Aa

Kịch bản nào cho bất động sản nghỉ dưỡng sau lần bùng dịch Covid-19 lần thứ 4

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 12/07/2021 - 06:00

Dưới con mắt của các nhà đầu tư, trong lần bùng dịch thứ, khả năng phục hồi của BĐS nghỉ dưỡng nửa cuối năm sẽ còn khó khăn hơn. Kịch bản nào cho thị trường vẫn đang được các chuyên gia mổ xẻ.

Theo ghi nhận từ Savills, dù thị trường khách sạn nghỉ dưỡng Hà Nội đã có sự phục hồi vào tháng 4/2021, tuy nhiên làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã đẩy công suất phòng của quý II/2021 xuống còn 27%. Giá phòng trung bình đạt 77 USD/phòng/đêm, giảm 9 % theo năm. Khách sạn 5 sao dẫn đầu với doanh thu phòng trung bình đạt 28 USD/phòng/đêm nhờ nhóm khách chính là khách công tác và khách lưu trú dài ngày.

Tương tự, tại TP.HCM, trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, các biện pháp giãn cách đã được thành phố áp dựng, khiến cho nhu cầu lưu trú khách sạn sụt giảm, 17 dự án khách sạn buộc phải tạm ngưng hoạt động. Nguồn cung giảm 11% theo quý ở cả ba phân khúc.

Diễn biến thị trường khách sạn Hà Nội nửa đầu năm 2021
Diễn biến thị trường khách sạn Hà Nội nửa đầu năm 2021.
Diễn biến thị trường khách sạn TP.HCM nửa đầu năm 2021
Diễn biến thị trường khách sạn TP.HCM nửa đầu năm 2021.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho hay: “Thị trường khách sạn Hà Nội hiện vẫn đang đứng vững trước đại dịch với công suất chỉ đạt 27%. Nhiều hy vọng cho sự trở lại của ngành du lịch khi việc triển khai vaccine sẽ giúp du lịch quốc tế được mở cửa. Theo đó, Việt Nam hoàn toàn có thể trải qua những khó khăn đó khi du lịch trở lại”.

Còn ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam chia sẻ, trong 6 tháng cuối năm, ảnh hưởng kéo dài từ 4 đợt dịch trước đến nay khiến phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chịu những ảnh hưởng nặng nề cho dù tình hình dịch bệnh có được kiểm soát hiệu quả. Đối tượng khách nội địa vẫn là nguồn cầu chủ đạo của thị trường này.

Là đơn vị kinh doanh bất động sản, ông Đỗ Quý Duy, giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Bất động sản Hải Phát cho rằng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng luôn được nhận định là có sức hút lớn với nhà đầu tư nước ngoài nhưng khi dịch bệnh hoành hành, trong thời gian 2 năm qua thị trường này liên tục gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, căn hộ condotel đang chào bán cắt lỗ khoảng 20 - 25% so với giá hiện tại của thị trường.

“Do đó, trong 6 tháng đến 1 năm tới, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, thói quen của nhà đầu tư Việt Nam, họ ưu tiên sự chắc chắn nên sẽ rất thận trọng khi đầu tư vào phân khúc này”, ông Duy lưu ý.

Ở một góc nhìn khác, bà Lê Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc Công ty Bất động sản Tuấn 123 chia sẻ: “Với những dự liệu chúng tôi thu thập được trong 2 năm trở lại đây về nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng giai đoạn hiện nay và sau khi hết dịch, chúng ta có thể tin tưởng rằng bất động sản nghỉ dưỡng có thể khởi sắc sau khi dịch được kiểm soát. Tuy nhiên, sự khởi sắc này sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố là Việt Nam sẽ kiểm soát dịch ra sao và chính sách nhập vào Việt Nam ra sao, chính sách hộ chiếu như thế nào?...”.

Trong khi đó, ông Ngô Văn, Giám đốc Marketing Tập đoàn Danh Khôi lại có một có một góc nhìn tích cực cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng những tháng cuối năm 2021.

“Với cam kết của Chính phủ, việc tiêm phòng vaccine Covid-19 đang gia tăng thì lúc này sẽ là thời điểm để nhà đầu tư bung tiền mua các bất động sản có giá tốt. Trong đó, “đàn cá mập” đang đợi cơ hội để mua các dự án lớn ven biển. Chúng ta có thể hình dung là tiềm năng du lịch của Việt Nam là cực kỳ lớn, đương nhiên các nhà đầu tư lớn sẽ không bỏ qua cơ hội của thị trường này”, ông Văn nhận định.

Dự báo về thị trường sau lần bùng dịch thứ 4, ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa cũng đưa ra 2 kịch bản:

Thứ nhất, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ bão hòa và chững lại trong thời gian tới. Xuất hiện từ cuối năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể (như quy chuẩn, điều kiện huy động vốn, hợp đồng mua bán...) đối với dòng sản phẩm đặc thù như bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, nhà đầu tư sẽ không còn mặn mà lớn đối với phân khúc này vì phải chờ đợi chứng nhận pháp lý quá lâu, nhất là hiện nay tín dụng dành cho bất động sản nghỉ dưỡng đang bị siết chặt.

Thứ hai, nếu được tháo gỡ về mặt pháp lý và cấp “chứng nhận” trong năm 2021 hoặc 2022. Đây là kịch bản tích cực nhưng phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn sẽ trầm lắng, vì thị trường du lịch vẫn chưa khởi sắc, bản chất của căn hộ du lịch cho dù có sổ đỏ hay không thì đó cũng chỉ là căn hộ để kinh doanh, chứ không phải loại hình nhà ở nên muốn phát triển hiệu quả và ổn định lâu dài cần phải có sự đồng hành của hệ thống ngành du lịch.

“Trong bối cảnh thị trường du lịch quốc tế chưa khôi phục, du khách nội địa sẽ là “cứu cánh” của ngành du lịch cả nước. Đây là thời cơ quan trọng để các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các nhà phát triển bất động sản nghỉ dưỡng hợp tác khai thác mạnh nguồn du khách nội địa, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng hiện tại và trong thời gian tới.

Nói chung, để thị trường có thể vực dậy hoàn toàn cần có thời gian và lực đẩy từ chính sách Nhà nước. Cùng với đó là các chi phí du lịch phù hợp, vẻ đẹp thiên nhiên phong phú gắn với khẩu hiệu du lịch an toàn là ưu điểm giải bài toán khai thác nguồn khách nội địa hiện nay”, ông Hoàng cho hay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top