Aa

Kinh tế 2019 sẽ đối mặt với nhiều thách thức

Thứ Bảy, 17/11/2018 - 14:00

Biến động của tình hình kinh tế thế giới cùng với áp lực tăng trưởng phụ thuộc khu vực đầu tư từ nước ngoài sẽ là những thách thức cho mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát năm 2019 của Việt Nam.

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2019, trong đó nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của năm 2019 là tăng cường năng lực, chủ động, phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để chủ động có đối sách phù hợp và kịp thời.

Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 là tăng 6,6-6,8%, CPI khoảng 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%.

Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 là tăng 6,6-6,8%, CPI khoảng 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%.

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Tăng trưởng còn phụ thuộc FDI

Các chỉ tiêu cụ thể là GDP năm 2019 tăng 6,6-6,8%, CPI khoảng 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%, nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%,tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

Đánh giá về mục tiêu tăng trưởng năm 2019 được đề ra tại Nghị quyết, PGS. TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, mục tiêu này có khả năng đạt được, tuy nhiên, sẽ gặp nhiều thách thức lớn bởi tình hình kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, khó lường.

Cụ thể, kinh tế một số nước châu Âu, Nhật Bản… gần đây bắt đầu chững lại và đi xuống. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc, chính sách bảo hộ mậu dịch đang có những rào cản nhất định đến tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung. "Và với độ mở kinh tế trên 200% như Việt Nam thì chắc chắn sẽ bị tác động từ kinh tế thế giới. Đây là điều chúng ta cần hết sức lưu ý", PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho hay.

Thậm chí, dù đang là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng ông Ngân cho rằng, Việt Nam cũng phải lường trước những rủi ro tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Đặc biệt, phải có những đối sách cho những rủi ro có thể xảy ra.

Có cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng lo ngại, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung làm thay đổi hẳn tình hình xuất nhập khẩu và thương mại quốc tế, khiến nhà đầu tư nước ngoài trở nên dè dặt hơn. Bên cạnh đó, hiện quan hệ giữa Mỹ và Iran rất căng thẳng, nên giá dầu có thể giảm nếu Arab Saudi tiếp tục tăng sản lượng.

Trước những biến động đó của tình hình kinh tế thế giới, TS. Lê Đăng Doanh nhận định: “Hiện ngay cả Mỹ cũng không dự báo được tình hình xuất khẩu như thế nào, tình hình kinh tế Mỹ cũng có thể sẽ khó khăn hơn với cuộc chiến tranh Mỹ-Trung này, nên việc Việt Nam có thể xuất khẩu sang Mỹ, sang Châu Âu không đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả phía doanh nghiệp và Chính phủ”.

Không chỉ là tác động từ kinh tế thế giới, việc tăng trưởng trong nước phụ thuộc vào các tập đoàn nước ngoài cũng là thách thức lớn cho tăng trưởng kinh tế năm 2019. Tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội lo ngại, thách thức lớn nhất chúng ta đang phải đối mặt là tốc độ tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc vào các tập đoàn đa quốc gia, nếu các tập đoàn này không phát triển hoặc gặp khó thì Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.

“Vừa rồi chúng tôi làm việc với Samsung Việt Nam và ngành thép, đây là các doanh nghiệp có đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhưng năm 2019 tới đây thì họ cho biết sẽ không có nhiều thay đổi hơn so với năm 2018", ông Thanh chi biết.

Lo ngại lạm phát

Do đó, chuyên gia cho rằng, nếu tăng trưởng GDP chỉ dựa vào những yếu tố như FDI, đầu tư công thì mục tiêu mới đạt được 1 phần. "Phải làm sao để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nội địa có thể ổn định và tăng trưởng năng lực sản xuất, tăng trưởng chất lượng sản xuất mới là điều quan trọng", TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế - tài chính nhận định.

Cùng với đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát mức 4% năm 2019 được các chuyên gia nhận định “không dễ dàng đạt được”. Vì theo dự kiến, ngay từ 1/1/2019 đã nâng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên mức kịch trần. “Trong khi đó, giá xăng dầu là giá đầu vào cho tất cả các sản phẩm, dịch vụ khác. Giá xăng dầu tăng sẽ khiến cho giá chi phí vận tải tăng lên, các mặt hàng từ mớ rau, quả trứng cho tới sắt thép, xi măng… đều tăng lên”, chuyên gia Lê Đăng Doanh đánh giá.

Do đó, để đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2019 đề ra, ông Doanh cho rằng, cần tăng cường các cải cách trong nước để giảm bớt những khoản chi tiêu phi chính thức. Giảm bớt các phiền hà, đẩy mạnh việc thực hiện dự án Chính phủ điện tử để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân.

“Việt Nam phải có nỗ lực rất lớn trong cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mạnh mẽ và thực chất hơn, thì mới có thể duy trì đà tăng trưởng. Doanh nghiệp phải cảm nhận được những tín hiệu tích cực thực sự từ môi trường kinh doanh thông qua những nỗ lực thay đổi của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ là những nỗ lực không mệt mỏi của người đứng đầu Chính phủ”, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top