Kiều hối được xem là một trong những nguồn lực quan trọng để hỗ trợ kinh tế tại Việt Nam. Nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế cũng như giúp nền kinh tế giảm sự phụ thuộc vào dòng vốn nước ngoài.
Tuy nhiên, mới đây Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo Di cư và Kiều hối với dự báo lượng kiều hối năm 2020 Việt Nam sẽ giảm hơn 7% còn 15,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5,8% GDP. Nếu điều này trở thành sự thật thì đây là lần đầu tiên kiều hối về Việt Nam giảm kể từ năm 2017.
Kiều hối sụt giảm
Mức dự báo giảm kiều hối của Việt Nam nằm trong xu hướng chung của thế giới, báo cáo của WB nhận định lượng kiều hối toàn cầu sẽ giảm 14% so với năm 2019 do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế. Riêng các quốc gia thu nhập thấp và trung bình được dự báo sẽ giảm 7% xuống còn 508 tỷ USD trong năm 2020 và giảm thêm 7,5% còn 470 tỷ USD vào năm 2021.
Tại Báo cáo triển vọng phát triển châu Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng nhận định, suy thoái kinh tế từ đại dịch COVID-19 sẽ đe dọa an ninh và phúc lợi nghề nghiệp của hơn 91 triệu người di cư quốc tế từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Do đó, dòng kiều hối chuyển vào châu Á trong năm 2020 có thể giảm 54,3 tỷ USD, tương đương khoảng 20% mức hiện nay. Báo cáo của ADB cũng chỉ ra Việt Nam, Indonesia và Philippines là ba quốc gia Đông Nam Á có dòng kiều hối sụt giảm mạnh nhất trong năm 2020.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM (nơi luôn chiếm khoảng 40% lượng kiều hối của Việt Nam) cho biết nguyên nhân chính khiến lượng kiều hối giảm trong những tháng đầu năm 2020 do tình hình đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu đã tác động đến việc làm, thu nhập của người lao động. Kiều bào Việt Nam ở nước ngoài cũng nằm trong xu hướng khó khăn đó. Dịch bệnh đã khiến nhiều kiều bào và lao động mất việc, phải tạm nghỉ ở nhà, hoạt động kinh doanh ngưng trệ nên không có thu nhập do đó đã hạn chế chuyển kiều hối về cho thân nhân ở quê nhà.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân tăng trưởng kinh tế suy yếu và việc làm giảm tại những quốc gia di cư có thu nhập cao như Mỹ và các nước châu Âu. Ngoài ra, việc giá dầu lao dốc ảnh hưởng tới các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và Nga - nguồn kiều hối chính của khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Trung Á, từ đó thu nhập của lao động nhập cư tại các quốc gia này sụt giảm.
Đến thời điểm này chưa có con số thống kê của ngành ngân hàng nhưng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tính đến hết tháng 7, lượng kiều hối về TP.HCM chỉ đạt khoảng 3 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, kiều hối đã tăng trở lại sau khi dịch bệnh ở một số quốc gia tạm thời lắng xuống. Đơn cử, trong tháng 10/2020 riêng TP.HCM đã có 500 triệu USD kiều hối chuyển về qua các tổ chức tín dụng.
Có thể hồi phục nếu dịch bệnh được kiểm soát
Mặc dù tín hiệu vui khi dòng kiều hối chảy về TP.HCM tăng trong mấy tháng qua nhưng chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu vẫn cho rằng, kiều hối năm 2020 sẽ thấp hơn năm 2019 khá nhiều.
Số liệu kiều hối về TP.HCM nêu trên chỉ mang tính tương đối, bởi kiều hối về Việt Nam đến từ kênh chính thức và kênh phi chính thức, trong đó kênh phi chính thức chiếm tỷ trọng cũng tương đối nên khó có thể lượng đoán được. Con số chính thức vẫn phải chờ thông tin từ phía Ngân hàng Nhà nước hoặc các tổ chức tài chính.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng nhận định, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2020 giảm khoảng 10 - 15% so với năm 2019 và có thể giảm mạnh hơn, khoảng 15 - 17%, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến xấu.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Hoàng Minh vẫn lạc quan dự báo trong 3 tháng cuối năm, tình hình kiều hối sẽ dần hồi phục trở lại sau khi các nước trên thế giới đã có những biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Đặc biệt là nhiều quốc gia đã nới lỏng các lệnh đóng cửa xã hội, khôi phục kinh tế sẽ là cơ hội cho việc làm và thu nhập đối với người lao động, lượng kiều hối sẽ trở lại bình thường.
Hơn nữa, theo ông Minh, Việt Nam là một trong ít các quốc gia trên thế giới kiểm soát dịch bệnh Covid-19 khá thành công sẽ tạo cơ hội đầu tư vào Việt Nam và thu hút kiều bào chuyển tiền về nước đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây tỷ giá đồng Việt Nam so với USD rất ổn định nên xu hướng người dân nhận những món kiều hối nhỏ lẻ đều bán lại ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng chi trả.
Một số ngân hàng còn sử dụng công nghệ chi trả kiều hối và chuyển đổi ngoại tệ sang tiền đồng kiệm có lãi suất cao. Điều này đã khuyến khích cả người chuyển kiều hối và người nhận kiều hối giao dịch qua các tổ chức tín dụng vừa đảm bảo an toàn và có cơ hội sinh lãi từ nguồn ngoại tệ kiều hối cho người nhận.
Đặc biệt, trong thời gian qua kiều hối chuyển về không còn dừng lại ở việc gửi tiết kiệm mà đã dần chuyển hướng sang đầu tư chứng khoán, bất động sản, mua cổ phần, cổ phiếu, thành lập doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng tăng cường công nghệ và đẩy mạnh chính sách khuyến mại nhằm thu hút khách hàng. Đơn cử như Sacombank đã hợp tác với nhiều đối tác ở Mỹ, Úc, châu Âu, Nhật, Đài Loan,... và đặc biệt là công nghệ API chuyển tiền nhanh 24/7 với thời gian xử lý mỗi giao dịch chuyển tiền từ nước ngoài về tài khoản người thụ hưởng không quá 1 phút nên các khách hàng trẻ tuổi đang lao động, học tập ở nước ngoài rất ưa chuộng.
Hay như Vietcombank, nhằm tri ân khách hàng nhận tiền kiều hối, từ ngày 16/11, khách hàng nhận tiền kiều hối tại Vietcombank qua kênh chuyển - nhận tiền kiều hối XOOM sẽ có cơ hội nhận ngay 100.000 đồng vào tài khoản cá nhân cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác như Loa Bluetooth JBL Charge 3... Chương trình áp dụng cho các giao dịch nhận tiền kiều hối có giá trị từ 1.000 USD trở lên./.