Mở cánh cửa bất động sản nghỉ dưỡng Hòa Bình

Mở cánh cửa bất động sản nghỉ dưỡng Hòa Bình

Thứ Sáu, 04/06/2021 - 06:00

bat dong san hoa binh

Khoảng 10 năm trở lại đây, bất động sản nghỉ dưỡng bùng nổ ở Việt Nam với các đặc trưng:

Thứ nhất, tuyệt đại đa số bất động sản nghỉ dưỡng phát triển gắn với vùng ven biển dựa vào ưu thế tự nhiên là Việt Nam có bờ biển dài với nhiều bãi tắm đẹp. Trong khi đó, tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở các địa phương không có biển chưa được chú trọng khai thác, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng gắn với núi rừng, sông hồ và suối khoáng. 

sakana hoa binh

Dịch bệnh Covid-19 khiến cho không ít người có nhu cầu rời xa đô thị đông đúc, chật chội, ồn ào, xô bồ, ô nhiễm, dễ lây bệnh. Chưa kể, các biện pháp phòng chống dịch bệnh khiến nhiều người muốn thông qua sở hữu căn nhà thứ hai tại những địa phương xung quanh đô thị có dân cư thưa thớt, phong cảnh đẹp, rộng rãi để tận hưởng không khí trong lành, gần gũi thiên nhiên, xã hội thân thiện...

Các thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 như làm việc từ xa, học online, IoT, thương mại điện tử... đi đôi với mức thu nhập cao và điều kiện cơ sở hạ tầng được cải thiện cho phép một bộ phận lớn dân cư đô thị mong muốn và có thể sở hữu căn nhà thứ hai để sống, để nghỉ dưỡng dài ngày.   

Ts Vu dinh Anh
TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế

Thứ hai, bất động sản nghỉ dưỡng phục vụ nhu cầu du lịch biển của khoảng 100 triệu lượt khách trong nước hàng năm nên có đặc điểm là du lịch ngắn ngày, tập trung vào mùa hè và đa dạng các hình thức du lịch, từ bình dân tới cao cấp. So với du lịch biển thì du lịch núi chậm phát triển hơn rất nhiều kể cả về số lượng khách, cơ sở hạ tầng, quy mô và chất lượng dịch vụ lẫn mức độ hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong khi tiềm năng du lịch núi còn rất lớn.

Đặc biệt, do tác động của dịch Covid-19, khi du lịch nói chung, du lịch biển nói riêng lâm vào khủng hoảng kéo dài, bất động sản nghỉ dưỡng biển cũng rơi vào tình trạng thừa ế, cả sản phẩm và công suất khai thác thì bất động sản nghỉ dưỡng núi trở thành cứu cánh cho cả ngành du lịch lẫn ngành bất động sản nghỉ dưỡng. Bởi du lịch núi khắc phục được các nhược điểm như tập trung đông người, sử dụng phương tiện vận tải công cộng, khó đảm bảo quy tắc 5K của Bộ Y tế.

Hơn nữa, lối sống với căn nhà thứ hai ở ngoại ô vốn quen thuộc với dân đô thị lớn tại nhiều nước phát triển có thể trở thành phương thức lựa chọn tránh dịch bệnh được ưa chuộng của một bộ phận cư dân đô thị có điều kiện ở nước ta.

Thứ ba, bất động sản nghỉ dưỡng phục vụ nhu cầu của trên 10 triệu khách du lịch quốc tế mỗi năm, bao gồm nhiều hình thức như khách lẻ, khách gia đình và khách đoàn. Khách du lịch quốc tế là đối tượng phục vụ chủ yếu của bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp, đạt đẳng cấp quốc tế.

Tương tự như du lịch trong nước, du lịch quốc tế chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, thậm chí còn nặng nề hơn, nên du lịch núi có thể là lựa chọn của khách du lịch quốc tế sau khi mở cửa biên giới trở lại nhờ thành quả tiêm vắc-xin của các quốc gia trên thế giới. Bất động sản nghỉ dưỡng núi cần đi trước đón đầu xu hướng du lịch núi nhờ những ưu thế phòng chống dịch hơn hẳn so với du lịch biển.

sakana hoa binh

Thứ tư, Việt Nam đã sở hữu nhiều khu nghỉ dưỡng ven biển hiện đại, dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp đi đôi với hệ thống giao thông tiện lợi.

Ngược lại, sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng núi còn ít, đơn điệu, nghèo nàn, chủ yếu gắn với những sân golf mới xây dựng, với một số nguồn suối khoáng hay tập trung ở một số địa phương như Sapa (Lào Cai) và Đà Lạt (Lâm Đồng). Phân khúc căn nhà thứ hai hầu như chưa được quan tâm phát triển, một phần do không ít người dân ở đô thị lớn lại đồng thời có bất động sản ở quê của chính họ sở hữu hay do bố mẹ ông bà để lại. Cơ hội vươn lên trở thành trung tâm du lịch núi mới mở rộng cho tất cả các địa phương có tiềm năng của nước ta, miễn là biết nắm lấy cơ hội và có chiến lược phát triển đúng đắn.

Thứ năm, phát triển bất động sản nghỉ dưỡng được chính quyền, đặc biệt là chính quyền tại các tỉnh ven biển và các khu vực quan tâm, hỗ trợ với hàng loạt cơ chế chính sách thu hút và hấp dẫn các nhà đầu tư.

Thứ sáu, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng hấp dẫn nhiều nhà đầu tư, từ nhà đầu tư cá nhân đến các tập đoàn lớn, cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài. Hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn đã đổ vào bất động sản nghỉ dưỡng, bao gồm cả vốn tự có, vốn góp, vốn tín dụng ngân hàng... Đặc biệt, bất động sản nghỉ dưỡng trở thành minh chứng thuyết phục cho mô hình kinh tế chia sẻ.

Trong khi đó, mô hình nghỉ dưỡng núi vừa có nhiều đặc điểm chung so với nghỉ dưỡng biển do đều là du lịch nghỉ dưỡng song cũng có những đặc điểm riêng như mức độ tập trung thấp hơn, hòa hợp hơn với thiên nhiên và xã hội xung quanh, tỷ lệ sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng sở hữu và sử dụng thường xuyên cao hơn (căn nhà thứ hai)... 

bat dong san hoa binh

Thứ bảy, bất động sản nghỉ dưỡng phát triển đột phá làm thay đổi hẳn diện mạo nhiều địa phương ven biển khi và chỉ khi có sự tham gia của các nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp với những dự án quy mô hàng ngàn tỷ đồng và sử dụng hàng trăm héc-ta đất. Tuy nhiên, khi đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng biển mất đi sự hấp dẫn vốn có thì việc các nhà đầu tư lớn chuyển hướng sang bất động sản nghỉ dưỡng “phi biển” là tất yếu. Ưu thế sẽ thuộc về những địa phương đón đầu được xu hướng này.

bat dong san hoa binh

Căn cứ vào các xu thế phát triển bất động sản nghỉ dưỡng nêu trên, cánh cửa phát triển bất động sản nghỉ dưỡng “phi biển” đang mở rộng cho Hòa Bình với các ưu thế và cơ hội nổi bật sau:

Thứ nhất, Hòa Bình có vị trí lý tưởng để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng “phi biển” trong đó có mô hình căn nhà thứ hai cho một bộ phận cư dân Thủ đô Hà Nội. Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, TP. Hòa Bình nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 73km và tỉnh Hòa Bình thuộc vùng Hà Nội.

Thứ hai, địa hình và điều kiện tự nhiên Hòa Bình rất phù hợp phát triển bất động sản nghỉ dưỡng “phi biển” với đồi núi trùng điệp, nhiều hang động như Thác Bờ, Hang Rết, động Hoa Tiên, những hang động thiên tạo đa dạng hình thù trên đỉnh Phù Bua...

Hòa Bình sở hữu một vùng hồ sông Ðà thơ mộng cho phép phát triển du lịch vùng lòng hồ và ven hồ, có đầy đủ vịnh, đảo và bán đảo đi đôi với hệ động thực vật quý hiếm được bảo tồn tốt. Các bản Mường, bản Dao, bản Tày rải rác ven hồ, ven thung lũng tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình như bản Nanh, bản Nưa của người Mường, người Dao và xen kẽ một số gia đình người Thái với những mái nhà sàn cổ đặc biệt hấp dẫn du khách và cả người dân đô thị ở Hà Nội.

Hoà Bình nổi tiếng với cảnh sắc núi đồi nên thơ. 

Hòa Bình có mạng lưới sông suối phân bổ tương đối dày và đều khắp ở các huyện. Hòa Bình có khí hậu cận nhiệt đới ẩm, mùa đông phi nhiệt đới khô lạnh, ít mưa còn mùa hè nóng, mưa nhiều. 

Đặc biệt, Hòa Bình có nhiều suối nước khoáng nóng, nổi bật là suối nước khoáng Kim Bôi với nguồn nước phun lên ở nhiệt độ 36°C, đủ tiêu chuẩn dùng làm nước uống, để tắm, chữa bệnh. Thung lũng Mai Châu với đồng lúa và những nếp nhà sàn được quy hoạch bảo tồn và còn nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Đà Bắc là một huyện vùng cao thích hợp cho du khách tham quan du lịch sinh thái và văn hóa với cảnh quan nguyên sơ yên ả, thơ mộng của thị trấn miền núi Tây Bắc. Lương Sơn ở cửa ngõ của Hòa Bình chỉ cách Hà Nội khoảng 40km với hệ thống giao thông thuận lợi nên tập trung rất nhiều khu du lịch sinh thái, địa điểm giải trí.

 

Thứ ba, bên cạnh điều kiện tự nhiên thuận lợi, đất rộng người thưa, Hòa Bình cũng có nhiều điều kiện văn hóa - xã hội phù hợp để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng núi. Hòa Bình là một trong 9 tỉnh của Việt Nam mà người Kinh không chiếm đa số do tỉnh là thủ phủ của người Mường sinh sống trải rộng khắp trong tỉnh và xen kẽ với các dân tộc khác. Người Thái chủ yếu sống tập trung ở huyện Mai Châu và vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo làm vốn quý để phát triển du lịch cộng đồng với khu du lịch Bản Lác là một trong những điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu ở Hòa Bình. Người Tày, chủ yếu tập trung ở huyện Đà Bắc, sống xen kẽ với người Mường, người Dao còn người Dao sống thành cộng đồng ở các huyện Đà Bắc, Lương Sơn, Kim Bôi, Cao Phong và TP. Hòa Bình. Các dân tộc Hòa Bình vừa giữ gìn bản sắc văn hóa riêng, vừa bảo tồn được tính đa dạng của văn hóa các dân tộc khác trong cộng đồng với di sản văn hóa phi vật thể hấp dẫn. Chính sự đa dạng về dân tộc là tiềm năng lớn để Hòa Bình phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa và du lịch sinh thái.

hoa binh
Sự đa dạng về dân tộc là tiềm năng lớn để Hòa Bình phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa và du lịch sinh thái.

Thứ tư, tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng Hòa Bình đang thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư, cả nhà đầu tư cá nhân lẫn nhà đầu tư chuyên nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch cuối tuần, ngắn ngày và căn nhà thứ hai của người Hà Nội với nhiều dự án resort, khu nghỉ dưỡng lớn nhỏ, đặc biệt sau khi đường cao tốc từ Láng - Hoà Lạc đi Hoà Bình thông xe năm 2017 giúp thời gian di chuyển từ trung tâm Hà Nội đến TP. Hoà Bình rút ngắn một nửa chỉ còn khoảng trên dưới 1 giờ.

Dịch bệnh Covid-19 và sự đông đúc chật chội của Hà Nội đã khiến Hoà Bình trở thành lựa chọn lý tưởng để đi về của ngày càng nhiều người dân Thủ đô có điều kiện. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Hòa Bình đang nóng lên với hàng loạt dự án đón đầu xu thế mới như: Ivory Villas & Resort, Parahills Resort, Sakana Hoà Bình,...

Hoà Bình thu hút du khách bởi những mô hình nghỉ dưỡng độc đáo. (Ảnh: Dự án Sanaka Hoà Bình)

Tóm lại, cánh cửa phát triển bất động sản nghỉ dưỡng “phi biển” đã mở rộng cho Hòa Bình với các ưu thế vượt trội về vị trí, điều kiện tự nhiên, môi trường kinh tế - văn hóa - xã hội và sức hấp dẫn các nguồn lực đầu tư. Thành công khi bước qua cánh cửa đó giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng nắm bắt cơ hội và tạo điều kiện biến Hòa Bình trở thành trung tâm nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam thông qua quy hoạch, cơ chế chính sách của chính quyền và sự hợp tác của người dân Hòa Bình.

Thảo Quyên
31/05/2021 6:30
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top