Aa

Kinh tế Thanh Hoá tăng trưởng ấn tượng

Thứ Ba, 22/11/2022 - 15:15

Thanh Hóa lần đầu lọt tốp 8 tỉnh thành về thu ngân sách lớn nhất cả nước với tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng ước đạt gần 40.000 tỷ đồng, bằng 133% dự toán, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, trong 9 tháng năm 2022, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thanh Hóa ước đạt 14,24%, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,23%; công nghiệp - xây dựng tăng 18,2%; dịch vụ 11,86%... Thu Ngân sách Nhà nước 9 tháng đã vượt cao, ước đạt 39.325 tỷ đồng, bằng 133% dự toán, tăng 56% so với cùng kỳ và đạt cao nhất từ trước đến nay.

Hầu hết các lĩnh vực thu đều tăng, một số khoản thu tăng cao như thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 69%, thuế bảo vệ môi trường tăng 42%, thu tiền sử dụng đất tăng 76%. Chi ngân sách 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 27.116 tỷ đồng, bằng 72% dự toán và tăng 7% so với cùng kỳ.

Về công nghiệp trong 9 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16,03%, có 19/26 sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ. Trong ngành dịch vụ, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 9 tháng ước đạt 127.805 tỷ đồng, tăng 24,7% so với cùng kỳ, giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 11,7%; tổng lượng khách du lịch gấp 3,3 lần, tổng thu du lịch ước đạt 19.075 tỷ đồng, bằng 106,4% kế hoạch, gấp 4,1 lần.

kinh tế thanh hóa
Theo công bố của Tổng cục Thống kê về kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 và 2021, Thanh Hoá là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất trong 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.

Huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 103.340 tỷ đồng, bằng 71,3% kế hoạch, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh đã thu hút được 51 dự án đầu tư trực tiếp (4 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.386 tỷ đồng và 41 triệu USD. Hoạt động đầu tư công đến ngày 15/9 giá trị khối lượng thực hiện các dự án đầu tư công đạt 5.332 tỷ đồng, bằng 48,4% kế hoạch; giải ngân đạt 6.189 tỷ đồng, bằng 56,2% kế hoạch.

Các điểm du lịch trong tỉnh đã hoạt động trở lại sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; khách tham quan, du lịch tại các điểm du lịch và hoạt động lưu trú và ăn uống tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thanh Hóa đã đón hơn 10 triệu du khách, doanh thu từ du lịch ước đạt 20.000 tỷ đồng. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 12.748 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng kỳ.

Đặc biệt, sau hơn 4 năm triển khai xây dựng, ngày 14/7/2022, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, công suất 1.200 MW đã chính thức đi vào vận hành thương mại. Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 chính thức đi vào vận hành sẽ cung cấp thêm khoảng 7,8 tỷ KWh điện hàng năm lên lưới điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và nhu cầu dân sinh của khoảng 6 triệu hộ gia đình.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê về kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 và 2021, Thanh Hoá là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất trong 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.

Cụ thể, kết quả điều tra cho thấy, người dân tỉnh Thanh Hoá có thu nhập bình quân đầu người/tháng trong năm 2020, 2021 theo giá hiện hành là 3.510 nghìn đồng và 3.652 nghìn đồng. Trước năm 2019, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, tuy nhiên từ sau năm 2019 do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên thu nhập có xu hướng giảm, tốc độ tăng trưởng bình quân của thu nhập bình quân người/tháng giai đoạn 2019 - 2021 là 5,57% (thấp hơn giai đoạn 2016 - 2018 là 12,51%).

Thu nhập bình quân một người/tháng chung cả nước năm 2021 theo giá hiện hành đạt 4.205 nghìn đồng, giảm 1,06% so với năm 2020. Theo khảo sát, tỉnh Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt 7.123 nghìn đồng/người/tháng.

Năm 2021, Thanh Hoá là tỉnh có thu nhập cao nhất vùng Bắc Trung Bộ, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 7 bậc so với năm 2018. Nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân 1 người/tháng đạt 6.395 nghìn đồng, cao gấp 4,1 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất - nhóm 1).

Mới đây, vào ngày 16/11, tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đã có bài phát biểu tham luận quan trọng nhấn mạnh đến nội dung, trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Thanh Hóa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, kết nối vùng với vùng Đồng bằng Sông Hồng và các tỉnh vùng Tây Bắc.

Nhằm thúc đẩy liên kết vùng, tạo sức lan tỏa tăng trưởng kinh tế, Nghị quyết số 58 ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu xây dựng Thanh Hóa đến năm 2030 trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hoá, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top