Tháng 7 năm 2022, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/7/2022 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Chỉ thị nêu rõ năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, góp phần triển khai các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021 - 2030.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, nền kinh tế nước ta dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của của tình hình chính trị thế giới, khu vực diễn biến phức tạp; sự phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro và chưa vững chắc của kinh tế thế giới như tình trạng thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng, chống tự do thương mại ở một số nơi, lạm phát tiếp tục tăng cao và trở thành vấn đề lớn tại nhiều quốc gia; dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn và chứa ẩn nhiều rủi ro; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu.
Reatimes ghi lại phát biểu của PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tại Hội thảo "Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023" diễn ra sáng 14/12/2022 về bức tranh kinh tế Việt Nam thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023 - hiệu chỉnh để phục hồi phát triển.
Kinh tế Việt Nam đến cuối năm 2022 đã thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các địa phương, khá đều ở các lĩnh vực. Chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2022, của một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất, nhập khẩu đạt được kết quả tích cực, cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư. Đặc biệt, doanh nghiệp thích ứng tốt với bối cảnh mới, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục tăng cao. Như vậy, phục hồi kinh tế trên nhiều mặt đã đạt được kết quả tích cực. Dự kiến tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 ước đạt 8%.
Đạt được kết quả khá tích cực nêu trên có nhiều yếu tố tác động. Khái quát chung, có thể nêu ba lý do chính là: Việt Nam kịp thời chuyển trạng thái chống dịch Covid-19, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế trở lại bình thường; kiên trì dùng nhiều chính sách, giải pháp phục hồi kinh tế và ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát; và cuối cùng, các chỉ số tăng trưởng trên được đặt trong tương quan với mức nền khá thấp của năm trước.
Bên cạnh đó, cũng dễ dàng nhận thấy một số dấu hiệu đáng lo ngại: Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu đang chậm lại. Thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng lãi suất để giảm lạm phát của FED…
Quốc hội, Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu tổng quát năm 2023 là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; quyết tâm thực hiện hiệu quả với nỗ lực cao nhất Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số.
Định hướng giải pháp chủ yếu được dự kiến là: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, làm cơ sở thúc đẩy tăng trưởng. Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số. Tập trung bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên.
Không chỉ vậy, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp...
Việc phân tích từng vấn đề cụ thể sẽ thấy sự đan xen giữa thuận lợi và thách thức, khó có thể lượng hóa thành con số cụ thể. Nhưng qua đó, cũng có thể thấy rằng: Khả năng chống chịu tốt của kinh tế Việt Nam năm 2022, đặc biệt là những hiệu chỉnh về chính sách và điều hành những tháng cuối năm 2022 về tiền tệ, tỷ giá, tín dụng, kiểm soát và nới chỉ số lạm phát năm 2023 lên không quá 4,5%… là rất cần thiết và sẽ tạo đà cho sự hồi phục nhanh hơn và phát triển trong thời gian tới của năm 2023.
Từ trên giác độ đó, có thể tập trung vào một số nội dung để triển khai hướng đến mục tiêu và các chỉ tiêu đã định như duy trì và phát huy ảnh hưởng tích cực của quá trình phục hồi, tạo quán tính cho nền kinh tế vận hành ổn định. Nhiều chương trình, kế hoạch phát triển trung - dài hạn đã được phê duyệt; kế hoạch, hồ sơ giải ngân đầu tư công, quy trình thủ tục đã được chuẩn bị kỹ trong năm 2022; các gói thuộc Chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia đã được thông qua, nên sẽ có thể triển khai nhanh hơn trong năm tới, tạo tác động nhanh hơn đến nền kinh tế. Đầu tư công có thể là cứu cánh. Tận dụng cơ hội để đổi mới.
Doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng nên tái cấu trúc mạnh mẽ, đẩy mạnh chuyển đổi số, tiết giảm chi phí, tăng tính công khai, minh bạch và chuyên nghiệp, quản lý rủi ro tốt hơn.
Xét về tổng thể, có thể thấy điểm nghẽn lớn nhất của chúng ta hiện nay là nhiều cơ chế quản lý, chính sách pháp luật chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nên ảnh hưởng đến nhiều hoạt động đầu tư kinh doanh, chẳng hạn như các dự án liên quan đến bất động sản thì còn vướng mắc nhiều ở Luật Đất đai, hay đầu tư công vẫn còn vướng ở quy trình, thủ tục… Do đó, giải quyết nút thắt thể chế cũng là yếu tố quan trọng mà nếu tháo gỡ được sẽ tạo đà thúc đẩy tăng trưởng.
Một số bất cập trên thị trường đất đai, tài chính, bất động sản, lao động, y tế đã được nhận diện và đang được tiếp cận tháo gỡ... Với những lợi thế này, cơ hội để “vượt điểm nghẽn” trong năm tới là rất lớn. Năm 2023, cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng còn tiếp tục nên tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm có thể vẫn diễn ra, đòi hỏi giải pháp mềm dẻo, linh hoạt, đảm bảo cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ dám làm./.