Aa

Kịch bản tốt nhất để ngành du lịch Việt Nam phục hồi nhanh hơn so với dự báo

Bảo Linh
Bảo Linh vukimlinh@gmail.com
Thứ Năm, 22/07/2021 - 15:41

Theo Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia Trần Trọng Kiên, ngành du lịch sẽ phục hồi nhanh khi Việt Nam khống chế được đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 và cho phép mở cửa nhiều hơn.

Tại buổi Thảo luận trực tuyến “Kinh tế thời đại dịch: Khi chiến lược thay đổi” do Báo Trí thức trẻ tổ chức ngày 22/7, ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB), Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh đã chia sẻ những thông tin, nhận định về ngành du lịch Việt Nam trong nửa đầu năm và đưa ra những dự báo về lĩnh vực này khi diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều phức tạp.

Du lịch là ngành “đứng mũi chịu sào” trong đại dịch

Theo Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia, ngành du lịch Việt Nam là ngành "đứng mũi chịu sào", bị hy sinh nhiều nhất trong đợt dịch Covid-19 lần này. Nền tảng của du lịch là sự di chuyển, trong khi đó, di chuyển của mọi người đã bị dừng lại toàn bộ. Ngành du lịch không chỉ ảnh hưởng bởi trong 6 tháng đầu năm nay, mà còn bị toàn bộ trong vòng 18 tháng gần đây và đã bị ảnh hưởng rất lớn kể từ tháng 2/2020.

Hiện tại, tất cả các công ty tham gia vào ngành du lịch, từ hàng không, khách sạn, lữ hành đều bị ảnh hưởng. Các công ty du lịch gần như 80% đóng cửa, khoảng 85% nhân viên bị ảnh hưởng hoặc giảm lương. Hàng chục triệu người mất việc hoặc bị sụt giảm thu nhập.

tất cả các công ty tham gia vào ngành du lịch, từ hàng không, khách sạn, lữ hành đều bị ảnh hưởng
Tất cả các công ty tham gia vào ngành du lịch, từ hàng không, khách sạn, lữ hành đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19

Ngoài ra, rất nhiều người trong ngành du lịch phải chuyển sang ngành khác. Nhóm người có mức thu nhập thấp, lao động phổ thông hoặc chuyên môn không cao, đã phải chuyển dịch sang làm ngành khác như nông nghiệp, tài xế xe công nghệ hoặc xây dựng. 

Không những vậy, nhóm hướng dẫn viên hoặc những người lễ tân khách sạn phải chuyển sang các nghề như dạy học, hoặc phải làm thêm 2, 3 nghề cùng một lúc, như làm part-time trong khách sạn nhưng cũng đồng thời tham gia vào làm lái xe công nghệ buổi chiều hoặc buổi tối.

Cũng theo ông Trần Trọng Kiên, tình hình ngành du lịch hiện tại đang ở giai đoạn gần như là khó nhất và trong vòng một vài tháng tới sẽ còn khó khăn hơn nhiều.

“Nhờ vaccine chúng ta sẽ mở cửa”

Trước diễn biến mới của dịch bệnh, trả lời về việc có quan tâm tới các dự báo tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm hay không, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia Trần Trọng Kiên cho biết: “Hiện nay, cái quan trọng nhất tôi nghĩ rằng, chúng ta đã tự tin hơn nhiều bởi cái định hướng về chiến lược lấy vaccine là ưu tiên số 1 là định hướng cực kỳ quan trọng của Chính phủ. Tôi nghĩ nếu chúng ta đang có hành động càng sớm càng tốt, có thể mang lại được các lô vaccine đầy đủ để tiêm cho khoảng 70% dân số thì hoàn toàn có thể mở cửa.

Đến thời điểm hiện tại, con số mà chúng ta nhìn thấy cùng các dự báo thì tôi cho rằng, vào khoảng cuối năm, các lượt vaccine sẽ đủ để tiêm cho đến 70%. Tại các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam sẽ được tiêm vaccine đầy đủ. Và nếu nền tảng cơ sở như vậy, chúng ta có thể mở cửa".

ngành du lịch
Kịch bản tốt nhất đối với ngành du lịch và hoàn toàn có thể xảy ra là Việt Nam sẽ khống chế được đợt dịch Covid19 lần thứ 4 này ở thời điểm phù hợp, cho phép mở cửa nhiều hơn

Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh cho rằng, trước mắt, cần phải đảm bảo kinh doanh sản phẩm thiết yếu, để có các hoạt động kinh tế đặc biệt quan trọng. Bản chất của ngành du lịch là tạo ra sự di chuyển, từ đó tạo ra đầu tư, tạo ra thương mại, tạo ra các quan hệ, từ đó dẫn đến cơ hội tăng trưởng. So với một số nước trong khu vực Việt Nam không bị phụ thuộc quá nhiều vào du lịch.

Đến cuối năm 2019, ngành du lịch Việt Nam chỉ đóng góp hơn 9,2% GDP, trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên, đóng góp của ngành du lịch có thể nhiều hơn nhiều thông qua việc hỗ trợ thương mại đầu tư và những hoạt động khác. 

“Tuy rằng trong thời gian ngắn hạn vẫn rất khó khăn, nhưng tôi vẫn tự tin rằng nhờ vaccine, chúng ta sẽ mở cửa”, ông Kiên nhấn mạnh.

ông Trần Trọng Kiên
Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB), Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh

Cũng theo ông Trần Trọng Kiên, kịch bản tốt nhất đối với ngành du lịch và hoàn toàn có thể xảy ra là Việt Nam sẽ khống chế được đợt dịch Covid19 lần thứ 4 này ở thời điểm phù hợp, cho phép mở cửa nhiều hơn, thử nghiệm tại các địa điểm quan trọng đối với cả du lịch cũng như đầu tư.

Ví dụ như chúng ta mở cửa Phú Quốc, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh chẳng hạn với hình thức thử nghiệm, số lượng giới hạn từ 3 - 6 tháng. Số lượng mở cửa thử nghiệm có thể là 20.000 - 50.000 khách du lịch, hoặc là đầu tư, cho phép mở cửa cho Việt kiều bởi có 5 triệu người Việt Nam đang không thể về thăm gia đình được.

“Cái quan trọng nhất là khi chúng ta đạt được ngưỡng trên 60 triệu người tiêm vaccine thì chúng ta có thể mở cửa toàn bộ. Tôi tin rằng nhu cầu bị dồn nén rất cao, cộng với cả việc có nhiều người trên thế giới đang muốn được chi tiêu, sẽ tạo ra động lực rất tốt để tăng trưởng nhanh vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Như vậy ngành du lịch sẽ phục hồi. Tôi tin tốc độ phục hồi sẽ cao hơn nhiều và đến nhanh hơn so với cả chúng ta dự báo. Chúng ta sẽ rất bận rộn trong việc đào tạo, xây dựng hệ thống, tiếp thị… Cơ hội chúng ta có là ở sự thành công trong năm ngoái, kết hợp với mức độ kiểm soát dịch trong năm nay, có khả năng tốt hơn nhiều so với các nước trong khu vực và các nước cạnh tranh trực tiếp với ngành du lịch”, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia nhận định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top