Đó là nhận định của GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khi nói về sự cần thiết phải ban hành Luật Kiến trúc.
Tình trạng băm nát đô thị phụ thuộc vào quy hoạch nhiều hơn là kiến trúc
PV: Theo ông Dự thảo Luật kiến trúc nếu được thông qua có cứu vãn được tình trạng “băm nát” quy hoạch như hiện nay?
GS. Đặng Hùng Võ: Kiến trúc là một lĩnh vực nghệ thuật nằm trong 7 lĩnh vực nghệ thuật khác. Chúng ta có Luật điện ảnh nhưng nó liên quan nhiều đến câu chuyện sản xuất điện ảnh, bản thân kiến trúc là một lĩnh vực nghệ thuật nhưng điều tôi muốn nói ở đây đó là chuyện có luật hay không có luật không phải là điều quan trọng bởi tình trạng băm nát đô thị như hiện nay nó phụ thuộc vào quy hoạch nhiều hơn là kiến trúc.
Kiến trúc có tác động đến đô thị ở điểm chúng ta cần bảo vệ bảo tồn những kiến trúc cũ, làm sao đừng cho kiến trúc mới xen kẽ và phá hủy kiến trúc cũ bởi kiến trúc cũ nó gắn liền với văn hóa và cái đó cần phải bảo tồn.
Với những kiến trúc được cho là phá hủy kiến trúc cũ lại liên quan đến Luật văn hóa, nhiệm vụ chính là phải bảo tồn không được thay đổi một thể hiện kiến trúc qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau.
Nhiều người nói rằng Hà Nội là một bảo tàng kiến trúc từ thời phong kiến từ hàng nghìn năm trước, trải qua thời Pháp thuộc, thời xã hội chủ nghĩa… Nó tồn tại như một bảo tàng kiến trúc nhưng cho đến ngày nay người ta đã phá và làm hủy hoại đi rất nhiều kiến trúc của một Hà Nội xưa.
Do đó, nếu nói liên quan đến kiến trúc thì chỉ là quá trình phát triển đô thị của Hà Nội không nhìn dưới góc độ kiến trúc, không nhìn dưới góc độ bảo tồn thì nó làm mất đi một hình dáng văn hóa được tồn tại mà nhiều người nước ngoài họ rất trân quý nhưng chúng ta lại đang xem nhẹ.
PV: Rõ ràng giữa quy hoạch và kiến trúc đang có sự “vênh nhau”, thưa ông?
GS. Đặng Hùng Võ: Tất nhiên trong quy hoạch thì kiến trúc cũng phải đi cùng với nhau bởi quy hoạch đô thị bao giờ cũng phải gắn với phần hồn của nó về văn hóa đó là kiến trúc còn quy hoạch trên mặt đất đó là việc tạo ra cách thức để sử dụng không gian.
Hai cái đó có liên quan đến nhau nhưng chỉ ở một mức độ nhất định, yêu cầu nhà quy hoạch phải hiểu biết về kiến trúc, nhà quy hoạch phải hiểu biết về văn hóa. Do đó, trong quá trình quy hoạch cần phải lấy ý kiến của bên kiến trúc, chứ không có liên quan tới mức quá phức tạp để cần phải có tiếng nói.
PV: Theo ông tại sao cho đến thời điểm này Việt Nam vẫn chưa có một đạo luật riêng về lĩnh vực kiến trúc?
GS. Đặng Hùng Võ: Trên thực tế đã có nhiều nhà kiến trúc đề cập đến vấn đề này, tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi cũng có nhiều ý kiến đề xuất cần phải có Luật Kiến trúc trình quốc hội và quốc hội cũng đã đồng ý cho chuẩn bị.
Tuy nhiên hình hài của loại kiến trúc như thế nào, theo cá nhân tôi phạm vi tác động của nó cũng chỉ tương đương như Luật điện ảnh bởi bản thân nó là một ngành nghệ thuật khi đặt nó vào khung pháp luật thì chỉ phù hợp ở một số yếu tố, là nghệ thuật nó cần phải vượt ra ngoài khuôn khổ của pháp luật để phát triển. Do đó, tôi cho rằng Luật Kiến trúc không quan trọng bằng cách tiếp cận các loại hình khác dưới góc nhìn văn hóa - đó mới là điều quan trọng.
Lợi ích tư nhân đang dẫn đường
PV: Nhiều ý kiến cho rằng có quá nhiều sự chồng chéo trong quá trình quản lý đô thị, ý kiến của ông về vấn đề này?
GS. Đặng Hùng Võ: Chính sự chồng chéo như hiện nay nên có những việc có lợi ích thì rất nhiều cơ quan cho rằng mình có liên quan, nhưng có những việc không mang lại lợi ích lại không ai động đến. Điều đó đã tạo ra cách thức quản lý không hiệu quả.
Lý do thứ hai tôi cho rằng quan trọng hơn đối với phát triển đô thị đó là quá trình điều chỉnh quy hoạch. Chúng ta thấy cả cơ quan nhà nước cũng như nhà đầu tư rất muốn điều chỉnh quy hoạch theo ý của mình hoặc theo ý của nhà đầu tư. Tôi cho rằng đó là yếu tố lợi ích tư nhân đang dẫn đường cho phát triển chứ không phải là nhà nước dẫn đường cho phát triển.
PV: Rõ ràng có tình trạng kiến trúc quy hoạch bị can thiệp bởi đồng tiền và quyền lực?
GS. Đặng Hùng Võ: Tất nhiên, lợi ích tư nhân là động lực để đầu tư nhưng không thể đóng vai dẫn đường phát triển được. Để điều đó tồn tại đã dẫn đến những câu chuyện hết sức phức tạp trong quá trình phát triển đô thị.
Chúng ta có thể lấy ví dụ tại khu đô thị Linh Đàm. Trước đây khu vực đó được quy hoạch là một khu thành phố vườn yên tĩnh, tuy nhiên sau đó chúng ta lại điều chỉnh quy hoạch cho phép phát triển các khu chung cư cao tầng. Như vậy, Nhà nước đã phá vỡ quy hoạch một lần, sau đó nhà đầu tư tiếp tục cho xây cất nhà cao tầng với mật độ quá dày mà không một chuyên gia nào trên thế giới chấp nhận được. Lúc này nhà đầu tư đang là người phá vỡ quy hoạch một lần nữa. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn nằm yên.
Hay như đường Lê Văn Lương - một tuyến san sẻ ùn tắc cho đường Nguyễn Trãi, giờ đây đang trở tuyến ùn tắc nhất thủ đô. Không biết các nhà quy hoạch, quản lý xây dựng có biết không. Trên 1km chiều dài con đường ấy, có tới 40 tòa cao ốc.
Tôi cho rằng đó là một trong những việc làm góp phần băm nát đô thị, là nguyên do để tạo ra sự phát triển đô thị một cách méo mó. Phát triển chồng chéo là một việc nhưng nó vẫn nằm dưới việc vẫn đang xảy ra, đó là chúng ta đang cho điều chỉnh một cách vô tội vạ.
PV: Vậy, theo ông để đảm bảo đô thị được phát triển theo đúng định hướng chúng ta cần phải làm gì?
GS. Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng có hai yếu tố quan trọng chúng ta cần thực hiện, đó là cần tuyển chọn kỹ lưỡng những cán bộ làm công tác quản lý đô thị, tuyển chọn kỹ lưỡng trên cơ sở những người có đạo đức, tiếp đến là trình độ.
Thứ hai, chúng ta cần phải dẹp tan những điều gọi là nguy cơ tham nhũng trong quá trình quản lý đô thị bằng các chế tài mạnh bởi nguy cơ tham nhũng sẽ tạo ra những quyết định không đúng kể cả những quyết định điều chỉnh quy hoạch cũng như những quy định về dự án, quyết định về lựa chọn nhà đầu tư.
Vâng! Xin cảm ơn ông.