Aa

Kiến nghị thanh tra 60 dự án: Chỉ dừng thi công khi rõ sai phạm?

Thứ Hai, 15/05/2017 - 06:00

Doanh nghiệp làm ăn, có vay vốn, hợp đồng, có tiến độ, không thể ngừng để kiểm tra. Đó là tư duy xin cho cổ lỗ", ông Nguyễn Trần Nam nói về việc kiến nghị thanh tra 60 dự án.

Những ngày qua, các doanh nghiệp BĐS có tên trong đề xuất của Bộ Tài chính gửi các cơ quan chức năng liên tục nhận được câu hỏi từ khách hàng và đối tác. Có đơn vị đã bố trí thêm bộ phần giải đáp thắc mắc nhằm trấn an khách hàng.

Bất an

Không chỉ chuyện vì sao có tên trong danh sách 60 doanh nghiệp được Bộ Tài chính kiến nghị Thanh tra Chính phủ kiểm tra, nhiều người lo lắng bởi đề xuất đi kèm, rằng tạm thời đình chỉ thi công, triển khai các dự án.

Trong số 60 dự án BĐS được Bộ Tài chính nêu, có 25 dự án ở Hà Nội, 13 dự án ở TP. HCM, còn lại 22 dự án ở 7 địa phương khác. Theo Bộ Tài chính, các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất, không qua đấu giá.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết khá bất ngờ khi dự án cao cấp ở quận 7, TP. HCM của mình lọt danh sách bị đề nghị thanh tra. Để sở hữu được khu đất, doanh nghiệp này đã phải làm thủ tục giải chấp ngân hàng để “chuộc” lại vì đã bị đơn vị khác cầm cố.

Trong khi đó, một đơn vị khác đã gửi văn bản cung cấp bằng chứng hoàn thành nghĩa vụ tài chính từ tháng 1/2017 và vẫn có tên trong văn bản của Bộ Tài chính với khoản nợ hơn 30 tỷ đồng.

Bất ngờ vì bị nêu tên, đại diện một doanh nghiệp BĐS tại TP. HCM cho biết họ còn khó hiểu hơn với đề xuất tạm dừng thi công.

Nhiều doanh nghiệp lo lắng trước đề xuất tạm ngừng thi công dự án trong văn bản của Bộ Tài chính. Ảnh minh họa: Lê Quân.

Nhiều doanh nghiệp lo lắng trước đề xuất tạm ngừng thi công dự án trong văn bản của Bộ Tài chính. Ảnh minh họa: Lê Quân.

"Thời gian thanh tra thường là 3-6 tháng, và thanh tra không có nghĩa là có sai phạm. Trong khi đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng lớn, người chịu thiệt là doanh nghiệp, khách hàng và đối tác", vị này nói.

Đại diện một doanh nghiệp có dự án ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết họ đang phải đau đầu để xử lý tình huống khách mua nhà đòi lại tiền vì thấy dự án có tên trong danh sách này.

Trong khi đó, đại gia BĐS tại TP. HCM thì chia sẻ giao dịch mua mới của họ vẫn diễn ra bình thường, nhưng họ nhận được nhiều thắc mắc từ những người đã xuống tiền mua dự án. Nhiều đối tác, nhất là các ngân hàng rót vốn cho các dự án, cũng liên lạc, tỏ ý lo lắng trước nguy cơ khoản đầu tư của họ không rõ số phận.

Cũng có tên trong danh sách, một đại gia BĐS khác cho biết họ không quá lo về tác động với riêng đơn vị mình, nhưng sự trầm lắng của chung thị trường là nguy cơ có thật mà đơn vị này nêu ra.

"Thị trường BĐS rất nhạy cảm với bất kỳ chủ thể nào, từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý và người dân, vì thế, cơ quan quản lý cần thận trọng với các thông tin mình đưa ra", ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nói.

Có dừng thi công?

Từng ở ví trí Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nam phân tích: trong quá trình cổ phần hóa, liên doanh liên kết, có một loạt tài sản đặc biệt là quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp nhà nước. Quyền sử dụng đất đó chưa được định giá một cách chính xác, chưa có quy chế, quy định về góp vốn với tư nhân, vì vậy, có thể có những sơ hở, thất thoát tài sản nhà nước.

"Việc thanh tra, kiểm tra là bình thường và nên làm. Tuy nhiên, trong quá trình thông báo và triển khai thanh tra, cần rất cẩn trọng với thông tin", ông Nam nói.

Hơn nữa, cơ quan nhà nước không thể buộc doanh nghiệp ngừng thi công khi chưa có chứng cứ sai phạm rõ ràng.

"Việc của doanh nghiệp làm ăn, có vay vốn, có hợp đồng, có tiến độ, không thể ngừng để kiểm tra. Đó là tư duy xin cho, cổ lỗ sĩ, tùy tiện. Mỗi doanh nghiệp ngừng thi công một ngày là thiệt hại rất nhiều tiền, khấu hao máy móc, lãi vay ngân hàng”, ông Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh.

Trong văn bản gửi Thủ tướng ngày 11/5, Hiệp hội Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cũng kiến nghị cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công dự án với điều kiện kèm theo. Điều kiện đó là chủ đầu tư dự án phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi đã có kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.

Theo HoREA, việc này giúp các doanh nghiệp hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội, và đảm bảo quyền lợi của người mua nhà trong dự án.

Trước đó, Bộ Tài chính gửi danh sách các cơ sở nhà, đất chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư cho Thanh tra Chính phủ nhằm phục vụ công tác thanh tra về việc quản lý đất đai theo kế hoạch thanh tra năm 2017 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng yêu cầu các UBND tỉnh, thành phố tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng. Bộ nhấn mạnh đó là các dự án đang triển khai thực hiện tại trung tâm thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao đất, không qua đầu giá.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top