Kiến trúc sinh thái – kiến trúc vị nhân sinh, vị môi trường và phát triển bền vững
Kiến trúc sinh thái là kiến trúc thân thiện với môi trường được thiết kế chú trọng sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người sử dụng cũng như đối với cộng đồng xung quanh. Kiến trúc sinh thái sử dụng các công nghệ sạch, giảm thiểu tác động đến môi trường, giảm tiêu thụ năng lượng. Kiến trúc sinh thái, còn được gọi là Kiến trúc xanh – Kiến trúc bền vững, được coi là một trường phái, triết lý phát triển vì một Tương lai xanh. Vòng đời của kiến trúc sinh thái phải đảm bảo các nguyên tắc và phải là các nguyên tắc sinh thái: Cộng sinh, thân thiện với môi trường tự nhiên; Sử dụng các vật liệu tuần hoàn, tái sinh; Tạo môi trường bên trong lành mạnh, trong lành, dễ chịu; Hoà nhập với môi trường nhân văn, lịch sử – văn hóa của khu vực; Ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, hiệu quả…
Nói một cách tổng quát thì kiến trúc sinh thái là kiến trúc hướng tới giải quyết mối quan hệ giữa kiến trúc và thiên nhiên, giữa con người với kiến trúc, nó phải vừa vì con người mà sáng tạo ra một môi trường không gian nhỏ dễ chịu, lành mạnh; vừa phải bảo vệ môi trường lớn xung quanh. Một cách hiểu đơn giản – Đó là loại kiến trúc vị nhân sinh, vị môi trường và phát triển bền vững.
Từ bao đời nay cha ông ta đã có cuộc sống xanh. Đừng đổ lỗi cho đói nghèo, lạc hậu…các công trình kiến trúc nhỏ của người Việt đã từng được ngợi ca tôn vinh là loại công trình kiến trúc hòa quyện với tự nhiên, thân thiện với môi trường. Từ quy mô đến cách thiết kế, sử dụng vật liệu xây dựng và không gian lựa chọn đặt chúng đều xuyên suốt một triết lý “Thuận thiên”, phù hợp với lối sống, vóc dáng của người Việt. Các công trình kiến trúc vùng đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc, khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ…đều khẳng định một tư duy, một “công nghệ” thiết kế, xây dựng…rất “xanh”. Đó là kiến trúc sinh thái, kiến trúc của thiên nhiên.
Chắc chắn kiến trúc sinh thái, từ kiến trúc truyền thống đến kiến trúc hiện đại đều mang trong mình nó một số đặc điểm không trộn lẫn với các loại công trình kiến trúc khác. Đó là: Giảm tiêu thụ năng lượng; giảm chất thải; vật liệu thân thiện với môi trường; thiết kế, mở đón được nhiều năng lượng, nguồn sinh khí từ tự nhiên… Về cơ bản, kiến trúc sinh thái tạo lập môi trường cho không gian nhỏ, một môi trường vi khí hậu thể hiện ở nhiệt độ, độ ẩm, không khí trong lành, có ánh sáng, âm thanh… không gian mở linh hoạt, thông thoáng, tiện dụng và hiệu quả lâu dài.
Kiến trúc sinh thái thể hiện trong toàn bộ một vòng đời từ quá trình thiết kế, khi xây dựng, sử dụng cho đến khi công trình bị loại bỏ là hạn chế khai thác tự nhiên, giảm ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường mà chủ yếu là giảm và xử lý thỏa đáng phế thải, chất thải rắn, nước bẩn, khí độc hại, ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng.
Kiến trúc sinh thái góp phần bảo vệ môi trường lớn chung quanh, môi trường kết nối các công trình kiến trúc với nhau để trở thành một cụm, một quần thể, một tổ hợp công trình kiến trúc ở một không gian rộng lớn hơn…Đó là không gian một xóm, một thôn, một ô phố, một đơn vị ở đô thị, một đô thị sinh thái. Tất nhiên phải hiểu một cách logic rằng môi trường kết nối này là các không gian mở, xanh, sinh thái tự nhiên hoặc nhân tạo được thiết lập khi đặt một công trình kiến trúc hay nhiều hơn như một cụm, một quần thể, một tổ hợp công trình kiến trúc vào một không gian nhất định.
Nói như thế để hiểu rằng mối quan hệ giữa kiến trúc với kiến trúc, giữa kiến trúc với môi trường xung quanh là mối quan hệ cộng sinh, tương hỗ để tạo ra một môi trường thống nhất có chất lượng, sinh thái ở một cấp độ cao, quy mô lớn hơn so với một công trình.
Đô thị sinh thái hướng tới giải quyết mối quan hệ giữa phát triển đô thị và thiên nhiên
Xu hướng xây dựng các đô thị sinh thái (Ecocity) đã trở thành phong trào với định hướng đảm bảo sự phát triển cân bằng với thiên nhiên lan rộng trên toàn thế giới. Theo quan điểm của các nhà đô thị học thì Đô thị sinh thái: Phải được xem như là một Sinh vật (Organism) – Một cơ thể sống; được xem như là một đơn vị sinh thái (ecological unit). Đô thị sinh thái là một không gian đô thị xanh mà ở đó mọi người có thể sống, làm việc, mua sắm tại các cửa hàng, vui chơi trong một khoảng cách thích hợp với giao thông đi bộ, xe đạp và phương tiện giao thông công cộng xanh…
Theo Tổ chức Y tế, thế giới có 4 nguyên tắc cơ bản để quy hoạch xây dựng đô thị sinh thái: Xâm phạm ít nhất đến môi trường tự nhiênđa dạng hóa nhiều nhất việc sử dụng đất, chức năng đô thị và các hoạt động khác của con người; trong điều kiện có thể, cố giữ cho hệ thống đô thị được khép kín và tự cân bằng. Nghiên cứu, xác định cho đô thị các khu vực sinh học (bioregion) hơn là lấn chiếm các vùng ven đô để mở rộng đô thị; giữ cho sự phát triển dân số đô thị và tiềm năng của môi trường được cân bằng một cách tối ưu.
Trong cuốn sách “Các đô thị kinh tế sinh thái (Eco2 Cities)” của Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến cáo: Quy hoạch và phát triển đô thị sinh thái phải đồng bộ và tổng thể, hướng đến sự bền vững gắn với phát triển kinh tế, có quan hệ hài hòa với thiên nhiên, mật độ xây dựng hợp lý, có công trình và hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo yêu cầu sinh thái. Đồng thời, có nền công nghiệp phát triển hiệu quả, sản xuất sạch, áp dụng thành công các giải pháp về năng lượng, giao thông xanh, thân thiện với môi trường…; không khai thác nước ngầm quá mức gây mất nguồn tài nguyên, ô nhiễm nước ngầm và sụt lún; bảo đảm sự cân bằng nước tự nhiên trên lưu vực sông xây dựng các đô thị; quy mô dân số và phát triển kinh tế – xã hội của đô thị được giữ ở mức phù hợp với khả năng “chịu tải” của môi trường và tài nguyên thiên nhiên; môi trường không khí phải đảm bảo theo qui định, không vượt quá ô nhiễm cho phép; ưu tiên sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió tự nhiên và các nguồn năng lượng sạch khác; diện tích mặt nước (ao, hồ, sông, kênh rạch) được quan tâm theo cách tính của tỉ lệ độ che phủ và không gian mở để tạo cảnh quan môi trường và khí hậu mát mẻ cho đô thị; thay đổi cách sống đô thị và cách sản xuất (Theo hướng lối sống xanh, sản xuất xanh) để cho các dòng vật chất, nguyên liệu, năng lượng được diễn ra trong chu trình khép kín; Cần có hệ thống giám sát, thông tin môi trường thường xuyên để điều chỉnh kịp thời. Gắn sinh thái đô thị với văn hóa bản địa, tập quán vùng miền…
Cũng giống như kiến trúc sinh thái, đô thị sinh thái hướng tới giải quyết mối quan hệ giữa phát triển đô thị và thiên nhiên, giữa con người với phát triển đô thị, nó phải vì con người mà sáng tạo ra một không gian đủ lớn để dung nạp các công trình, quần thể công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, môi trường… Một không gian có môi trường dễ chịu, lành mạnh – Đó là đô thị vị nhân sinh, thuận thiên và phát triển bền vững.
Ở một góc nhìn khác, đô thị là nơi quần tụ các công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, môi trường trong một không gian có tính thống nhất trong đa dạng. Bởi vậy, đô thị sinh thái cũng được hiểu là nơi quần tụ các công trình, quần thể công trình kiến trúc được thiết kế theo xu hướng sinh thái, hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, môi trường xanh trong một không gian thân thiện với thiên nhiên. Đô thị sinh thái được coi như một công trình kiến trúc có quy mô đủ lớn được thiết kế quy hoạch theo hướng sinh thái… Điều này cũng nói lên mối quan hệ hữu cơ, không thể tách rời giữa kiến trúc và không gian đô thị – không gian gắn kết các công trình kiến trúc để tạo lên một tổng thể thống nhất, có chất lượng.
Như những phân tích ở trên có thể thấy, kiến trúc sinh thái là việc kiến tạo môi trường không gian nhỏ có chất lượng không quá phụ thuộc vào các giải pháp công nghệ. Đô thị sinh thái là việc kiến tạo môi trường không gian lớn, rất lớn có chất lượng, thuận thiên, nơi quần tụ hệ thống các không gian nhỏ, tạo lên một tổng thể thống nhất trong mối liên kết giữa các công trình xây dựng với hệ sinh thái, môi trường, cảnh quan tự nhiên hoặc nhân tạo. “Không gian nhỏ” trong “không gian lớn”, “hệ sinh thái nhỏ” trong “hệ sinh thái lớn” là cấu trúc của một công trình Kiến trúc lớn với tên gọi Đô thị. Từ kiến trúc sinh thái đến đô thị sinh thái đều nằm trong triết lý thiết kế quy hoạch không gian sống vị nhân sinh, thuận thiên, có chất lượng và phát triển bền vững.
Tài liệu tham khảo:
Phát triển đô thị bền vững/TS Quỳnh Trân, TS Nguyễn Thế Nghĩa (Chủ biên)/Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia/Viện khoa học xã hội tại TP.HCM/ NXB KHXH năm 2002;
Đề tài Nghiên cứu biên soạn các qui định và hướng dẫn bảo vệ môi trường, sinh thái ở các khu đô thị lớn (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM). Mã số RDN 05 – 03;
Tham luận hội thảo Bảo vệ thiên nhiên, môi trường trong đô thị;
Ecologic Architecture – Kiến trúc sinh thái;
Tìm hiểu quá trình phát triển của kiến trúc sinh thái/ Ths.KTS Trần Anh Đào.