Dựng chân chống chiếc xe xuống chỗ bóng râm ở vỉa hè trên đường Cầu Giấy, anh Hà Văn Sơn, một người đàn ông tầm 30 tuổi, trèo lên xe và ngả mình chợp mắt. Cái tán cây bé tẹo không đủ che đi ánh nắng phồng rộp của mặt trời, nhưng anh vẫn tiếp tục nằm và chờ đợi vì là một lái xe ôm, anh phải kiếm sống. Bên kia đường, một công trình giao thông lớn đang được thi công, đó là hệ thống đường cao tốc trên cao đầu tiên của Việt Nam. Phía trên là những cột dầm hình chữ T, phía dưới là dòng người đang chen nhau nhích từng chút một vì… tắc đường.
Người đàn ông 30 tuổi này hình như không quá tỏ ra lo lắng về vấn đề an toàn lao động của mình khi ngày nào cũng phải làm việc trong một môi trường đầy những nguy hiểm rình rập như vậy. Anh nói: “Nếu Việt Nam muốn phát triển thì việc xây dựng những hệ thống đường cao tốc trên cao như thế này là cần thiết. Nó sẽ giúp giảm thiểu những phương tiện giao thông cơ giới như xe máy, và nhờ đó xã hội của chúng ta mới có thể hiện đại hơn”.
Hà Nội, một thành phố với xe máy nhiều hơn cả số hộ gia đình, luôn luôn phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn và tai nạn giao thông. Trong những năm gần đây, rất nhiều nghiên cứu đã xếp thành phố này vào danh sách những đô thị tồi tệ nhất vì ô nhiễm không khí. Vào tháng 5 năm ngoái, các phương tiên truyền thông của Việt Nam đã cảnh báo về việc gia tăng nhanh chóng các vật chất nguy hại có trong không khí tại Hà Nội sau khi kết quả đo lường của Trạm đo lường chất lượng không khí đặt tại Đại sứ quán Mỹ được công bố.
Để giải quyết cùng một lúc vấn nạn ô nhiễm không khí và tắc đường nghiêm trọng, chính quyền thành phố đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào hệ thống metro này. Tuy nhiên, dự án này trong quá trình thi công đã bị chậm tiến độ nhiều lần và gặp phải nhiều khó khăn.
Ví dụ như tuyến metro dài 12.5 km nối khu vực Nhổn đến trung tâm thành phố, gồm 12 nhà ga, 1 phần ngầm và dự tính sẽ chuyên trở khoảng 754.000 lượt khách/ngày, đã hoàn thành được khoảng 15% tính đến hết năm 2015. Tuyến metro này được dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào tháng 12/2016 nhưng đến nay thời gian hoàn thành lại bị lùi đến năm 2020, chưa nói năm 2020 cũng mới chỉ là dự kiến.
Bà Floriane Ortega, một nhà quy hoạch đô thị, hiện đang làm việc tại tuyến metro số 1 và 2, cho rằng việc dự án này chậm chễ do nhiều lý do khác nhau. Thứ nhất là vấn đề tái định cư và đền bù cho những khoản phát sinh liên quan đến dự án. Thứ hai đó là việc thiếu một cơ quan quản lý đồng bộ, toàn diện. Thứ ba là vấn đề thiếu kinh phí và những vấn đề an toàn xung quanh công trình xây dựng.
Thứ 4 là việc thiếu sự liên kết, thống nhất chặt chẽ giữa các nhà thầu đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Pháp. Mỗi nhà thầu khác nhau lại xây dựng cho mình một hệ thống bán vé riêng, bên cạnh đó, họ không đạt được sự đồng thuận với nhau trong việc tích hợp việc sử dụng các trạm dừng sao cho hiệu quả nhất, việc này có thể gây trở ngại cho hành khách khi phải xuống ở trạm dừng này nhưng phải đi sang một trạm dừng khác để bắt tàu.
“Nếu các trở ngại này được khắc phục thì hệ thống giao thông hiện đại sẽ thay đổi đáng kể những quan niệm về không gian công cộng của nước này”, bà Ortega nói.
Hiện nay, các không gian công cộng và vỉa hè của Hà Nội đang bị sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên, khi các tuyến metro được đưa vào sử dụng, việc sử dụng các không gian vỉa hè để hành khách có thể di chuyển từ ga này sang ga khác hoặc đến các điểm đến của họ sẽ là bắt buộc, do đó, tình trạng này có thể sẽ được chấm dứt.
Tuy nhiên, hệ thống giao thông công cộng khi hoàn thành sẽ phải đối mặt với một thách thức vô cùng lớn vì việc thuyết phục người dân từ bỏ các phương tiện cá nhân hay nói cách khác là thay đổi nhận thức của họ là một điều rất khó.
Trong năm 2008, có đến hơn 80% lượng phương tiện tham gia giao thông tại Hà Nội là xe máy và xe tay ga, chỉ có một phần rất nhỏ những người khá giả về thu nhập là chọn xe ô tô. Đến nay, có khoảng hơn 4,9 triệu xe máy trên các tuyến đường của Hà Nội. Việc sử dụng xe máy, ô tô phát triển mạnh mẽ và ngày càng trở nên phổ biến khiến cho xe đạp, đã từng “vang bóng một thời” nay đã giảm mạnh. Trong năm 1995, 47% lượng phương tiện giao thông của Hà Nội là xe đạp, nhưng đến năm 2008, con số này đã tụt xuống mức chỉ 3%.
Mục tiêu hạ tầng giao thông của Hà Nội là sẽ tăng hiệu suất sử dụng các phương tiện di chuyển công cộng từ mức chỉ 9% hiện nay lên mức 60% vào năm 2030, cùng với thời điểm Hà Nội sẽ hoàn thành 6 tuyến metro và 3 tuyến xe buýt nhanh (BRT) đầu tiên của thành phố này. Tuy nhiên, tham vọng còn cao hơn khu UBND thành phố Hà Nội đã vạch ra kế hoạch cấm toàn bộ xe máy tại các khu vực trung tâm vào năm 2025 cho phù hợp với hệ thống giao thông công cộng hiện đại mới.
Việc cấm xe máy sẽ dẫn đến một sự thay đổi rất lớn trong cuộc sống của người dân, đồng thời sẽ tạo áp lực rất lớn lên chính hệ thống cao tốc trên cao cũng như xe buýt công cộng. Do đó, không ai trong số những người được hỏi cho rằng việc hoàn thành kế hoạch này vào năm 2025 là khả thi.
Việc giảm thuế đánh vào các loại xe nhập khẩu từ bên ngoài vào trong nước khiến giá xe rẻ hơn chỉ là một lý do. Lý do quan trọng hơn đó là người dân Việt Nam có nhu cầu rất lớn với các phương tiện cá nhân. Thứ nhất, họ muốn sự chủ động, không muốn bị phụ thuộc quá nhiều vào các phương tiện công cộng. Thứ hai, đường phố ở các khu đô thị quá chật hẹp, việc đi xe máy hay các loại ô tô cỡ nhỏ sẽ nhanh hơn và tiện hơn.
Ngoài ra, có một lý do khác đó là mặc dù giá vé hay nói cách khác là chi phí đi lại bằng các phương tiện giao thông khá rẻ nhưng cũng chưa đủ hấp dẫn. Còn quá nhiều lý do khiến người Việt Nam không thể nếu không muốn nói là thay đổi thói quen sử dụng các dịch vụ giao thông công cộng.
Việc xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông công cộng là một nỗ lực rất lớn mới có thể làm được, thế nhưng việc thay đổi nhận thức của người dân còn là môt thách thức đòi hỏi sự cố gắng hơn nữa. Vì vậy, để có thể từ một “đô thị xe máy” thành một “đô thị metro”, Hà Nội sẽ còn phải đi một quãng đường rất dài nữa.