Chiều 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022.
Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thầu
Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ VI, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014.
Sau 8 năm thực hiện, Luật Đấu thầu cùng với hệ thống văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước trên nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án đầu tư, mua sắm công, quản lý sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, một số quy định của Luật chưa phù hợp với thực tiễn hoặc quy định chưa đầy đủ dẫn đến khó khăn trong lựa chọn nhà thầu. Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu còn phức tạp, thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện đầu tư, mua sắm công. Quy định về phân cấp, phân quyền, xác định quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình đấu thầu, lựa chọn nhà thầu trong một số trường hợp chưa đầy đủ, rõ ràng.
Bên cạnh đó, quy định về kiểm tra, giám sát, chế tài xử lý vi phạm chưa đầy đủ, chưa ngăn chặn được tình trạng gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong đấu thầu diễn biến phức tạp. Một số quy định chưa bảo đảm thống nhất với các luật hiện hành khác như Luật Đất đai, Luật Lao động, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư công…
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đấu thầu là cần thiết nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngày 8/9, Chính phủ đã có Tờ trình số 310/TTr-CP trình Quốc hội về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 5 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua.
Dự luật hiện được bố cục gồm 10 chương, 92 điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã sửa đổi 85 điều, bổ sung mới 5 điều, giữ nguyên 2 điều, bãi bỏ 11 điều.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo Thường vụ Quốc hội các nội dung cụ thể liên quan đến 5 nhóm chính sách trong dự thảo luật.
Cụ thể là nhóm các quy định về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu. Nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
Nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu.
Nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy hoạt động đấu thầu mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, sản xuất trong nước; tạo công ăn việc làm cho nhóm yếu thế, mua sắm xanh nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
Nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.
Bảo đảm tính khả thi, ổn định, thống nhất, đồng bộ với các luật khác
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) Nguyễn Phú Cường cho biết Thường trực Ủy ban TCNS nhận thấy Hồ sơ dự án Luật cơ bản đầy đủ theo quy định tại Khoản 2, Điều 58 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi bổ sung năm 2020.
Tuy nhiên, qua rà soát bước đầu, Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, một số nội dung chưa được bao quát và thể hiện đầy đủ trong Báo cáo tổng kết, Tờ trình và Báo cáo đánh giá tác động. Vì vậy, đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá tổng kết đầy đủ, toàn diện kết quả thi hành Luật Đấu thầu năm 2013, nêu bật những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân để từ đó đề xuất sửa đổi luật phù hợp; đánh giá đầy đủ tác động của việc thay đổi chính sách.
Về mục tiêu, quan điểm, yêu cầu sửa đổi luật, theo ông Nguyễn Phú Cường, đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với các mục tiêu, quan điểm, yêu cầu và các nhóm chính sách đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và đề nghị bổ sung, nhấn mạnh các mục tiêu, quan điểm, yêu cầu cơ bản.
Theo đó, việc sửa đổi Luật Đấu thầu phải bám sát và thể chế hóa đầy đủ quan điểm theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về: "Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý đấu thầu"; nhằm góp phần quản lý hiệu quả, công khai, minh bạch và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tài sản Nhà nước.
Bên cạnh việc kế thừa, ổn định và tiếp tục phát huy những quy định phù hợp với thực tiễn, việc sửa đổi luật phải bảo đảm khắc phục những vấn đề tồn tại, vướng mắc, thiếu đồng bộ, bất cập trong quá trình thực hiện. Giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh, công bằng. Bổ sung các quy định mới nhằm quản lý chặt chẽ, giảm thiểu các hành vi gian lận trong đấu thầu, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn…
Đồng thời, bảo đảm tính khả thi, ổn định, thống nhất, đồng bộ với các luật khác, bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đấu thầu và cơ chế kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu.
Luật hóa tối đa các quy định hiện hành đã áp dụng ổn định
Ông Nguyễn Phú Cường cũng cho rằng Luật Đấu thầu có liên quan đến nhiều luật. Do vậy, phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong nội tại Luật và thống nhất với các luật khác có liên quan. Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm các quy định thống nhất, khả thi, không chồng chéo, mâu thuẫn.
Thường trực Ủy ban TCNS nhấn mạnh trong quá trình 8 năm thực hiện, hệ thống văn bản hướng dẫn về thi hành Luật Đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư là khá lớn với 8 nghị định, 23 thông tư, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, một trong những yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi luật lần này là cần luật hóa tối đa các quy định hiện hành đã áp dụng ổn định để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục tình trạng luật khung, luật ống, góp phần giảm thiểu tối đa số lượng các văn bản dưới luật được ban hành.
Liên quan đến đối tượng và phạm vi điều chỉnh, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ nghiên cứu theo hướng quy định rõ trong phạm vi điều chỉnh các hoạt động phải đấu thầu, đối với các hoạt động không thuộc đối tượng "phải đấu thầu" thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật; đối với những hoạt động đấu thầu đã được quy định trong luật chuyên ngành khác thì quy định nguyên tắc thực hiện theo luật chuyên ngành.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ rà soát, làm rõ khái niệm "vốn nhà nước" để đảm bảo thống nhất với quy định tại các luật có liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đối tác công tư… Mối quan hệ với việc đảm bảo quyền tự chủ của đơn vị, nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế đang gặp nhiều khó khăn trong việc mua sắm trang, thiết bị y tế; phạm vi điều chỉnh đối với dự toán mua sắm sử dụng vốn Nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội./.