Aa

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 40 tỷ đồng tại Hancorp

Chủ Nhật, 21/04/2019 - 18:21

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa ban hành kết luận kiểm toán tại Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), qua đó kiến nghị xử lý về tài chính hơn 40 tỷ đồng...

Nhiều "vấn đề" trong công tác xử lý tài chính khi cổ phần hóa

Cuộc kiểm toán này nhằm kiểm toán quyết toán giá trị vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển Hancorp sang mô hình công ty cổ phần (tháng 8/2014).

Theo báo cáo kiểm toán, KTNN nêu rõ, trong công tác xử lý tài chính tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, Hancorp đã áp dụng sai văn bản để định giá lại các khoản đầu tư tài chính; chưa xác định lại kết quả kinh doanh các dự án bất động sản; tập hợp và hạch toán một số chi phí chưa phù hợp ảnh hưởng đến việc xác định lợi nhuận, nghĩa vụ với NSNN và khoản phải nộp về Quỹ hỗ trợ và sắp xếp doanh nghiệp.

KTNN cho rằng, theo quy định về cổ phần hóa, Hancorp phải lập phương án sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đang quản lý, sử dụng khi cổ phần hóa trình Bộ Xây dựng phê duyệt. Như tại TP. Hà Nội có 10 khu đất, tại TP.HCM có 1 khu đất, tại tỉnh Nghệ An có 1 khu đất và tại tỉnh Đồng Nai có 1 khu đất. Phương án này có bổ sung thêm 3 khu đất thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản gồm: Dự án Khu dân cư Long Thọ - Phước An (Đồng Nai); Dự án tổ hợp Nhà ở đa năng 28 tầng Làng quốc tế Thăng Long và Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Khu Đoàn ngoại giao (Hà Nội).

Theo KTNN, việc xây dựng phương án sử dụng đất của Tổng công ty cơ bản phù hợp với ngành nghề sản xuất kinh doanh sau CPH được duyệt, tuy nhiên theo hồ sơ được cung cấp, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (01/01/2012), công ty đang quản lý, sử dụng 10 khu đất. Trong số 10 khu đất trên, 9 khu đất được Tổng công ty xây dựng phương án tiếp tục sử dụng đất khi CPH và xác định giá trị để xác định GTDN khi CPH và 1 khu đất bàn giao về UBND TP. Hà Nội.

Tuy nhiên, theo KTNN, còn nhiều vấn đề liên quan đến quản lý đất đai cần phải xử lý trong phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa Hancorp. Cụ thể, tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần (15/8/2014), Hancorp đã không ghi nhận tăng giá trị tài sản các mục này, song trong Báo cáo quyết toán vốn Nhà nước ghi nhận là khoản phát sinh tăng vốn nhà nước với giá trị hơn 17 tỷ đồng.

Tại Dự án tổ hợp Nhà ở đa năng 28 tầng Làng Quốc tế Thăng Long, Hancorp đã thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước về tiền sử dụng đất là hơn 119 tỷ đồng, tuy nhiên chưa thực hiện nộp về Ngân sách UBND TP. Hà Nội phần giá trị tương ứng với “phần chênh lệch giữa giá bán và giá thành của 30% diện tích sàn căn hộ của dự án” theo quyết định phê duyệt dự án của cấp thẩm quyền. Đơn vị đã trích trước trên báo cáo tài chính khoản phải nộp này là hơn 19 tỷ đồng, kết quả kiểm toán xác định lại theo chi phí dự án được xác định đến thời điểm lập báo cáo tài chính là hơn 20 tỷ đồng.

T

KTNN xác định, Hancorp chưa thực hiện nộp về Ngân sách UBND TP. Hà Nội phần giá trị tương ứng với “phần chênh lệch giữa giá bán và giá thành của 30% diện tích sàn căn hộ của dự án”. (Ảnh: Trần Tiến)

Ngoài ra, khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần (15/8/2014), Dự án tổ hợp Nhà ở đa năng 28 tầng tại Làng Quốc tế Thăng Long của Tổng công ty đã hoàn thành đưa vào sử dụng, nhưng chưa quyết toán dự án. Vì vậy, giá thành các sản phẩm của dự án đang tạm xác định trên cơ sở các chi phí được phép hạch toán.

“Dự án này được UBND TP. Hà Nội cho phép Tổng công ty bán 30% diện tích sàn căn hộ và nộp vào ngân sách thành phố Hà Nội phần chênh lệch giữa giá bán và giá thành của diện tích sàn căn hộ này. Tuy nhiên, do chưa quyết toán dự án nên đến thời điểm chuyển sang Công ty cổ phần, phần chênh lệch giữa giá bán và giá thành nêu trên chưa xác định chính xác và nộp vào ngân sách thành phố”, báo cáo KTNN nêu rõ.

Đối với dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Khu Đoàn ngoại giao tại xã Xuân Đỉnh, Huyện Từ Liêm, TP Hà Nội (nay là phường Xuân Đỉnh, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), theo KTNN, Hancorp chưa thực hiện nộp tiền sử dụng đất đối với phân diện tích xây dựng 3.005m2 để làm nhà ở cao tầng cho người nước ngoài (ký hiệu N0I-NG, N02-NG).

Cụ thể, tiền sử dụng đất của các diện tích này tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (01/01/2012) được tư vấn định giá theo đơn giá tạm tính 15.500.000 đồng/m2 tương ứng với là 59.195.100.000 đồng. Đến thời điểm kiểm toán, các khu đất này chưa triển khai thực hiện.

Tại Dự án Khu dân cư Phước An - Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, Hancorp thực hiện bàn giao toàn bộ diện tích đất 207.274 m2 cho UBND huyện Nhơn Trạch theo các quyết định thu hồi đất trên. Trên báo cáo quyết toán vốn nhà nước, Tổng công ty ghi giảm giá trị vốn nhà nước hơn 33 tỷ đồng là không có cơ sở, khi chưa có ý kiến của cấp thẩm quyền đối với các khoản chỉ phí đã phát sinh trên.

Cũng theo báo cáo kiểm toán của KTNN, đối với khu đất 5.000m2 tại xã Kiến Hưng, Hà Đông (Hà Nội) là diện tích trước đây Tổng Công ty UBND tỉnh Hà Tây đồng ý cho sử dụng tiền thuê đất trong 20 năm (tính từ năm 1997) để góp vốn liên doanh trong Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển kỹ thuật Econ Hà Nội. Năm 2011 Công ty đã giải thể và bàn giao lại cho Tổng Công ty sử dụng lô đất trên. Đơn vị đã làm việc với ban ngành TP. Hà Nội để hoàn tất các thủ tục pháp lý để trả lại đất cho UBND TP, song đến thời điểm này vẫn chưa hoàn tất.

Kiến nghị xử lý tài chính hơn 40 tỷ đồng

Về việc xử lý tài sản không tính vào giá trị doanh nghiệp, theo KTNN, đến 15/8/2014, Hancorp chưa bàn giao tài sản không cần dùng gồm Nhà ở K51 và Trạm điện K5 (nguyên giá: 2.919 triệu đồng, giá trị còn lại 1.293 triệu đồng) cho UBND TP. Hà Nội theo phương án sử dụng đất trong phương án CPH.

Trong năm 2015, Hancorp phải thực hiện thủ tục bàn giao theo Công văn số 762/TCT-VP gửi Sở Xây dựng Hà Nội về bàn giao tài sản này, Sở Xây dựng Hà Nội đã có Công văn số 5619/XD-B61 ngày 03/7/2015 đề nghị đơn vị chủ động cung cấp hồ sơ về tài sản và phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội và các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, đến thời điểm này tài sản trên vẫn chưa được bàn giao dứt điểm.

Tại báo cáo kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính đối với Hancorp là hơn 40 tỷ đồng. Đồng thời, Hancorp cần xác định đầy đủ và nộp kịp thời khoản lãi phát sinh do chậm nộp giá trị chênh lệch phải nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 6, Điều 43, Nghị định số 59/2011/NĐ-CP. KTNN cũng kiến nghị Hancorp chấn chỉnh trong công tác quyết toán vốn tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần,…

Bên cạnh đó, KTNN kiến nghị Bộ Xây dựng cần chỉ đạo Hancorp giải quyết dứt điểm các tồn tại trong xử lý tài chính tại thời điểm chính thức chuyền thành công ty cổ phần; phối hợp với các địa phương giải quyết các vấn đề về đất đai liên quan làm cơ sở quyết toán vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

“Trên cơ sở kết quả kiểm toán, đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xử lý các vấn đề về tài chính, quyết định phê duyệt quyết toán tài chính; quyết toán kinh phí hỗ trợ cho người lao động dôi dư; quyết toán số tiền thu từ cổ phần hóa và quyết định công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm chính chức chuyển sang công ty cổ phần và chỉ đạo tổ chức bàn giao cho công ty cổ phần đối với Công ty mẹ - Tổng công ty Xây dựng Hà Nội-CTCP theo quy định”, báo cáo của KTNN nêu rõ.

Ngoài ra, KTNN cũng kiến nghị, UBND TP. Hà Nội cần chỉ đạo các ban ngành liên quan quyết toán Dự án tổ hợp Nhà ở 28 tầng Làng quốc tế Thăng Long để xác định “phần chênh lệch giữa giá bán và giá thành của 30% diện tích sàn căn hộ của dự án” phải nộp về ngân sách TP. Hà Nội theo quyết định phê duyệt dự án.

KTNN cũng yêu cầu Hancorp thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước tại Báo cáo kiểm toán này và báo cáo kết quả thực hiện về Kiểm toán Nhà nước trước ngày 31/05/2019.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top