Aa

Kinh tế tư nhân 'cất cánh': "Cần hai bàn tay cùng vỗ"

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Bảy, 29/06/2019 - 05:00

Niềm tin của nền kinh tế Việt Nam đang được đặt lên vai các tập đoàn tư nhân song việc có quá nhiều điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh, khiến cho kinh tế khu vực này chưa thể “cất cánh”.

Kinh tế tư nhân đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong guồng máy tăng trưởng của Việt Nam. Tuy nhiên, sự lớn mạnh này dường như vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thậm chí kinh tế tư nhân còn dễ bị "tổn thương" trước các biến động, do vấp phải nhiều rào cản. Làm thế nào để khối kinh tế tư nhân lớn mạnh đúng với vai trò và kỳ vọng? Cà phê cuối tuần xin giới thiệu chia sẻ của các chuyên gia: ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

SỨ MỆNH ĐƯỢC GIAO VÀO TAY DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN

Ông Vũ Tiến Lộc: Từ thời cha ông ta, người nông dân đã làm kinh tế tuần hoàn rất tốt, đến bây giờ những doanh nghiệp tư nhân lớn cũng dẫn đầu trong nền kinh tế. Sứ mệnh quan trọng nhất hiện nay đang được giao vào tay các doanh nghiệp tư nhân. Đó chính là việc tạo ra việc làm đàng hoàng cho người dân vì chỉ có việc làm đàng hoàng mới giúp mỗi người sống hạnh phúc. Hiện tại, mỗi năm Việt Nam có 1,5 - 1,7 triệu người bước vào tuổi lao động. Trong khi khu vực nhà nước đang phải tinh giản vì bộ máy đã quá cồng kềnh, thì hầu hết số lao động mới đó chỉ có thể tìm được việc làm trong khu vực doanh nghiệp, mà chủ yếu là khu vực tư nhân.

Nói vậy để thấy, cỗ máy tạo việc làm cho nền kinh tế chính là các doanh nghiệp tư nhân. Như vậy, trong thời bình, doanh nhân chính là những dũng sĩ, những người hùng. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, tới 60% doanh nghiệp làm ăn không có lãi, doanh nghiệp nào trụ vững, tạo ra hàng vạn việc làm cho người lao động và làm nên những thành tích cao thì nhà nước phải tôn vinh họ là anh hùng. 

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực gần đây của Chính phủ trong việc tạo lập được một môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.

Cụ thể ở những tiêu chí quan trọng: Kinh tế tăng trưởng tốt nhưng vẫn bảo đảm được cân đối, ổn định kinh tế vĩ mô; Chất lượng tăng trưởng kinh tế có chiều hướng được cải thiện; Cải cách hành chính có bước tiến. Tham nhũng đang từng bước được đẩy lùi, chi phí không chính thức giảm; Doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới; Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có sức thu hút hàng đầu trong khu vực và trên toàn thế giới.

Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những sáng kiến, nỗ lực đổi mới, mở rộng thị trường thời gian gần đây, như thúc đẩy hội nhập với nỗ lực vận động và kết quả là Hiệp định Thương mại tự do EU và Việt Nam (EVFTA) sẽ được ký kết vào ngày 30/6 tới đây, mở ra một "con đường cao tốc" hàng đầu, đưa nền kinh tế Việt Nam đến với một trong những thị trường lớn nhất toàn cầu, trung tâm khởi nguồn của công nghệ thế giới, hệ thống vận hành chuyên nghiệp và hiệu quả bậc thầy… Sự khơi thông dòng chảy thương mại và đầu tư chất lượng cao này sẽ là cơ hội giúp châu Âu có thêm việc làm và kinh tế Việt Nam cất cánh.

Dù vậy, môi trường kinh doanh trong nước vẫn còn có những điểm nghẽn, cần có thêm nhiều nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương.

Phản ánh của doanh nghiệp trong nước qua điều tra của VCCI cho thấy một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, cụ thể là đất đai (30%), thuế (28%) và bảo hiểm xã hội (25%). Với các doanh nghiệp FDI, đó thủ tục xuất nhập khẩu (28%), bảo hiểm xã hội (26%), thuế (25%) và đăng ký đầu tư (24%), phòng cháy (22%). Đây là những lĩnh vực cần có sự quan tâm hơn của các ngành, các cấp trong thời gian tới. Đặc biệt cần sửa đổi ngay các quy định pháp lý chồng chéo, bất hợp lý liên quan tới đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, môi trường…

Tuy nhiên, trong khi chưa sửa được Luật cần có ngay các hướng dẫn nhất quán, áp dụng thống nhất cho các địa phương và doanh nghiệp không để mỗi địa phương, cơ quan giải thích theo một kiểu, ban hành luật sớm về đối tác công tư để khai thông nguồn vốn này, có những quy định phù hợp để bảo đảm cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước có cơ hội tham gia các dự án đối tác công tư quan trọng như đường bộ, đường sắt cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành…

Hành trình của Chính phủ đang rất thành công trong việc chuyển đổi từ cởi trói, tháo gỡ khó khăn sang kiến tạo, dẫn dắt, yểm trợ. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đang chuyển từ kêu ca sang hiến kế và chủ động thực hiện các chương trình đổi mới sáng tạo. Chúng ta đang có 2 bàn tay cùng vỗ lên thúc đẩy cho sự phát triển mới của nền kinh tế Việt Nam.

CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH

Ông Hồ Sỹ Hùng: Phát triển doanh nghiệp là yếu tố sống còn đối với hiệu quả hoạt động, tạo công ăn việc làm và thịnh vượng trong mỗi nền kinh tế. Mức độ năng động của khu vực doanh nghiệp phụ thuộc vào chất lượng môi trường pháp quy. Nếu có các quy định thực sự có chất lượng, hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tham gia thị trường một cách công bằng, góp phần cắt giảm chi phí giao dịch, bảo vệ nhà đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh công bằng thì những quy định đó chắc chắn sẽ góp phần đáng kể vào tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Trong suốt chặng đường phát triển, Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm và không ngừng cải thiện môi trường pháp quy. Luật Doanh nghiệp năm 2000 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này. Nhờ đó, các doanh nghiệp đã phát triển nhanh chóng và tạo bước đột phá, số các doanh nghiệp đang hoạt động đã tăng hơn 13,3 lần trong giai đoạn 2000 - 2015 và vào năm 2018, tổng số doanh nghiệp đã đạt trên 700 nghìn doanh nghiệp, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của cả nước. Đây là một bộ phận quan trọng của xã hội, tạo ra công ăn, việc làm, sản xuất ra của cải, vật chất và có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng của đất nước.

Bên cạnh những kết quả trong đổi mới và phát triển doanh nghiệp nêu ở trên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng phát triển kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Hầu hết các doanh nghiệp trong nước còn có quy mô nhỏ, năng lực sản xuất, cạnh tranh trong môi trường toàn cầu còn hạn chế. Trên cơ sở đó, một trong những vấn đề chúng ta cần quan tâm là chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, điển hình như Luật hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2014-2018, nay là Nghị quyết số 02/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp… 

Đặc biệt, trong năm 2018, các bộ, ngành đã cắt giảm 6.776/9.956 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm 3.346/6.191 điều kiện kinh doanh. Qua đó, giảm hơn 17.500.000 ngày công, tiết kiệm hơn 6.279 tỷ đồng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Như vậy, hoạt động cải cách chính sách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước sẽ cần phải được thực hiện mạnh mẽ hơn để trở thành động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực để loại bỏ những trở ngại cho doanh nghiệp tư nhân và tăng cường môi trường pháp lý minh bạch.

Song song với đó, cải cách doanh nghiệp nhà nước cần tập trung vào việc áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản trị doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy và tăng cường cổ phần hoá và thoái vốn. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung vào đầu tư công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn, chú ý đến khai thác mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điều này cũng sẽ giúp khu vực tư nhân trong nước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cần có những con sếu đầu đàn trong nền kinh tế tư nhân

(Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình) 

Phát triển kinh tế tư nhân là quy luật tất yếu trong thời kỳ quá độ của Việt Nam. Trong 3 năm qua, đã có nhiều chính sách, ý tưởng, để tạo ra sự bứt phá cho các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên theo thống kê, trong top 10 doanh nghiệp đóng thuế cao nhất thì có 5 doanh nghiệp nhà nước và 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chưa xuất hiện doanh nghiệp tư nhân.

Hiện nay, kinh tế tư nhân chiếm khoảng 40% GDP, phấn đấu đạt 60% trong năm 2030. Để có được điều này, Chính phủ cần xây dựng những con sếu đầu đàn trong thành phần kinh tế tư nhân, thông qua việc định hướng chính sách, lắng nghe, tiếp cận và đối thoại, từ đó chọn lọc và phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, phát triển thành phần kinh tế tư nhân; hỗ trợ cải cách hành chính. Song song với đó, các doanh nghiệp phải vươn lên sáng tạo, có tâm huyết, có năng lực về vốn, sáng tạo, hoài bão và văn hoá.

Khơi thông nguồn vốn cho kinh tế tư nhân

(Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương)

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhằm đưa kinh tế tư nhân thành động lực phát triển kinh tế thị trường, Nhà nước cần tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tiếp cận vay vốn ngân hàng, huy động vốn trên thị trường chứng khoán; phát triển đa dạng các định chế tài chính, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các quỹ bảo lãnh tín dụng, các tổ chức tài chính vi mô, các tổ chức tư vấn tài chính, dịch vụ kế toán, kiểm toán, thẩm định giá, xếp hạng tín nhiệm... 

Bên cạnh đó, Việt Nam cần đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển đồng bộ thị trường chứng khoán, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các thị trường chứng khoán phái sinh. Đây sẽ là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của các doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên thực tế việc thực hiện Nghị quyết này vẫn là bước đầu, hệ thống tài chính, ngân hàng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tư nhân gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, rào cản phát triển, trong đó có vấn đề tiếp cận các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn.

                                                                                                                                                    Thiết kế: Đức Anh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top