Aa

Kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025 tiếp đà tăng trưởng tích cực

Dương Minh Anh
Dương Minh Anh duongminhanh070902@gmail.com
Thứ Ba, 06/05/2025 - 14:09

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025 tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực; nhiều chỉ tiêu, chỉ số tốt hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã đề xuất một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung làm ngay trong tháng 5 và quý II/2025.

Tổng vốn FDI đăng ký 4 tháng đầu năm tăng gần 40% so với cùng kỳ

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025 vừa được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố, nền kinh tế tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh vừa phải tập trung ứng phó với diễn biến phức tạp của thế giới và khu vực, vừa thúc đẩy cải cách để tạo nền tảng mới cho phát triển.

Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 8,9% so với cùng kỳ; 4 tháng tăng 8,4%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 11,1%, 4 tháng tăng 9,9%. Các doanh nghiệp đẩy mạnh đơn hàng xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 4 lần lượt tăng 21,3%, 19,8% và 22,9%; 4 tháng xuất khẩu tăng 13%, xuất siêu ước đạt 3,8 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng tăng 3,2% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt 48% dự toán, tăng 26,3% so với cùng kỳ; thu nội địa ước đạt 49,6% dự toán, tăng 29,5%; việc triển khai thuế điện tử, thu thuế thương mại điện tử, nền tảng số đạt kết quả tích cực.

Ưu tiên hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021 - 2025, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên trong năm 2025. (Ảnh minh hoạ)

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/4/2025 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 6,74 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2025 có 43 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 269,2 triệu USD, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước; có 12 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 40,1 triệu USD, gấp 69,1 lần. Tính chung, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) 4 tháng đầu năm 2025 đạt 309,3 triệu USD, gấp 3,1 lần cùng kỳ năm trước.

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, tính chung 4 tháng đầu năm 2025, cả nước có hơn 89,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 22,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Song, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 96,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 24,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện ngay trong tháng 5 và quý II/2025

Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025 diễn ra sáng 6/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; nhiều chỉ tiêu, chỉ số tốt hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.

Kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025 tiếp đà tăng trưởng tích cực- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn một số khó khăn như mục tiêu tăng trưởng, hoạt động đầu tư, kinh doanh… gặp nhiều thách thức; sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát; việc hoàn thiện thể chế, pháp luật đã được quan tâm, chỉ đạo, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc; đời sống của một bộ phận người dân, người lao động còn khó khăn.

"Nền kinh tế sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn từ bên ngoài, trong khi các động lực nội tại về tiêu dùng, đầu tư, đầu tư công… chưa được thúc đẩy hiệu quả. Dù vậy, đây cũng là cơ hội, động lực để tập trung cơ cấu lại thị trường, sản xuất và xuất khẩu, thu hút FDI chất lượng cao", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng dự báo.

Trên cơ sở kết quả đạt được trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025, Bộ Tài chính đã đề xuất một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung làm ngay trong tháng 5 và quý II/2025.

Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, chuẩn bị tốt nội dung tiếp thu, giải trình việc sửa đổi Hiến pháp, các dự án Luật, Nghị quyết, báo cáo, bảo đảm đồng thuận cao khi Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, nhất là các nội dung Chính phủ dự kiến trình Quốc hội bổ sung tại kỳ họp. Các bộ, ngành khẩn trương ban hành, trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn Luật, Nghị quyết ngay sau khi được Quốc hội thông qua.

Thứ hai, bảo đảm tiến độ các công việc liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo Quyết định số 758/QĐ-TTg, 759/QĐ-TTg, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, thúc đẩy đàm phán với Mỹ, đồng thời chống hàng giả, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thương mại hài hòa, bền vững với các nước.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thứ năm, thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng trong nước và phát triển các động lực tăng trưởng mới.

Cùng với đó, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung phát triển văn hóa, xã hội; tích cực chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước, nhất là các chương trình, hoạt động, triển lãm về các thành tựu lớn của đất nước, quyết tâm khởi công và khánh thành đồng loạt 80 công trình, dự án trọng điểm và tổ chức lễ duyệt binh trong dịp Quốc khánh 2/9. Triển khai các giải pháp trong trung và dài hạn về hoàn thiện thể chế, pháp luật, thực hiện 3 đột phá, các chiến lược về khoa học công nghệ, kinh tế tư nhân và hội nhập quốc tế; chú trọng làm tốt an sinh xã hội, phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, bão lũ...; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top