Những kinh nghiệm dựng nhà và tổ chức nhà ở truyền thống có thể được coi là “sự thông thái bản địa” trong kiến trúc.
Nương theo và tôn trọng tự nhiên
Ngày xưa, chẳng ai đề cập đến thuật ngữ “kiến trúc xanh”, ấy vậy mà nếu đối chiếu theo các tiêu chí kiến trúc xanh hiện đại, thì ngôi nhà ở dân gian truyền thống của người Việt quả thật rất xanh, xanh từ cách lựa chọn địa điểm cư trú, đến tổ chức địa điểm cư trú, và cách khai thác sử dụng tài nguyên.
Những dấu vết khảo cổ cho thấy, một trong những địa điểm cư trú yêu thích của người Việt trước đây chính là ngã ba sông, bên bồi của dòng chảy. Dễ thấy vị trí này khiến địa điểm cư trú thường xuyên được bồi đắp, lại nằm gần nguồn nước nên thuận tiện cho giao thông, canh tác. Những cuộc đất nổi lên giữa vùng đồng bằng cũng là nơi được lựa chọn cư trú, bởi đó là nơi an toàn nhất khi lũ lụt, và từ đây có thể dễ dàng tiếp cận cánh đồng xung quanh. Đó là những địa điểm cư trú hết sức bền vững, nơi con người đã biết nương theo tự nhiên và tôn trọng những quy luật của tự nhiên.
Trong tổ chức địa điểm cư trú, những tác động đối với địa điểm chỉ ở mức tối thiểu và luôn đạt được trạng thái cân bằng. Chẳng hạn, đất đào ao sẽ được vượt lên để đắp nền nhà, không thừa không thiếu. Nhà cửa cũng chẳng cần nền móng thật chắc chắn - trên nền đất nện, người ta định vị cột nhà, kê chân tảng rồi dựng lên bộ khung nhà.
Trong nhiều ngôi nhà, người ta sử dụng mô hình vườn - ao - chuồng tạo ra các đơn vị “cân bằng sinh thái” độc lập và hoàn chỉnh, vừa tiết kiệm tài nguyên, lại hạn chế rác thải gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó ở nhiều nơi, địa điểm cư trú còn được tối ưu hóa bởi cách tổ chức sân vườn chặt chẽ và khoa học làm ngôi nhà và cảnh quan như được hòa quyện với nhau, nổi bật trong số đó là nhà vườn xứ Huế.
Từ điểm nhìn khí hậu, phần lớn nhà dân gian truyền thống thích ứng với điều kiện khí hậu. Số liệu khảo sát cho thấy, trước đây có tới 50% nhà dân gian quay mặt về hướng nam và hướng đông nam. Các hướng này làm ngôi nhà mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, nhờ vậy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Mái nhà vươn cao và để thoáng giúp thông gió hiệu quả.
Vật liệu dựng nhà chủ yếu là loại thân thiện với môi trường, có thể được khai thác tại chỗ - tre, gỗ dựng nhà, bùn trộn rơm làm vách và tường bao, cỏ tranh, rơm rạ hay lá gồi để lợp mái… Những vật liệu này khi hết vòng đời sử dụng lại trở về với đất, không để lại rác thải, và khởi đầu một hành trình tái sinh mới. Các tài nguyên khác cũng được khai thác và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, chẳng hạn nước mưa chẳng hề bị bỏ phí mà được gom vào trong bể, chum, vại để sử dụng. Phần còn lại được trữ vào các ao hồ trong và xung quanh địa điểm cư trú để làm nguồn nước tưới.
Không gian bên trong các ngôi nhà dân gian truyền thống được tổ chức thông thoáng, ít ngăn chia, rất phù hợp với tập quán sinh hoạt của người Việt. Hệ thống cửa mở rộng, mái nhà cao và để trống giúp ngôi nhà thông gió hiệu quả, từ đó làm chất lượng không khí trong nhà luôn tươi mới, sạch sẽ. Hàng hiên phía trước nhà vừa là không gian đa năng, chuyển tiếp trong - ngoài, vừa giúp hạn chế những bất lợi của điều kiện khí hậu như bức xạ nhiệt mặt trời, mưa hắt…
Sự tồn tại của nhà dân gian truyền thống tiếp nối qua nhiều thế hệ là một bằng chứng cho thấy tính phù hợp của chúng đối với điều kiện khí hậu và với văn hóa, lối sống của người Việt trước đây. Những kinh nghiệm dựng nhà và tổ chức nhà ở truyền thống có thể được coi là “sự thông thái bản địa” trong kiến trúc. Vậy mà sự thông thái này chẳng mấy được quan tâm vận dụng trong ngôi nhà thời nay.
Nghịch lý trong thiết kế đương đại
Thời nay, kể cả nhà ở đô thị lẫn nhà ở nông thôn, thường chẳng mấy quan tâm đến địa điểm. Mỗi nhà mỗi vẻ, lộn xộn, tranh chấp, và chẳng biết nương tựa vào nhau để cùng đóng góp cho sự bền vững của địa điểm cư trú.
Nhiều ngôi nhà cũng chẳng buồn quan tâm đến điều kiện khí hậu, vô tư dùng kính trên mặt đứng hướng đông hay hướng tây để tự mình biến thành cái bẫy nhiệt, rồi lại phải sử dụng điều hòa không khí để làm mát, gây tiêu tốn năng lượng không cần thiết.
Không gian bên trong các ngôi nhà dân gian truyền thống được tổ chức thông thoáng, ít ngăn chia, rất phù hợp với tập quán sinh hoạt của người Việt. (Ảnh minh hoạ)
Vật liệu thân thiện với môi trường thì ngày càng ít được khai thác sử dụng. Thay vào đó là những loại vật liệu có năng lượng hàm chứa cao do quá trình sản xuất và chuyên chở tiêu tốn nhiều nhiên liệu. Không những thế, những vật liệu này có nguy cơ tạo ra rác thải khi hết vòng đời sử dụng.
Sử dụng nhiều vật liệu hiện đại, nhưng không vì thế mà làm chất lượng môi trường trong ngôi nhà ngày nay tốt hơn. Nhiều ngôi nhà thông gió rất kém, lại lạm dụng vật liệu và đồ nội thất chứa nhiều hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) khiến mức độ ô nhiễm trong nhà tăng cao, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Trong bối cảnh đáng thất vọng đó, đã bắt đầu có những dấu hiệu đáng mừng trong thiết kế nhà ở đương đại với một số xu hướng kiến trúc xanh như sau:
Xu hướng Khai thác và sử dụng vật liệu thô tự nhiên tại chỗ theo kinh nghiệm truyền thống: Khai thác những vật liệu tái sinh bền vững như tre, gỗ, lá gồi, đất… để sử dụng trong kiến trúc nhà ở.
Xu hướng Sử dụng cây xanh trên lớp vỏ kiến trúc: Cây xanh chủ yếu được trồng trên mái và trên mặt đứng của ngôi nhà giúp lọc không khí và hạn chế bức xạ nhiệt, đồng thời đóng góp vào môi trường sinh thái của địa điểm.
Xu hướng Thiết kế thụ động - ứng xử với nắng và gió: Chắn nắng trên mặt đứng ngôi nhà và tạo điều kiện để thông gió xuyên phòng, có thể kết hợp với cây xanh trong và/ hoặc ngoài công trình.
Xu hướng Thiết kế tích hợp: Tích hợp các giải pháp kiến trúc xanh, bao gồm cả thiết kế thụ động và thiết kế chủ động (dùng pin mặt trời, điện gió, đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời…)
Nhìn chung, những xu hướng này đều hướng tới các giải pháp kiến trúc tận dụng tối đa ưu thế và hạn chế những bất lợi của địa điểm, giúp ngôi nhà thân thiện hơn với môi trường./.