Aa

Nỗi ám ảnh về kinh tế tư nhân!

Thứ Sáu, 17/05/2019 - 12:31

Kể từ khi đảng viên được phép làm kinh tế tư nhân năm 2006, nhiều nỗi ám ảnh về kinh tế tư nhân ở Việt Nam cứ ngỡ là đã được xóa bỏ.

Cái “ngỡ” này của đông đảo người dân rất có lý bởi lẽ, người ta là đảng viên cộng sản, nhiều chục năm cổ súy và xây dựng cho được nền kinh tế công hữu, nay lại được phép làm kinh tế tư nhân, thế thì lý gì người dân không mạnh dạn mà làm?

Trước đó, khi chưa có chủ trương này, tôi có cuộc gặp gỡ với cựu chiến binh Trần Kiến Quốc là con trai của lão thành cách mạng Trần Tử Bình, ủy viên Trung ương Đảng khóa III, được phong tướng cùng một lượt với bác Võ Nguyên Giáp.

Anh kể, sau 15 năm sinh hoạt Đảng, anh đành lòng phải nghỉ sinh hoạt vì chỉ được chọn: Hoặc là Đảng, hoặc là doanh nghiệp. Cuộc đời nhiều khi cứ trớ trêu, bắt con người chỉ được chọn một mà không phải hai hoặc ba... Đảng và doanh nghiệp có cái nào xấu đâu mà cứ bắt người ta đã có cái này thì không được có cái khác? Nhà anh có 6 anh em trai thì 4 người theo con đường binh nghiệp và đều là đảng viên. Riêng anh lại cho rằng là đảng viên trong thời buổi xây dựng đất nước mà không góp phần cho đất nước giầu lên thì mới chỉ đảng viên ở cái “áo khoác”, còn con người thì chưa.

May mà anh còn có bà mẹ ủng hộ. Bà bảo với anh rằng làm gì mà góp phần cho đất nước giầu lên, con người mình đỡ hèn kém đi thì đấy mới thực sự là người yêu nước. Thế rồi anh cùng với anh em bè bạn thành lập một công ty ngành may lo việc làm cho hơn 1.200 công nhân, mỗi năm mang về cho đất nước hơn 10 triệu USD.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình chăn nuôi bò sữa và cánh đồng công nghệ cao của TH.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình chăn nuôi bò sữa và cánh đồng công nghệ cao của Tập đoàn TH.

Từ ngày ấy cho đến nay đã 13 - 14 năm, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới khiến nền kinh tế các nước mạnh lên như vũ bão, vậy mà nỗi ám ảnh nền kinh tế tư nhân trong tâm trí người dân Việt Nam vẫn luôn luôn day dứt.

Tôi đã từng viết một bài báo có tựa đề “Trong nhân dân, tư nhân nằm ở đâu?”. Tất cả đều nói là “của dân, do dân và vì dân”, vậy mà hai cụm từ “nhân dân” và “tư nhân” lại xa cách cứ như nước với lửa, như trời với đất thì làm sao thu phục được lòng người?

Cho đến hôm mới đây, khi theo dõi Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 thấy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cháy lòng cháy dạ với sự phát triển kinh tế của đất nước mới thấy rằng, nỗi ám ảnh này vẫn đang đeo đuổi và nặng trĩu trong tâm trí những người tham gia diễn đàn.

Thủ tướng cho rằng, kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. 

Tuy nhiên, những kết quả này vẫn còn thấp so với mức tiềm năng. Ông nói: “Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ và cá nhân tôi trên cương vị Thủ tướng đã liên tục động viên tư nhân khởi nghiệp, nuôi dưỡng khát vọng lớn trong phát triển. Tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu”.

Một câu hỏi đặt ra, tại sao ý chí của Chính phủ mạnh mẽ như vậy mà kết quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng?
Có nhiều ý kiến bàn về vấn đề này, ngoài những nguyên nhân về sự nặng nề, lúng túng, quan liêu và sách nhiễu của bộ máy công quyền... phải cải cách hơn nữa thì bên cạnh đó là cần nhanh chóng tái cấu trúc lại nguồn lực kinh tế, dành một phần cho hỗ trợ cho kinh tế tư nhân phát triển.

Chẳng hạn như việc sử dụng hiệu quả một tài sản công lên tới 5 triệu tỷ đồng của các DNNN, trong đó, vốn chủ sở hữu khoảng 1,3 triệu tỷ đồng như thế nào đây? Với một nước nghèo như Việt Nam, 5 triệu tỷ đồng là to lắm!

Vậy cần quản lý bằng phương cách nào để những “đồng tiền thuế của dân” không còn ưu ái thái quá cho các DNNN, bị vung vãi như bấy lâu nay, để những “con tàu há mồm” như đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên, sơ sợi Đình Vũ,… không thể xuất hiện?

Có ý kiến bàn rằng hãy dành một phần trong số nguồn lực đó để kích thích kinh tế tư nhân. Chẳng hạn, nhanh chóng thoái vốn Nhà nước ra khỏi những lĩnh vực không nhất thiết cần phải nắm giữ. Nếu đạt được 1/3 số đó thì Nhà nước đã có trên 400 nghìn tỷ đồng.

Sau đó, lấy khoản tiền này làm “ngòi nổ” cho nguồn năng lượng dồi dào trong dân, tức là kích thích chương trình khởi nghiệp, ý chí làm giàu trong lớp trẻ, tạo công ăn việc làm cho dân chúng.

Giả sử cứ một tỷ đồng đỡ đầu cho 5 doanh nghiệp ra đời thì 400 nghìn tỷ kia sẽ đỡ đầu cho 2 triệu doanh nghiệp. Đó là một tài sản vô cùng lớn không chỉ cho cuộc sống của cả chục triệu người dân mà còn là nguồn thu bền vững cho ngân sách Nhà nước.

Tôi tin chắc rằng, với ý chí phát triển kinh tế tư nhân của Chính phủ hiện nay lại cộng thêm với nguồn lực 400 nghìn tỷ đồng làm “ngòi nổ” kia thì bức tranh về phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam sẽ sáng sủa hơn rất nhiều, và cùng với đó là nỗi ám ảnh không tốt về cụm từ “tư nhân” bấy lâu nay sẽ dần phai nhạt.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top