩnh vực này sẽ bằng 0.

Rõ ràng, quy hoạch là căn cứ pháp lý rất cao, đã phân bổ thị phần nước thì tất nhiên nếu doanh nghiệp khác muốn đặt chân vào lĩnh vực này sẽ buộc phải thay đổi được quy hoạch. Mà muốn thay đổi được quy hoạch, tức là sẽ chen được một vị trí vào lĩnh vực nước sạch, thì phân bổ nguồn nước và công suất sản lượng nước sẽ buộc phải thay đổi theo, ảnh hưởng quyền lợi của doanh nghiệp cũ đã nằm trong quy hoạch.

Thứ hai, tôi đang thấy mâu thuẫn ở điểm là Hà Nội đang huy động sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân trong sản xuất và phân phối nước sạch. Và trong Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó có 7 lĩnh vực được đưa vào hình thức đối tác công tư mà trong đó có cung cấp nước sạch… Mâu thuẫn ở đây, quy hoạch đã được đưa ra rồi, đã phân bổ cho 3 doanh nghiệp là Sông Đà, Sông Hồng và Sông Đuống mà hiện tại lại huy động nhiều doanh nghiệp tư nhân vào tham gia. Họ sẽ tham gia kiểu gì, bằng con đường nào khi thị phần đã phân định rất rõ ràng? Tôi nghĩ, dự báo về nhu cầu nước của người dân Hà Nội sẽ gần như không có sai số nhiều. Vậy doanh nghiệp tham gia vào thì họ sẽ cung cấp cho ai khi các đơn vị khác đã chia xong thị phần?

Thứ ba, các doanh nghiệp đang nằm trong quy hoạch đang hưởng được quá nhiều cái lợi. Đây là dịch vụ công với thương quyền lớn. Nước là nhu cầu thiết yếu của mỗi con người. Thế nên, phần lãi mà doanh nghiệp được nhận gần như chắc chắn. Một bản quy hoạch đã vạch rõ con đường được hưởng lợi nhuận rất rõ ràng. Tôi nghĩ, đó là "miếng bánh ngon" mà ai cũng muốn.

PV: Đó có phải là "lỗ hổng" khởi đầu cho những bất cập đã và đang xảy ra trong lĩnh vực cung ứng nước sạch không thưa ông?

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Tôi nghĩ là có. Bản quy hoạch khiến cho thị trường cung ứng nước sạch đã được chia “xong xuôi”. Và doanh nghiệp khác không thể tham gia vào được nữa. Dĩ nhiên, nếu theo lời kêu gọi, huy động doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thì buộc phải thông qua đấu thầu như quy định về đầu tư công PPP đưa ra. Nhưng để đến bước đó thì doanh nghiệp phải chen chân vào phải thay đổi được bản quy hoạch.

Tức là luật của mình đang gặp vấn đề. Đúng nhưng lại mâu thuẫn. Đúng nhưng lại tạo ra nhiều lỗ hổng.

Hệ quả của việc doanh nghiệp phân chia sẵn thị phần thì rủi ro dành cho người dân là rất lớn. Họ bị “triệt tiêu” động lực phát triển và có thể thờ ơ với việc kiểm tra nguồn nước sát sao. Hơn nữa sẽ không tránh khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vì lợi nhuận của lĩnh vực này quá cao.

PV: Liệu có xảy ra tình trạng lợi ích nhóm trong lĩnh vực nước sạch khi "miếng bánh" thị phần đã phân chia rất rõ ràng?

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Tôi vẫn cho rằng, đang có một "cuộc chiến" về thị trường nước. Và đây là cuộc chiến lớn, đang có sự bừng tỉnh về lợi nhuận và lợi ích, đặc biệt là lợi ích nhóm.

Có nhiều trường hợp phát hiện lợi ích nhóm quá lớn, liên quan đến quan chức, dẫn đến chỗ làm triệt nguồn cung cấp của họ bằng hai cách. Một là dừng hợp đồng mua bán nước và bắt chia sẻ với doanh nghiệp khác. Hai là chặn đầu vào, không cho bán nước thô mà không bán nước thô thì doanh nghiệp lấy cái gì để sản xuất?

PV: Trước thực trạng nước sạch “khủng hoảng”, nhiều ý kiến cho rằng, trong lĩnh vực này, Nhà nước phải đứng ra cung cấp, sản xuất để vừa đảm bảo được mức giá hợp lý cũng như tránh tình trạng rủi ro xảy ra như vụ việc nước Sông Đà vừa rồi. Quan điểm của ông thì sao?

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Sự việc của nước Sông Đà cho thấy tầm quan trọng của việc sản xuất, cung ứng cũng như vai trò của toàn bộ hệ thống quản lý Nhà nước với việc cung ứng nước sạch. Đó không dừng lại ở vấn đề cuộc sống mà còn là vấn đề an ninh nước.

Vai trò của Nhà nước đang rất mờ nhạt thể hiện ở quy hoạch, giám sát, kiểm soát. Điều này dẫn tới tình trạng các mức giá nước sách trên thị trường đang khác nhau.

Tôi nhấn mạnh lại, công việc của chính quyền rất lớn, từ đầu vào và đầu ra của toàn bộ hệ thống nước chứ không chỉ dừng lại ở mức độ kiểm tra sản xuất. Tức là phải bắt đầu từ khâu xây dựng quy hoạch đến khâu cuối cùng để chịu trách nhiệm về nguồn nước an toàn. Người dân có quyền đòi hỏi chính quyền phải cung cấp nguồn nước sạch. Nói cách khác, mặc dù  doanh nghiệp là đơn vi cung cấp nước nhưng cuối cùng, Nhà nước phải chịu trách nhiệm về vấn đề này vì nó còn liên quan đến an ninh nguồn nước.

PV: Từ thực trạng trên, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, cần có những giải pháp nào để "vá lỗ hổng" nước sạch?

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Để bảo vệ và sử dụng tài nguyên nước có hiệu quả thì cần phải có Luật để quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước đến đâu, trách nhiệm của công ty, cá nhân, chính quyền đến đâu? Không chỉ rà soát hệ thống quy hoạch nước mà phải gấp rút giao cho cơ quan chủ trì phối hợp với bộ ngành và địa phương để nghiên cứu Luật về sản xuất và cung ứng nước sạch, nếu chỉ dựa vào nghị định, quyết định thì còn nhiều hệ lụy khác.

Cần phải công khai minh bạch thị phần nước. tôi cho rằng, không để tình trạng như thế này xảy ra vì sẽ dẫn tới cuộc chiến cạnh trạnh không lành mạnh. Rồi việc doanh nghiệp ngoại nhảy vào thâu tóm nhà máy nước của Việt Nam, thiết nghĩa, đó là vấn đề an ninh nước thì đồng nghĩa phải có quy định rõ ràng, không thể tư nhân hóa mà thiếu đi kiểm soát của Nhà nước.

- Cảm ơn chia sẻ của ông!

Tại sao giá nước của Sông Đuống lại cao hơn?

Nước là mặt hàng độc quyền do Nhà nước quyết định giá và giao cho UBND các tỉnh, thành tự quyết định. Sau đó, UBND giao cơ quan chức năng là Sở Tài chính làm phương án, thẩm định và đưa ra Hội đồng Nhân dân, đây sẽ là cấp cuối cùng quyết định.

Nhiều người lo ngại bối cảnh hiện nay Nhà máy nước Sông Đuống chưa đưa vào vận hành mà 2 năm trước đã có giá. Vấn đề cơ quan chức năng có khách quan hay không, đề xuất này cần được thẩm định chặt chẽ.

Xét mặt bằng chung, tại sao giá nước của Sông Đuống lại cao hơn, có phải do công nghệ hiện đại hơn, chất lượng nước tốt hơn? Điều này cũng đòi hỏi cơ quan chức năng và cơ quan tư vấn độc lập tham chiếu để đưa ra lý giải thoả đáng nhất cho người tiêu dùng. Vừa xảy ra sự cố ô nhiễm nước mà giá nước tăng có thể gây sự bức xúc trong dư luận.

Hiện nay, đối với thành phố rất ít công ty đầu tư về lĩnh vực nước nên gọi là độc quyền tự nhiên. Dù độc quyền tự nhiên hay nhân tạo thì đầu tư vào lĩnh vực này cần rất nhiều yếu tố. Giá thì do Nhà nước quản lý, kiểm soát, cụ thể là giao cho HĐND các cấp quyết định, cơ quan tư vấn cho HĐND là Sở Tài chính.

Cần phải thấy rõ, điện với nước là hai yếu tố thiết yếu cần thiết cho đời sống người dân. Khi doanh nghiệp độc quyền cung cấp nước cho một khu vực thì người dân không có quyền lựa chọn và đương nhiên khi có sự cố như vụ nhiễm dầu vừa qua thì người dân chỉ có 2 phương án: Một là ngưng dùng nước hai là chấp nhận dùng nước bẩn.

Do đó vấn đề an ninh nguồn nước cần phải bàn bạc. Các quốc gia khác, họ đã quan tâm đến vấn đề này trong khi chúng ta lại lơi lỏng. Kinh nghiệm đối với lĩnh vực độc quyền là có chế tài xử phạt nghiêm nếu có quan hệ móc nối gây thiệt hại cho người dân.

Để xảy ra câu chuyện nước nhiễm dầu như vừa qua, trách nhiệm không chỉ của doanh nghiệp mà còn cả các đơn vị quản lý.

Nhà nước luôn luôn khuyến khích xã hội hoá nhưng nếu có một đơn vị đang làm rồi, một đơn vị khác tham gia vào nữa mà không tính toán thì hiệu quả cạnh tranh cũng thấp. Xã hội hoá nước sạch, nhiều doanh nghiệp tham gia vào ngành này thì người dân đương nhiên cũng được hưởng lợi nhưng cần phải tính toán phương án.

Bên cạnh đó, cần hiểu rằng, đầu tư hạ tầng nước không đơn giản bởi đường ống dẫn nước rất lớn nên không thể dẫn nổi trên mặt đất được, vì vậy mà phải dẫn ngầm dưới lòng đất. Để làm được điều này, phải có một hệ thống ống dẫn nước thống nhất để đảm bảo được vẻ đẹp cho đô thị, bền vững kết cấu hạ tầng. Nếu có nhiều nhà cung cấp tức là phải có nhiều đường ống dẫn nước, dẫn đến chồng chéo khiến đường phố đô thị có thể bị đào xới nhiều hơn. Vì vậy mới có chuyện độc quyền trong cung cấp nước sạch.

Nhà nước phải kiểm soát bằng cách quyết định giá, đối với việc cung cấp nước sạch phải công khai, minh bạch, đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể để đấu giá với ít nhất có từ 2 doanh nghiệp tham gia đấu giá.

Chúng ta cũng có đầy đủ các bộ luật trong quản lý về nước sạch nhưng căn bản là khâu giám sát, thực thi, quản lý chưa hiệu quả. Chúng ta đã có chuyện công khai thông tin hàng năm, kết quả thực hiện lấy mẫu nước kiểm tra và hoạt động của hệ thống phòng ngừa và kiểm soát rủi ro với nước sạch hay chưa?

Ai cũng muốn tham gia quản lý nhưng đến lúc trách nhiệm thì ai cũng muốn đùn đẩy.

PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính)

 Nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh nếu thiếu giám sát của Nhà nước

Cạnh tranh bình đẳng là yếu tố rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa. Hướng tới một nền kinh tế thị trường bình đẳng, trong thời gian qua, chúng ta gặt hái được nhiều kết quả, chuyển dần từ nền dịch vụ công Nhà nước độc quyền sang nền dịch vụ công có sự tham gia của xã hội.

Trong nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh khốc liệt và nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh rất lớn nếu như Nhà nước không thực hiện được đúng vai trò của mình. Vì vậy phải có đủ văn bản pháp luật để điều chỉnh để bảo đảm rằng thị trường này các chủ thể kinh doanh được bình đẳng. Nhà nước cũng phải giám sát chặt chẽ và xác định trách nhiệm rõ ràng về vấn đề dịch vụ công.

Nếu quy hoạch cấp nước bị phá vỡ sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ về mất an ninh nguồn nước, thiếu nguồn nước sạch để cung cấp. Nếu như quy hoạch đã được xây dựng thì phải bám sát, tuân thủ quy hoạch và chỉ điều chỉnh quy hoạch khi thật sự có nhu cầu và phải được đánh giá, phân tích kỹ càng.

ĐBQH Phùng Văn Hùng


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top