Aa

Kiên trì thực hiện mục tiêu CPI ở mức 3,5 - 3,9%

Thứ Bảy, 01/06/2019 - 06:01

Kinh tế vĩ mô những tháng đầu năm được đánh giá là tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,71% - thấp nhất trong 3 năm qua.

Theo Báo cáo mới đây của Tổng Cục thống kê, giá xăng dầu tăng theo giá thế giới cùng với giá điện tăng do sản lượng điện tiêu thụ tăng cao đã ảnh hưởng tới tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 5.

Tuy nhiên, diễn biến của dịch tả lợn châu Phi khiến giá thịt lợn tiếp tục giảm và việc kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ góp phần kiểm soát lạm phát.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2019 tăng 0,49% so với tháng trước. CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2019 tăng 2,74% so với cùng kỳ năm 2018 - đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Trong mức tăng 0,49% của CPI tháng 5/2019 so với tháng trước có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Theo đó, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 2,64% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 2/5/2019 và thời điểm 17/5/2019 (tác động làm CPI chung tăng 0,25%).

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,28% chủ yếu do giá điện sinh hoạt tăng 6,86%; giá gas tăng 0,6%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,66% và giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,54%.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,18%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,12%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,1%.

Nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống và nhóm giáo dục cùng tăng 0,05% (dịch vụ giáo dục tăng 0,01%); hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,13%.

Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá giảm là nhóm thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,06% (dịch vụ y tế giảm 0,1%); bưu chính viễn thông giảm 0,05%.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ giải trình tại phiên họp

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

Tại phiên thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 2018, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2019 diễn ra ngày 30/5,  Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã báo cáo, giải trình thêm một số nội dung về việc kiểm soát CPI những tháng đầu năm.

Theo báo cáo, những tháng đầu năm kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 04 tháng tăng 2,71% - thấp nhất trong 3 năm qua. 

Mặt bằng lãi suất ổn định, giảm 0,5% cho các lĩnh vực ưu tiên; nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tính thanh khoản và an toàn hệ thống được bảo đảm; đấu tranh quyết liệt với hoạt động tín dụng đen.

Đồng tình cũng như ghi nhận kết quả trên, nhưng bên cạnh những chuyển biến tích cực, các đại biểu Quốc hội cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề nghị Chính phủ khắc phục trong thời gian tới. 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế chính trị trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp như chiến tranh thương mại, di dân… thì những kết quả của nền kinh tế trong nước thời gian qua là rất đáng trân trọng.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân nền kinh tế nước nhà có ba điểm nhấn quan trọng. Một là GDP năm 2018 tăng trưởng 7,08% là mức cao nhất trong 11 năm qua, GDP bình quân đầu người năm 2008 là 1.140 USD thì hiện nay là 2.590 USD gấp 2,3 lần. Hai là chất lượng tăng trưởng có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, có thể kể đến là sự đóng góp TFP (năng suất các yếu tố tổng hợp) vào GDP đạt trên 45% trong khi mục tiêu là 35% hay tốc độ tăng năng suất lao động đạt trên 5,9% trong khi mục tiêu đề ra là 5,5%.

Ba là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, kiểm soát lạm phát 4 năm liên tiếp dưới 4%, các cán cân thương mại, cán cân vãng lai, thanh toán quốc tế tiếp tục thặng dư góp phần làm tăng dự trữ ngoại hối ở mức đủ can thiệp vào thị trường để ổn định tỷ giá, tạo thêm niềm tin vào đồng tiền trong nước; bội chi ngân sách dưới dự toán, nợ công giảm… Đại biểu nhấn mạnh đây là những điểm sáng của nền kinh tế.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, việc kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế luôn là nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ theo chủ trương của Đảng và nghị quyết của Quốc hội.

Năm 2019, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4%. Chính phủ đặt mục tiêu cao hơn, khi xác định phấn đấu kiểm soát ở dưới mức 4%. Ban điều hành giá trên cơ sở 5 kịch bản tính toán đưa ra trên cơ sở tình hình kinh tế trong nước, thế giới đã lựa chọn bản điều hành giá từ 3,5 - 3,9%.

Nhằm thực hiện mục tiêu CPI ở mức từ 3,5 - 3,9% Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, dự kiến Chính phủ sẽ thực hiện 5 biện pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với các chính sách vĩ mô khác để kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Thứ hai, chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu của thị trường và giá để có giải pháp bình ổn, nhất là với một số mặt hàng thiết yếu khó lường như giá điện, xăng dầu, giá gas, hoặc một số mặt hàng có nhu cầu cao như vật liệu xây dựng.

Thứ ba, đánh giá tác động của việc tăng giá điện; tiếp tục điều chỉnh giá xăng dầu phù hợp với diễn biến trên thế giới, có sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để bảo đảm mục tiêu.

Thứ tư, tăng cường công tác dự báo và tính toán các mặt hàng thiết yếu. Như các đại biểu Quốc hội đề cập tại phiên họp, Phó Thủ tướng cho biết, sẽ tính toán điều chỉnh ở thời điểm phù hợp, mức độ phù hợp, bảo đảm mục tiêu chung.

Thứ năm, công khai, minh bạch các chi phí mua bán để tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và xử lý nghiêm những sai phạm trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ, cũng như trong kiểm soát lạm phát./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top