Aa

Kiến nghị dành 72.497 tỷ đồng từ gói phục hồi kinh tế cho cao tốc Bắc - Nam

Thứ Bảy, 11/12/2021 - 06:30

Sáng 10/12, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Chuyển toàn bộ dự án sang đầu tư công

Trình bày tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Văn Thể cho biết, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo quy hoạch dài 2.063km, đã đưa vào khai thác 478km, đang đầu tư 829km, còn lại 756km chưa đầu tư. Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn quy mô 8 - 10 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau quy mô 4 làn xe.

Trên cơ sở kết quả dự báo nhu cầu vận tải, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng nhiều phương án. Sau khi đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án, Chính phủ kiến nghị đầu tư phân kỳ mặt cắt ngang quy mô 4 làn xe, các yếu tố hình học, kỹ thuật khác đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ thiết kế 100 - 120km/h; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch được duyệt.

Quy mô phân kỳ (bề rộng nền đường 17m) phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc và hướng dẫn thiết kế, tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư đường cao tốc; bảo đảm an toàn giao thông, có thể khai thác với vận tốc 90 - 100km/h; phù hợp với giải pháp mở rộng theo quy mô quy hoạch trong giai đoạn sau, Chính phủ giải thích.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Về hình thức đầu tư, để huy động nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu đầu tư dự án theo phương thức PPP. Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai các dự án trong thời gian qua, đặc biệt là quá trình triển khai các dự án thành phần cao tốc giai đoạn 2017 - 2020 cho thấy việc đầu tư dự án theo phương thức PPP rất khó bảo đảm thành công.

Hiện nay, Chính phủ đã xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, trong đó xác định việc đấy nhanh tiến độ hoàn thành, giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết. Do đó, với vai trò là trục xương sống, dự án đặc biệt quan trọng của đất nước, để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành dự án, Chính phủ kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước.

Tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (chiếm 81,4%). Giai đoạn 2026 - 2030 sẽ bố trí phần còn lại khoảng 27.324 tỷ đồng (chiếm 18,6%). Đối với phần vốn giai đoạn 2021 - 2025, tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 Quốc hội dự kiến bố trí 47.169 tỷ đồng cho dự án, phần còn thiếu (khoảng 72.497 tỷ đồng) kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyển nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước

Dự kiến tiến độ dự án là tiến hành chuẩn bị dự án năm 2021 - 2022; giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 - 2023; khởi công năm 2023, áp dụng các công nghệ mới, giải pháp kỹ thuật tiên tiến để đáp ứng yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2025. Bộ Giao thông Vận tải là đầu mối tổ chức thực hiện đầu tư dự án.

Liên quan đến việc giải ngân, Chính phủ cho biết trong năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến giải ngân khoảng 40.000 tỷ đồng, đạt khoảng 96% mức vốn được giao. Tuy nhiên trong 4 năm tới, bình quân mỗi năm phải giải ngân khoảng hơn 90.000 tỷ đồng/năm. Đây là một thách thức rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ hoàn thành các dự án và giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.

Do đó, để bảo đảm tiến độ hoàn thành và giải ngân vốn đầu tư công theo đúng yêu cầu, Chính phủ sẽ xem xét giao thực hiện đầu tư dự án thành phần thuộc địa giới hành chính của địa phương, trong trường hợp địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm về quản lý đầu tư xây dựng công trình và có văn bản đề xuất được thực hiện. Trường hợp địa phương không đủ năng lực, kinh nghiệm, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trực tiếp thực hiện đầu tư.

Giải trình thêm một số ý kiến được nêu tại cuộc họp thẩm tra về vấn đề thu phí, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, căn cứ quy định của Luật Phí và lệ phí, Luật Giá, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc trình Quốc hội xem xét bổ sung phí/giá sử dụng dịch vụ đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư vào Danh mục phí và lệ phí (Luật Phí và lệ phí) hoặc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (Luật Giá) làm cơ sở triển khai thực hiện.

Sau khi được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Chính phủ tổ chức thực hiện theo hướng chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định (khoảng 3 năm, 5 năm hoặc 10 năm) để thu hồi vốn Nhà nước. Mức thu phí dịch vụ sẽ được Chính phủ tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức nhận chuyển nhượng quyền thu phí và người sử dụng dịch vụ; đồng thời hạn chế tác động, điều tiết lưu lượng giao thông phù hợp với năng lực khai thác giữa các tuyến đường song hành./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top