Aa

Kiến trúc xanh tôn vinh vật liệu tự nhiên truyền thống

Thứ Hai, 14/10/2019 - 13:30

Do e ngại về chi phí, nên công trình xanh tại Việt Nam còn rất hạn chế. Tuy nhiên, với tư duy và cách nghĩ mới, các kiến trúc sư trẻ được kỳ vọng sẽ tạo ra những công trình kiến trúc xanh với chi phí hợp lý.

Muốn có công trình xanh với chi phí rẻ, cần thay đổi vật liệu xa xỉ hiện đại bằng vật liệu xanh truyền thống

Khan hiếm vì đắt đỏ

Chia sẻ tại hội thảo “Xu hướng xanh trong thị trường bất động sản Việt Nam 2019” tổ chức cuối tuần trước tại TP.HCM, bà Nguyễn Thu Nhàn, Quản lý Chương trình phát triển công trình xanh (Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC) cho biết, phong trào xây dựng công trình xanh đã xuất hiện trên thế giới từ những năm 1990, sau đó phát triển mạnh mẽ, đóng góp không nhỏ cho hoạt động bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Tại Mỹ, hiện đã có khoảng 5.000 công trình được chứng nhận xanh sau 10 năm triển khai (2000 - 2010), góp phần tiết kiệm 30 - 50% lượng nước và năng lượng tiêu thụ. Tại Đài Loan (Trung Quốc), tổng năng lượng điện tiết kiệm được sau 7 năm theo đuổi xu hướng công trình xanh (2000 - 2007) là 432 triệu kWh điện, giảm thải 285.000 tấn CO2, giảm 18,3 triệu m3 nước sạch.

Tại Việt Nam, hiện cũng đã xuất hiện những công trình xây dựng mới được thiết kế với giải pháp xanh, không ít trong số đó đã được chứng nhận xanh và sử dụng năng lượng hiệu quả theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc xây dựng, phát triển các công trình xanh tại Việt Nam vẫn còn hạn chế.

Một trong những nguyên nhân chính khiến các chủ đầu tư e ngại đầu tư xây dựng công trình xanh là các chi phí tăng thêm như thiết kế và phân tích chuyên sâu, chi phí tư vấn xanh, thiết bị và vật liệu xanh, đánh giá và cấp chứng chỉ…

Các công trình xanh ngày càng được quan tâm tại Việt Nam

Cụ thể, kiến trúc sư Vũ Linh Quang, Quản lý dự án của Công ty Thiết kế DE-SO ASIA cho biết, tại Việt Nam, nói đến công trình xanh, người ta thường liên tưởng đến các công trình có nhiều cây xanh, hay có quy mô lớn, mà chưa quan tâm nhiều tới ngay chính nơi chốn ăn ở và làm việc của chính mình.

Hơn nữa, Việt Nam cũng chưa có nhiều giải pháp kỹ thuật đồng bộ về công trình xanh, còn hạn chế trong việc cung cấp sản phẩm vật liệu xanh, hệ thống công nghệ vận hành còn yếu…, chi phí đầu tư xây dựng ban đầu công trình xanh thường cao hơn so với bình thường.

“Hiện nay, nhiều chủ đầu tư vẫn e ngại đầu tư vào công trình xanh vì chi phí đắt đỏ và các tiêu chí khắt khe của chuẩn công trình xanh. Từ độ thông thoáng của hành lang, đèn điện, đến chi phí đổ sàn bê tông đều phải tiết kiệm, chưa kể đến hệ thống xử lý rác và nước thải, các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng đạt 20%, tiết kiệm nước 20% và tiết kiệm vật liệu 20%... thực ra không dễ dàng đạt được”, kiến trúc sư Quang nói.

Đồng quan điểm, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa cũng cho rằng, kiến trúc xanh không phải là kiến trúc thuần túy về cây xanh, mà được hiểu ở khía cạnh năng lượng tạo ra khi vận hành và trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, chi phí để làm chứng chỉ kiến trúc xanh như LEED của Mỹ rất đắt và mất thời gian.

“Xanh có nghĩa là thân thiện với môi trường, chứ không có nghĩa là chỉ trồng cây mới thân thiện với môi trường. Rõ ràng, nếu một công trình nhiều cây xanh thì cũng mát mẻ hơn và làm kiến trúc xanh thì cây xanh là một yếu tố rất quan trọng, nhưng kiến trúc có cây xanh là xanh thì không phải”, ông Nghĩa nói và cho biết thêm, danh sách các tiêu chí của một công trình xanh rất dài mà các chủ đầu tư khó đạt được nên không mặn mà lắm. Có nơi thì lại quảng bá công trình xanh, nhưng thật ra chưa đủ chuẩn.

Thay đổi để phù hợp

Tại Diễn đàn Kiến trúc sư trẻ Việt Nam 2019 vừa được tổ chức tại TP.HCM, kiến trúc sư Vũ Linh Quang cho rằng, nên thay đổi những vật liệu xa xỉ hiện đại bằng những vật liệu truyền thống mà vẫn đủ tiêu chuẩn. Chẳng hạn, một tòa nhà có thể giảm diện tích kính bao quanh và thay bằng vật liệu bê tông thông thường để chi phí phù hợp với các chủ đầu tư trong nước. Bởi thực tế, kính lấy ánh sáng nhưng cũng lấy theo cả nhiệt, vì thế, người sử dụng sẽ phải tiêu tốn năng lượng khi chạy điều hoà.

“Chưa cần phải nói đến việc có sử dụng vật liệu xanh hay không, nhưng nhờ vào chính thiết kế này, chủ đầu tư có thể tiết kiệm được chi phí và chính người sử dụng sẽ được thụ hưởng khi không phải tiêu tốn nhiều tiền vào sử dụng năng lượng điện, mà căn nhà lại mát mẻ hơn”, ông Quang nói.

Còn theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Cường, để công trình có yếu tố xanh, thì khi thiết kế phải tận dụng tối đa yếu tố tự nhiên như hướng gió để tạo sự thông thoáng cho công trình, sử dụng ánh sáng tự nhiên, tận thu nước mưa để phục vụ sự vận hành của công trình như tưới cây, rửa đường. Tiếp đó là đến các tiêu chí xanh thụ động được lựa chọn, như lắp đặt thiết bị tiết kiệm năng lượng trong quá trình sử dụng như pin mặt trời, thiết bị vệ sinh, điều hòa…

“Vấn đề kiến trúc xanh với bất cứ tiêu chuẩn nào, tiêu chí nào cũng đều bắt đầu từ nhận thức khi đầu tư, bắt đầu từ khâu thiết kế và quá trình vận hành công trình”, ông Cường nhấn mạnh.

Để tiết kiệm chi phí cho công trình, kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà, người sáng lập H&P Architects đưa ra phương án dùng vật liệu xây dựng đã qua sử dụng của các công trình cũ. Bởi theo ông Hà, những vật liệu này vẫn còn sử dụng tốt nhưng không phù hợp với thiết kế hiện đại của công trình khác, nên có thể sử dụng cho nhà chờ và trang trí công viên.

“Việc sử dụng vật liệu cũ mang lại lợi ích to lớn và dài lâu hơn cả lợi ích kinh tế khi người sử dụng nghĩ đến việc bảo vệ môi trường. Vật liệu cũ thải ra môi trường đang là mối lo ngại to lớn trên toàn cầu, ở Việt Nam cũng vậy”, kiến trúc sư Hà nói và cho biết thêm, đã đến lúc các công trình kiến trúc nên bắt đầu lựa chọn những vật liệu giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Cũng theo ông Hà, vật liệu xanh không phải cái gì đó quá cao siêu, quá xa vời, chỉ đơn giản như việc sử dụng cửa gỗ công nghiệp đã là xanh hơn so với gỗ tự nhiên, hay sử dụng cửa tre là tối ưu hơn nữa so với cửa gỗ. Thậm chí, sử dụng keo dán cửa đạt chuẩn đã là xanh hơn so với dùng loại keo dán thông thường.

Nhìn nhận về vấn đề này, kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, hiện nay các kiến trúc sư trẻ đang cùng gắn kết với các nhà sản xuất vật liệu để mang lại giá trị bền vững và thẩm mỹ cho các công trình kiến trúc hiện đại. Họ đang đóng góp những công trình nhỏ, nhưng có giá trị dài lâu đối với cộng đồng. Do đó, sự ủng hộ dành cho kiến trúc xanh cần được tiếp tục.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top