Aa

KTS Hoàng Thúc Hào: Cuộc sống đôi lúc phải cần “máu điên”!

Thứ Năm, 10/05/2018 - 06:00

Nhắc cái tên Hoàng Thúc Hào là nghĩ ngay đến những công trình kiến trúc cộng đồng đẹp ngỡ ngàng, trong ngành giáo dục có thể kể “bông hoa rừng” – trường Tiểu học Lũng Luông (Thái Nguyên).

Điều khiến người khác bất ngờ là đam mê ngày bé của anh lại là lịch sử, thích các anh hùng hào kiệt, thích tìm hiểu về những tấm gương, những chiến công. Bởi thế mà sau này anh sống cũng có phần hiệp sĩ! Trong câu chuyện với GD&TĐ, kiến trúc sư (KTS) Hoàng Thúc Hào thường lý giải những gì anh theo đuổi là do “máu điên” – đam mê đến “phát điên” những gì mình khao khát!

Người xây dựng triết lý “kiến trúc hạnh phúc”

Anh hợp nhất ý tưởng về hình thức và sự gắn kết cộng đồng thành luận điểm “kiến trúc hạnh phúc”, được coi là nguyên lý cốt lõi trong thực hành kiến trúc của anh. Vậy có thể hiểu “kiến trúc hạnh phúc” là như thế nào, thưa anh?

KTS. Hoàng Thúc Hào: Bất cứ công trình nào cũng có thể thành kiến trúc hạnh phúc nếu kiên định tầm nhìn. Hạnh phúc ở đây là hạnh phúc bền vững. Hội An là kiến trúc hạnh phúc bền vững, các thế hệ nối tiếp nhau bảo vệ, xây mới nhưng vẫn tôn trọng hình thái gốc của nó. Vậy nên mới có Hội An hàng trăm năm sau vẫn đẹp, vẫn hút khách du lịch, người dân vẫn sống tốt và kiếm được tiền từ di sản kiến trúc của họ. Hồ Gươm dù vài hạt sạn nhưng vẫn là một kiến trúc hạnh phúc, trăm năm sau người ta vẫn thấy Hồ Gươm hấp dẫn, vẫn không ngừng gây ngạc nhiên.

Kiến trúc hạnh phúc gồm 3 cột trụ: Kiến trúc sư hạnh phúc, công trình hạnh phúc và người sử dụng hạnh phúc.

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào

Để có kiến trúc hạnh phúc, đầu tiên KTS phải dấn thân vì hai việc: Vì con người và vì tương lai văn hóa, bảo vệ sự đa dạng văn hóa. Khi có những KTS dấn thân này, họ sẽ tạo ra công trình ngạc nhiên bền vững, những công trình tiếp biến được văn hóa của vùng đất đấy, truyền thống đấy, hiện đại mà đẹp.

Dấn thân tiếp biến văn hóa, kiến trúc sư sẽ hạnh phúc và có lý tưởng, kim chỉ nam sáng tạo những tác phẩm “ngạc nhiên bền vững”. Ta hay nói phát triển bền vững, nhưng bền vững thời toàn cầu hóa rất dễ đơn điệu, mất đa dạng, thế nên rất cần duy trì ngạc nhiên. Ngạc nhiên này chủ yếu là ngạc nhiên chậm, lâu dài, không phải sốc, tức thời.

Khi KTS kiến tạo công trình ngạc nhiên bền vững, người sử dụng tất yếu sẽ hạnh phúc. Vì công trình đó của họ với những dấu ấn riêng, có quá khứ, lịch sử, tương lai.

Đây là tâm huyết chúng tôi đúc kết sau 25 năm làm nghề cùng hơn chục năm làm kiến trúc xã hội cho những cộng đồng yếm thế. Lúc đầu chỉ làm nhà nhỏ, rồi ngẫm nghĩ nhiều chuyện lớn hơn. Gần hai năm nay từng bước tổng quát lên thành triết lý. Hiện tôi đang làm sách “kiến trúc hạnh phúc”, cuối năm hoặc đầu 2019 sẽ xuất bản.

Công trình Trường Tiểu học Lũng Luông (Thái Nguyên)

Công trình Trường Tiểu học Lũng Luông (Thái Nguyên)

Khi anh thiết kế một công trình, hoàn thành nó, một thời gian sau anh có quay lại xem kiến trúc của mình có còn là “kiến trúc hạnh phúc” không?

KTS. Hoàng Thúc Hào: Quay lại nhiều chứ! Một số công trình – ít thôi – không hoàn thành được sứ mệnh. Đôi khi là lý do xã hội, bất khả kháng. Đấy là cái nằm ngoài kiến trúc. Là KTS, cũng thấy chạnh buồn, thấy tiếc, hiểu kiến trúc không phải chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề.

Một số nhà cộng đồng chúng tôi tham gia vận hành, góp tiền duy tu cùng xã hội, người dân. Công ty chúng tôi lập quỹ cộng đồng, ví dụ ký hợp đồng thiết kế 1 tỷ, chúng tôi sẽ cắt cho quỹ 5% là 50 triệu. Cứ thế, quỹ tàm tạm đủ vận hành khoảng 4 – 5 nhà cộng đồng. Tuy nhiên, nếu phát triển 100 nhà chúng tôi không đủ sức, cần sự trợ giúp xã hội rồi.

Có lẽ chỉ KTS Hoàng Thúc Hào thiết kế xong nhà rồi lại tự bỏ tiền túi ra để duy tu, bảo dưỡng cho công trình mình thiết kế?

KTS. Hoàng Thúc Hào: “Điên” mà! Nói thật nếu không “điên” thì không bao giờ chúng tôi làm việc này. Chủ yếu là đam mê, là tự trọng, đủ thứ… Nhưng đổi lại chúng tôi có tác phẩm theo ý mình. Mỗi công trình như một đứa con, không dễ cam chịu nhìn đứa con tan hoang, xuống cấp như vậy.

Công trình Nhà cộng đồng Suối Rè (Hòa Bình)

Công trình Nhà cộng đồng Suối Rè (Hòa Bình)

Trong ngành giáo dục, nhắc tên anh là nhắc đến kiến trúc hạnh phúc của Trường Tiểu học Lũng Luông. Điều gì khiến anh nhớ nhất khi thiết kế công trình này?

KTS. Hoàng Thúc Hào: Đầu tiên là quá trình làm. Lúc bắt đầu thi công chưa có đường, toàn đá thôi, xe không vào được nên phải đi bộ. Làm trường gần xong người ta mới đổ đường bê tông. Khó khăn nhất là cách nào làm ra vật liệu xây trường mà tiết kiệm. Một viên gạch ở Hà Nội 1 đồng, chở vào vùng núi Thái Nguyên đội giá lên 5 đồng. Chúng tôi đã mời anh kỹ sư – trước học chế tạo máy ở Liên Xô – nghiên cứu một máy ép gạch, xong cẩu máy vào núi, thử nghiệm 5 – 6 tháng, trộn đất ở đó với các loại phụ gia ra được tỷ lệ gạch, đem về Viện Khoa học công nghệ vật liệu thử nghiệm. Chúng tôi cho rằng việc chế tạo viên gạch tại chỗ, không nung – là yếu tố quyết định thành công của tác phẩm.

Mái tôn màu vàng của trường cũng khiến chúng tôi cân nhắc nhiều. Nếu chỉ làm mấy chục mét tôn màu vàng thì người ta không sản xuất vì rất tốn kém. Chúng tôi may mắn được tôn Hoa Sen tài trợ. Họ tìm trong kho, chở ra ngoài này 150m2 tôn vàng, thế nên công trình mới có màu sắc tươi sáng như vậy.

Cách đây 3, 4 tháng, tôi có lên thăm trường cùng GS Ngô Bảo Châu, trường vẫn mới lắm. Khi làm trường, chúng tôi đã dự tính giải pháp bền vững lâu dài. Có khi 8-10 năm chỉ cần thay mái tôn thôi. Hy vọng 7-8 năm nữa, tôn màu vàng sẽ không hiếm như bây giờ.

Bước ngoặt cuộc đời

Đầu 2018, anh vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng nhì do những đóng góp đặc biệt xuất sắc. Dường như con đường anh đi trải đầy hoa hồng! Tò mò hỏi anh đã bao giờ gặp khó khăn đến mức muốn từ bỏ những gì mình đang theo đuổi không?

KTS. Hoàng Thúc Hào: Bảo cực kỳ khó khăn thì hơi buồn cười, nhưng cái gì chẳng khó khăn. Từ năm 1996 đến 2010, 13 -14 năm đấy là loay hoay, tìm tòi, đi học… Khoảng 7 năm nay dần khẳng định với kiến trúc cộng đồng – xã hội nhưng có phải thành công ngay đâu. Kiến trúc xã hội, cộng đồng đầu tiên chúng tôi làm là Nhà cộng đồng Suối Rè, chúng tôi bỏ ra hơn 1 tỷ! Cũng không biết nó thành công hay không, chỉ vì “máu” thôi.

Trung tâm Hạnh phúc Quốc gia ở Bhutan

Trung tâm Hạnh phúc Quốc gia ở Bhutan

Thời điểm đó, tôi hy vọng nó như khe cửa hẹp giúp ra thế giới bằng tác phẩm thật, không nằm trên giấy. Nhưng cũng mông lung thế thôi, mọi chuyện chưa thể biết chắc. Riêng công trình này chúng tôi đập đi xây lại nhiều lần, đến nỗi những người làm cùng phát ngán. Năm 2009 bắt đầu khởi công, cuối 2010 khánh thành. Sau 7 năm Viện kiến trúc Singapore trao cho cụm tác phẩm xã hội cộng đồng của chúng tôi giải Kiến trúc sư nổi bật – giải thưởng được truyền thông ví như “Nobel – Pritzker Kiến trúc” châu Á. Và năm ngoái chúng tôi cũng nhận được giải thướng lớn Vassilis Sgoutas Prize tại đại hội Kiến trúc sư thế giới UIA, Seoul. Giải thưởng này tôn vinh hệ thống tác phẩm kiến trúc vì cộng đồng thiểu số, yếm thế ở Việt Nam.

Suối Rè là công trình tôi nhớ nhất, là bước ngoặt của văn phòng kiến trúc 1+1>2. Dự toán lúc đầu làm mất 250 triệu. Nhưng làm xong số tiền đội lên… 400%, mất hơn 1 tỷ. Ngày nào tôi cũng phóng ô tô lên Lương Sơn, Hòa Bình. Sau hơn 1 năm thì 4 bệ đỡ máy bị chờn, long hết, vì đường toàn đá.

Hồi đó non, không có kinh nghiệm gì, chỉ có niềm tin như “lên đồng”! Vợ tôi vừa tin tưởng chồng, vừa nghi ngại. Còn bố tôi thì luôn tin con – nói vui đó là một niềm tin “siêu hình”! Niềm tin gia đình tiếp sức tôi rất nhiều. Tôi cho rằng cuộc sống cần thiết những lúc “điên” như thế. Những người thành công dường như đa phần đều lỳ lợm, kiên định, đam mê đến phát điên?

Trong sự nghiệp của mình, điều gì khiến anh thấy nuối tiếc?

KTS. Hoàng Thúc Hào: Hình như không! Chưa bao giờ tôi ân hận hay nuối tiếc điều gì lắm. Những khó khăn hay thời gian, tâm huyết mình bỏ ra sau đều thu được những kết quả nhất định, mà nếu thất bại cũng chỉ tạm thời thôi. May mắn hiện thực vượt cả mong đợi, tầm nhìn hay ước mơ của chúng tôi, kết quả thực tế rộng mở hơn cả những gì mình muốn. Từ mấy nhà cộng đồng nhỏ bé đến làng đất nông thôn mới của người Dao ở Quản Bạ, Hà Giang hay trường học Lũng Luông, chợ và bảo tàng gốm Bát Tràng, nhà ở công nhân… Các dự án dần mở rộng tầm nhìn, khiến chúng tôi thêm vững tin, liên tục cố gắng, kích thích tư duy.

Đam mê thiết kế, tâm huyết giảng dạy

Anh đam mê kiến trúc, vừa làm ở Văn phòng 1+1>2, vừa là giảng viên ĐHXD? Thời gian một ngày của anh chắc quay cuồng lắm?

KTS. Hoàng Thúc Hào: Người ta sẽ thắc mắc không hiểu Văn phòng 1+1>2 và tôi tại sao làm nhiều việc thế, mà những việc này thường xuyên nơi khỉ ho cò gáy, vùng sâu vùng xa, sang cả Bhutan, trong khi vẫn giảng dạy ở ĐHXD. Vậy thời gian đâu? Thêm nữa nghề kiến trúc lại khó sống. Nói thật bản thân chúng tôi còn chẳng hiểu nữa là người khác! Cứ bị cuốn theo đam mê thôi, dần dần tự tích lũy kinh nghiệm, làm việc theo hệ thống, có phương pháp, không bị phí sức…

Công việc của kiến trúc sư thì tự do, phóng khoáng, nhưng công việc giảng dạy ĐH thì đòi hỏi mô phạm. Hai công việc anh theo đuổi có trái ngược nhau không?

KTS. Hoàng Thúc Hào: Tôi nghĩ hai việc này có nguyên tắc chung. Giảng dạy và thiết kế đều cần quy chuẩn, quy phạm của nghề, nhưng mặt khác cả hai cần sự tự do, phóng khoáng, sáng tạo bất ngờ. Truyền đạt tư duy sáng tác cho sinh viên mà mình không phải người làm sáng tạo, không có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, không hiểu biết xã hội, nhân văn thì rất khó.

Tôi băn khoăn bằng cách nào có thể đào tạo, truyền cảm hứng cho những sinh viên, KTS dấn thân vì người nghèo, vì những cộng đồng yếm thế? Bởi sự đa dạng văn hóa của các cộng đồng dân tộc Việt là tài nguyên vô giá, nếu thế hệ sau không kế thừa, phát huy thì lãng phí khủng khiếp.

Trong hành trình theo đuổi đam mê, có bao giờ anh cảm thấy cô đơn?

KTS. Hoàng Thúc Hào: Muôn thuở rồi! Nhưng thực ra tôi cũng chưa cô đơn lắm, có lẽ vì vẫn “máu”. Mình cứ làm, thách thức tư duy, vẫn nhiều khát khao và đi tới.

Trong sự nghiệp anh hay “điên”, anh có nghĩ bao giờ mình cần thời gian để lặng lại?

KTS. Hoàng Thúc Hào: Lặng lại hàng ngày và lặng lại ở những khoảng tư duy. Có một thực tế là công nghệ luôn tiến vũ bão, kiến trúc thì song hành và hưởng lợi từ công nghệ, mặc dù không theo được hết công nghệ, song kiến trúc phụ thuộc phần lớn vào công nghệ.

Mặt khác, loài người – chủ thể sử dụng, vận hành kiến trúc lại không tiến mấy về tâm sinh lý. Con người vẫn phải vừa làm việc vừa nghỉ ngơi, thư giãn. Họ tiêu hóa kiến trúc và công nghệ có giới hạn. Bản chất con người cần cân bằng. Thưởng thức một tác phẩm hầm hố ở Dubai, thấy choáng ngợp, kỳ vĩ, nhưng toàn bộ kiến trúc cái nào cũng thế thì … kinh. Đôi khi chỉ một ô cửa sổ, một cái nhà đất, hay đơn giản chỉ là gió và ánh sáng, con người đã hạnh phúc rồi! Mặt trái giữa con người và công nghệ là vậy. Đó là vấn đề của kiến trúc tương lai.

Chúng tôi đang nghĩ vẩn vơ như thế nên chưa cô đơn…

Có thể thấy lúc nào anh cũng suy nghĩ, trăn trở về nghề nghiệp. Tâm huyết này có truyền được cho các con anh?

KTS. Hoàng Thúc Hào: Con trai đầu của tôi đang học truyền thông xã hội năm thứ 3 ở Nhật. Cậu thứ hai tính cách nghệ sĩ, không biết có học kiến trúc không, mặc dù tôi rất muốn. Thôi thì cứ nghĩ rằng khởi đầu tôi có biết gì kiến trúc đâu! Nghề kiến trúc do bố tôi định hướng, thật may mắn!

Nếu kể tên 5 KTS tại Việt Nam anh yêu thích, anh có thể kể đến ai?

KTS. Hoàng Thúc Hào: Yêu thích một phần thôi, nhưng họ có vị thế, làm nên hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Công bằng, đặt lên bàn cân, tôi nghĩ rằng trong 5-7 năm gần đây, hiếm lĩnh vực nào làm rạng danh tên tuổi Việt Nam như kiến trúc với những giải thưởng danh giá. Có thể kể những cái tên như: Võ Trọng Nghĩa, Nguyễn Hòa Hiệp, Đoàn Thanh Hà, Nguyễn Hoàng Mạnh, Lê Lương Ngọc.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top