Aa

Kiểm toán Nhà nước: Nhiều sai sót trong đầu tư công, BT, BOT

Chủ Nhật, 07/07/2019 - 20:01

KTNN tiếp tục phát hiện nhiều sai sót, tồn tại trong đầu tư công và thực hiện các dự án BOT, vấn đề đầu tư công…

Chiều 5/7, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã họp báo Công bố Kết quả kiểm toán năm 2018 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2017.

Về kết quả kiểm toán 256 báo cáo kiểm toán năm 2018 đối với niên độ ngân sách năm 2017, ông Trần Khánh Hòa Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) cho biết, KTNN đã kiến nghị xử lý 92.499 tỷ đồng, trong đó tăng thu 19.858 tỷ đồng, giảm chi NSNN 23.722 tỷ đồng. 

Đầu tư công chưa hiệu quả ở nhiều khâu

KTNN cho biết: Đã chuyển 5 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị điều tra làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 2 vụ.

Có 160 văn bản đã được kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế vì còn không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.

Đại diện KTNN tại buổi họp báo. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Đại diện KTNN tại buổi họp báo. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Theo KTNN kết quả kiểm toán, chi ngân sách 2017 có chuyển biến tích cực, số chi ít hơn số được giao, tuy nhiên nợ công tiếp tục gia tăng so với năm 2016 (tăng 7,13%, số tiền 204.413 tỷ đồng). 

Dư nợ công đến 31/12/2017 là hơn 3 triệu tỷ đồng, bằng 61,37% GDP (nợ Chính phủ hơn 2,5 triệu tỷ đồng, bằng 51,67% GDP; nợ được Chính phủ bảo lãnh 455.923 tỷ đồng, bằng 9,1% GDP; nợ Chính quyền địa phương 29.999 tỷ đồng, bằng 0,6% GDP), trong giới hạn cho phép của Quốc hội (65% GDP).

Về đầu tư công, KTNN chỉ ra còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán... Qua kiểm toán 2.067 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 5.218 tỷ đồng. 

Thông tin về vấn đề này, Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên cho biết: Có hiện tương chưa xác định rõ nguồn, khả năng cân đối vốn khi quyết định đầu tư; xác định tổng mức đầu tư không chính xác, phải điều chỉnh nhiều lần, giá trị lớn trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó công tác nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án còn nhiều sai sót. 

Theo KTNN, vốn đầu tư công chậm giải ngân đang là vấn đề mà Chính phủ đã liên tục nhắc nhở. Một trong những nguyên nhân, theo KTNN bắt nguồn từ việc giao vốn và phân bổ vốn. 

“Vốn đầu tư được phân bổ chậm, dàn trải, phân tán, giao vốn thì lắt nhắt và không đủ, có trường hợp gần hết năm biên độ mới phân bổ, các bộ ngành, địa phương không đủ thời gian làm thủ tục đầu tư công, thực hiện giải ngân”, ông Đoàn Xuân Tiên cho biết. 

Lãnh đạo KTNN cho rằng, việc xác định danh mục các dự án đầu tư công trong kế hoạch đầu tư trung hạn vẫn còn bất cập, nguyên nhân đầu tiên do các bộ ngành, địa phương xây dựng nhu cầu, danh mục chưa chuẩn, còn Bộ KHĐT thẩm định chưa chi tiết, rà soát cắt giảm chưa kỹ càng, đúng tiêu chí…

Nhiều lỗ hổng cần khắc phục với các dự án

Về các dự án BOT, BT, ông Trần Khánh Hoà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN cho hay: Kết quả kiểm toán 8 dự án BOT trong năm 2018 cho thấy hầu hết các dự án thực hiện chỉ định nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu thi công; xác định sai, tăng tổng mức đầu tư…

KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/8 dự án là 16,2 năm so với phương án tài chính ban đầu (năm 2017 trở về trước, KTNN đã kiến nghị giảm 227,4 năm của 67 dự án).  

Kết quả kiểm toán 7 dự án BT cho thấy việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với quy định của Luật Đất đai; tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT, đồng thời xác định giá đất theo phương pháp thặng dư cho phép tính chi phí dự phòng trong chi phí phát triển còn bất hợp lý, không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường làm thất thoát lớn tài sản, NSNN. 

Bên cạnh đó, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực NSNN thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp chính quyền nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành.

Hầu hết các dự án chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh, thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; các dự án BT thực hiện chủ yếu bằng vốn vay, làm tăng chi phí đầu tư dự án, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện. 

“Đây là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản, NSNN. Kết quả kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 29% giá trị được kiểm toán (năm 2017 trở về trước, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng tại 30 dự án)“, Vụ trưởng Trần Khánh Hòa nói./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top