Aa

Tư duy đột phá trong khai thác tài nguyên đô thị du lịch biển

Hồng Vũ (thực hiện)
Hồng Vũ (thực hiện) pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 15/07/2021 - 06:00

Trước các tác nhân của một bối cảnh kinh tế xã hội mới với các thách thức liền kề của các biến đổi thiên nhiên, khí hậu, dịch bệnh… các đô thị du lịch biển miền Trung sẽ phải căng mình để vượt qua thách thức.

Việt Nam có vị trí địa kinh tế và quốc phòng rất đặc biệt với hơn 3.000km ven bờ biển Đông và biển Tây cùng nhiều đảo, bán đảo, vùng vịnh. Hệ thống đô thị ven biển cũng đã được hình thành và phát triển, một số đô thị cảng lớn như thành phố Hải Phòng; đô thị hành chính đa chức năng như TP. Đà Nẵng; đô thị du lịch như TP. Hạ Long, Nha Trang, Sầm Sơn… Các khu kinh tế ven biển như Vân Đồn (Quảng Ninh), Nghi Sơn (Thanh Hóa), Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), Dung Quất (Quảng Ngãi), Chu Lai - Kỳ Hà (Quảng Nam)… Khai thác tài nguyên biển trong bối cảnh mới với những thách thức về biến đổi khí hậu, dịch bệnh ra sao để có thể bền vững, trở thành nền tảng vững chắc cho du lịch, bất động sản, kinh tế biển?

Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe) xung quanh câu chuyện này.

 Tài nguyên biển miền Trung và những thách thức khi phát triển “nóng” 

PV: Thưa TS. Nguyễn Thu Hạnh, bà nhìn nhận như thế nào về tiềm năng du lịch của vùng biển miền Trung nước ta?

TS. Nguyễn Thu Hạnh: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 phân định duyên hải miền Trung thành 2 vùng: Vùng du lịch Bắc Trung Bộ (gồm 6 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế) và vùng du lịch duyên hải Nam Trung Bộ (gồm 8 tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận). Nét tương đồng và đặc trưng cơ bản của khu vực duyên hải miền Trung là du lịch biển, đảo là gắn với các di sản văn hóa đặc sắc và hệ sinh thái đa dạng.

Nếu thống nhất khái niệm “Đô thị du lịch là đô thị có lợi thế phát triển du lịch, gắn với việc khai thác tài nguyên du lịch là chủ yếu và du lịch có vai trò quan trọng trong hoạt động của đô thị” thì khu vực duyên hải Miền Trung sẽ có các đô thị du lịch sau: Sầm Sơn, Cửa Lò, Đồng Hới, Huế, Lăng Cô, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Tuy Hoà, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết.

Với 12 đô thị du lịch biển này, nếu được quy hoạch và đầu tư phát triển bài bản, hoàn toàn có thể khởi sắc, phát triển bứt phá và chiếm vị thế quan trọng trong thị trường du lịch khu vực và thế giới. Ngoài mục tiêu phát triển du lịch, hệ thống đô thị du lịch biển duyên hải miền Trung còn là nơi được Chính phủ gửi gắm rất nhiều mục tiêu kinh tế, chính trị,... đặc biệt quan trọng, nhằm khẳng định vị thế quốc gia trước xu thế hội nhập Thế giới. 

Việc xác định chiến lược đô thị với một “rừng mũi nhọn” đã đưa các đô thị du lịch biển tới những thách thức lớn
Việc xác định chiến lược đô thị với một “rừng mũi nhọn” đã đưa các đô thị du lịch biển tới những thách thức lớn. (Ảnh sưu tầm)

PV: Tiềm năng là như vậy, nhưng thực tế sau một thời gian phát triển, vùng biển miền Trung đã đối mặt với không ít những thách thức và hệ luỵ do phát triển nóng?

TS. Nguyễn Thu Hạnh: Thách thức đối với các đô thị du lịch biển miền Trung hiện nay có thể chia làm 2 loại: Thách thức trước hoạt động khai thác tài nguyên quá tải của con người và thách thức của biến đổi thiên nhiên, khí hậu và dịch bệnh. 

Trong nhiều năm qua, tốc độ khai thác tài nguyên chóng mặt tại các đô thị du lịch ven biển miền Trung đã gây áp lực rất lớn đến chất lượng môi trường và việc bảo tồn, tái tạo các nguồn tài nguyên, trong đó có tài nguyên du lịch.  

Bài toán cân bằng và hài hòa trong khai thác tài nguyên dễ tìm được lời giải hơn đối với các không gian đô thị quy mô nhỏ, có chức năng du lịch là chủ yếu như: Sầm Sơn, Cửa Lò, Hội An... Tuy nhiên, ở Việt Nam, hầu hết các đô thị có tiềm năng du lịch biển ở quy mô quốc gia, cũng là nơi tập trung nhiều thế mạnh tiềm năng khác như: Cảng biển, hải sản, vật liệu xây dựng hay dầu khí,...

Việc xác định chiến lược đô thị với một “rừng mũi nhọn” đã đưa các đô thị du lịch biển tới những thách thức lớn như: Sự suy giảm về chất lượng tài nguyên và môi trường do tranh chấp không gian sử dụng giữa các ngành kinh tế. Sự thiếu thốn bản sắc trong kiến trúc cảnh quan do không xác định được mảng màu chủ đạo cho bức tranh đô thị… Và chất lượng sống của người dân đô thị cũng như khách du lịch sẽ bị đe doạ trầm trọng do hệ quả của hai vấn đề trên.

Nhìn lại bức tranh phát triển của một số đô thị du lịch biển Việt Nam, chúng ta sẽ thấy rõ hơn những thách thức của các đô thị đó trên con đường phát triển bền vững.

Chúng ta cũng đã có những bài học đối với sự phát triển chồng chéo của nhiều ngành kinh tế tại các đô thị du lịch ven biển như: Hạ Long, Nha Trang, Vũng Tàu… Riêng sự phát triển của du lịch và đô thị đã góp một phần đáng kể vào việc thu hẹp diện tích rừng ngập mặn, một trong những hệ sinh thái cơ bản, đóng vai trò quan trọng trong chu trình sinh thái tự nhiên của môi trường biển.

Chúng ta cũng đã có những bài học đối với sự phát triển lộn xộn của khu vực ven biển do chậm trễ về quy hoạch và yếu kém trong quản lý sau quy hoạch. Kiến trúc khách sạn, nhà nghỉ được thiết kế theo rất nhiều phong cách khác nhau, ngôn ngữ kiến trúc không đồng nhất, các giá trị cảnh quan đặc sắc ven biển hầu như chưa được khai thác để tham gia vào cấu trúc không gian cũng như hình thái đô thị du lịch.

Và cuối cùng là bài học của sự đào núi và lấp biển. Nhiều quả đồi đã biến thành đồi trọc, nhiều thảm thực vật và nhiều loại động vật có nguy cơ biến mất, đất liền đang tiến dần ra biển để đô thị hoá dần các hòn đảo nguyên sơ. Rõ ràng, chúng ta đang vô tình hoặc cố tình làm mất đi những giá trị của tài nguyên, những tiền đề để phát triển du lịch.

Cần tư duy đột phá trong khai thác tài nguyên biển

PV: Như đã phân tích ở trên thì theo bà để hạn chế những thách thức của phát triển “nóng”, việc khai thác tài nguyên biển miền Trung sẽ cần phải theo phương thức như thế nào?

TS. Nguyễn Thu Hạnh: Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại quỹ tài nguyên biển với những giá trị tự nhiên, văn hoá, lịch sử tinh thần,… còn tiềm ẩn mà chúng ta đang bỏ ngỏ. Các tài nguyên biển có khoảng 10 giá trị, thì hiện chúng ta mới chỉ khai thác được vài ba giá trị bề nổi mà thôi. Ngoài bãi tắm và hải sản, chúng ta còn có nắng biển, gió biển, muối biển, cảnh quan biển và văn hoá biển đặc trưng, lâu đời…

Để khai thác hiệu quả các giá trị tiềm ẩn này, chúng ta cần sử dụng hàm lượng chất xám cao hơn với cách tiếp cận của lối “Tư duy đột phá” để tạo nên những sản phẩm du lịch mới, độc đáo và mang bản sắc riêng có của vùng biển Việt Nam.

“Tư duy đột phá” là lối tư duy vượt khung, thậm chí phá bỏ hoàn toàn lối tư duy cũ (đã trở thành lối mòn) trong các giai đoạn kinh tế - xã hội trước đây.

Theo đuổi lối tư duy này, trong 10 năm vừa qua, Liên hiệp Khoa học phát triển Du lịch Bền vững (STDe) đã liên tục nghiên cứu và công bố 18 dự án du lịch mang tư duy đột phá, có thể kể đến các dự án điển hình như: “ Biến mưa, bão, lụt miền Trung thành sản phẩm Du lịch”; Mô hình công viên biển Cát -  muối và rác”; Mô hình “khách sạn bóng đêm” và Sản phẩm du lịch “Gió Bạc Liêu”.

Dự án đầu tiên mà STDe nghiên cứu và công bố (tháng 11/ 2009) tại 3 đô thị du lịch biển: Huế - Đà Nẵng - Hội An, có tên là dự án “Biến mưa, bão, lụt miền Trung thành sản phẩm Du lịch”. Đây là dự án thay đổi tư duy ứng xử với biến đổi khí hậu. Thay cho “trốn chạy” và “chống lại”, dự án đã đề xuất các giải pháp để du lịch có thể “sống chung” và tìm kiếm cơ hội từ chính những yếu tố bất lợi. Được chính quyền địa phương đồng thuận, các tour du lịch mùa mưa - lụt đã mang lại những hiệu quả bất ngờ: Nó không chỉ giúp cho du khách hiểu thêm về văn hóa ứng xử với thiên nhiên của người miền Trung mà còn là những cơ hội để họ thực hiện hoạt động du lịch có trách nhiệm: chia sẻ và động viên giúp đỡ người dân địa phương trong những ngày gặp mưa, lụt. Dự án hiện đang được một số doanh nghiệp du lịch ứng dụng triển khai tại TP. Huế và TP. Hội An.

Với mục tiêu xây dựng góc nhìn mới, phương thức khai thác mới từ những nguồn tài nguyên đã cũ của biển, STDe cũng đã nghiên cứu dự án “Sản phẩm du lịch từ cát, muối, rác”. Với các mô hình công viên chuyên đề độc đáo, giúp du khách khám phá và trải nghiệm sâu sắc hơn về các giá trị tài nguyên biển như: Cát, Muối và Rác. 

Muối và cát là những tài nguyên sẵn có để làm các công trình Công viên Cát, Công viên Muối. (Ảnh sưu tầm)

PV: Thưa TS, bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về những dự án này?

TS. Nguyễn Thu Hạnh: Mô hình “Công viên Cát” với các vườn Thiền Cát, là những bức tranh thiên nhiên hùng vĩ mang tính triết lý, giúp cho du khách hiểu về các giá trị của thời gian, về ý nghĩa của đời người, về tình yêu và sự khoan dung, tha thứ. Khả năng chữa bệnh của Cát cũng được khai thác để phát triển các hoạt động nghỉ dưỡng như vùi mình trong cát chữa bệnh về cơ và da… Cát còn có thể dùng để chế tác thành nhiều đồ trang sức đẹp mắt, độc đáo. Các sản phẩm lưu niệm tạo hình từ Cát như Tranh Cát, hoa hồng Cát… sẽ là những món quà kỷ niệm đầy ý nghĩa về các bãi biển miền Trung.

Công viên Muối là mô hình công viên chuyên đề chưa từng có trên thế giới. Trong công viên Muối, thông qua các họat động vui chơi, giải trí với Muối, du khách sẽ được trải nghiệm rất nhiều cảm xúc trong các không gian mới lạ như: Vườn thiền Muối, lễ hội muối, mê cung muối.... Du khách cũng sẽ được nghỉ dưỡng trong những biệt thự làm bằng vật liệu Muối với trang trí nội thất bằng Muối như: Đèn Muối, bàn ghế Muối, tranh Muối.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thế giới, từ trường từ Muối rất có lợi cho sức khỏe con người. Khu nghỉ dưỡng và spa với khách sạn Muối sẽ tạo sự thư giãn, tĩnh tại tuyệt vời. Spa Muối trong ánh đèn Muối sẽ mang lại sự khỏe mạnh cho làn da. Ẩm thực Muối với những món ăn đặc sắc như các món ăn rang Muối, Muối vừng, chanh Muối, cafe Muối… đậm đà hương vị riêng theo cách của người Việt.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thế giới, từ trường từ Muối rất có lợi cho sức khỏe con người. (Ảnh sưu tầm)

Mô hình Công viên Rác (còn gọi là Công viên tái sinh) với quy trình biến rác thành những sản phẩm để vui chơi, giải trí, rất hấp dẫn và độc đáo. Không chỉ làm chậm quá trình phát sinh rác thải, công viên tái sinh còn tạo ra được nguồn thu từ rác. Công viên tái sinh biển thực sự là một công trình đầu tư hiệu quả trong điều kiện môi trường tại các khu du lịch biển ngày càng xuống cấp như hiện nay. Rác có thể trở thành những vật trang trí từ nhỏ đến to, từ những đồ lưu niệm đến những tượng đài, những công trình khách sạn nhà hàng,... Mô hình công viên Rác đã được nhiều nước trên thế giới xây dựng nhằm mục tiêu giáo dục và cổ vũ cho các hoạt động bảo vệ môi trường.

Hậu Covid-19, du lịch biển cần thay đổi như thế nào?

PV: Thưa bà, thời gian vừa qua, dịch Covid-19 bùng phát liên tục đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch nói chung, du lịch biển nói riêng. Theo bà, trong và hậu Covid-19, du lịch biển sẽ phải thay đổi và hình thành những xu hướng mới như thế nào để phục hồi cũng như có thể thích nghi ứng phó với dịch bệnh và các vấn đề thiên tai trong tương lai?

TS. Nguyễn Thu Hạnh: Covid-19 đã khiến cho nhiều người hoang mang, hoảng loạn, tìm mọi cách để sống sót qua đại dịch. Hầu hết mọi người đều cần an toàn tính mạng, bảo đảm tốt sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Chính vì vậy, hậu Covid-19, xu hướng du lịch và hình thức du lịch sẽ thay đổi theo hướng du lịch nghỉ dưỡng, hồi phục và chăm sóc sức khỏe (cả thể chất lẫn tinh thần) được ưu tiên hàng đầu. Phương thức du lịch theo nhóm nhỏ: Gia đình, bạn bè thân,... bằng phương tiện ô tô tự lái, hoặc phương tiện vận chuyển quy mô nhỏ... sẽ được nhiều người lựa chọn.

Du lịch trở về thiên nhiên, môi trường trong sạch, yên tĩnh (du lịch sinh thái rừng, biển, sinh thái nông nghiệp) sẽ là loại hình tạo cảm giác an toàn cao. Du lịch cách ly (du lịch tìm về chính mình); ở trong những khu du lịch có mật độ thấp, nhà nghỉ độc lập, tự cung tự cấp, sử dụng công nghệ 4.0 để khám phá và trải nghiệm các điểm du lịch sẽ trở thành loại hình du lịch được lên ngôi.

Với nhu cầu và tâm lý thị trường như vậy thì những khu du lịch có mật độ xây dựng thấp, nhà nghỉ độc lập, tự cung tự cấp (resort, nhà nghỉ nông thôn, khu du lịch sinh thái rừng, biển,...) sẽ là những điểm đến an toàn phù hợp nên được quảng cáo và rao bán mạnh. Các slogan, các chính sách giá và sản phẩm cần phải được tư duy liên kết theo chuỗi để gia tăng sức hấp dẫn về giá thành và sự đa dạng sản phẩm.

Trong thời gian sắp tới, trước các tác nhân của một bối cảnh kinh tế xã hội mới với các thách thức liền kề của các biến đổi thiên nhiên, khí hậu, dịch bệnh… mang tính tòan cầu, các đô thị du lịch biển miền Trung sẽ phải căng mình để vượt qua các thách thức mới.

Hy vọng rằng, với những bài học của quá khứ được nhìn nhận một cách khách quan và phân tích nguyên nhân một cách thấu đáo, các nhà quản lý, nghiên cứu và họach định đô thị sẽ có bước chuyển mình linh hoạt, sáng tạo bằng tư duy đột phá để giải quyết một cách chủ động và triệt để những thách thức cũ và mới trong quá trình phát triển đô thị du lịch biển bền vững.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

*Thiết kế: Thế Công

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top