Aa

KTS Vũ Linh Quang: Khó nhất khi làm Công trình Xanh là thuyết phục chủ đầu tư

Thứ Tư, 24/05/2017 - 06:33

Các chủ đầu tư thường có suy nghĩ ban đầu rằng việc làm Công trình Xanh chỉ để marketing, quảng cáo bán hàng nhưng thực tế, các lợi ích mà Công trình Xanh mang lại lớn hơn rất nhiều. Những chia sẻ rất thực tế của KTS Vũ Linh Quang, thành viên Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam sau khi tham gia thiết kế nhiều công trình tại Việt Nam sẽ cho chúng ta cái nhìn chân thực về vấn đề này.

 
KTS Vũ Linh Quang

KTS Vũ Linh Quang

PV: Thưa KTS Vũ Linh Quang, được biết ông tham gia thực hiện rất nhiều Công trình Xanh ở Việt Nam từ các chung cư, văn phòng tới tòa tháp, khu nhà ở cho công nhân… Qua thực tế, điều khó nhất khi làm Công trình Xanh ở Việt Nam là gì thưa ông? Đó là thuyết phục chủ đầu tư hay chính là thay đổi nhận thức của người mua nhà?

KTS Vũ Linh Quang: Theo kinh nghiệm của tôi, việc khó khăn nhất là thuyết phục chủ đầu tư. Hiện tại thị trường xây dựng chưa có khái niệm, kiến thức về Công trình Xanh, cũng như những lợi ích mà nó mang lại. Do chưa có yêu cầu từ phía người mua nhà, các chủ đầu tư luôn có nhiều e ngại trong việc thêm chi phí. Tại một số nước lân cận như Singapore, người mua nhà ưu tiên mua các công trình có tiêu chuẩn Công trình Xanh do họ hiểu được lợi ích.

Các chủ đầu tư thường có suy nghĩ ban đầu rằng việc làm Công trình Xanh chỉ để mục đích marketing, quảng cáo bán hàng ban đầu. Nhưng thực tế, với các lợi ích mà Công trình Xanh mang lại, chủ đầu tư sẽ được sự tin tưởng hơn cho các công trình tiếp theo.

PV: Ông đánh giá thế nào về nhận thức của các chủ đầu tư hay gia chủ về Công trình Xanh ở nước ta?

KTS Vũ Linh Quang: Các chủ đầu tư và gia chủ mà chúng tôi tiếp xúc đa phần đã có những kiến thức nhất định về hiệu quả năng lượng, nước và Công trình Xanh. Tuy nhiên, góc độ nhận thức chỉ tập trung về phía bên ngoài công trình, còn những giá trị lợi ích của Công trình Xanh như tiện nghi, sức khỏe, năng suất làm việc, hóa đơn điện nước ... lại ít được biết đến.

Họ rất nhiệt tình trong việc tìm hiểu, nhưng khi có nhiều rào cản về chi phí, thói quen sử dụng, chủng loại trang thiết bị ... khiến họ còn nhiều e ngại.

KTS Vũ Linh Quang tham gia thiết kế tòa tháp Land Mark 81 theo tiêu chuẩn LEED.

KTS Vũ Linh Quang tham gia thiết kế tòa tháp Landmark 81 theo tiêu chuẩn LEED.

PV: Chi phí phát sinh khi đầu tư Công trình Xanh có phải e ngại lớn của các chủ đầu tư không? Nếu không, theo kinh nghiệm thực tế khi làm các công trình của ông, rào cản lớn nhất đối với các chủ đầu tư khi làm Công trình Xanh là gì?

KTS Vũ Linh Quang: Chi phí phát sinh là rào cản và e ngại lớn nhất của các chủ đầu tư trong thời điểm này. Phần lớn các chủ đầu tư đang nhìn nhận các giải pháp Công trình Xanh sẽ khiến công trình tăng lên 30% thậm chí cao hơn, nhưng theo thống kê của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam, phần lớn chi phí đầu tư cho Công trình Xanh dưới 5%. Hai công trình mà chúng tôi tham gia gần đây là chung cư phân khúc thu nhập trung bình và tòa tháp căn hộ khách sạn cao cấp chi phí gia tăng dưới 2%.

Rào cản tiếp theo, theo tôi, là nhận thức của người sử dụng và cộng đồng xã hội về Công trình xanh. Công trình xanh không phải là các giải pháp tốn kém như tấm pin năng lượng mặt trời, trồng cây xanh trên mái, thiết bị thông minh, .., mà phần lớn là các giải pháp thiết kế thụ động, thông thoáng gió, ánh sáng tự nhiên, cách nhiệt cho tường, mái, sử dụng kính phù hợp, trang thiết bị máy lạnh và nước hiệu quả. Khi đã áp dụng được các giải pháp trên, thì các yêu cầu khác về môi trường tự nhiên sẽ được dễ dàng triển khai.

PV: Một số chuyên gia cho rằng 0% chi phí phát sinh cũng có thể làm Công trình Xanh, ông có đồng ý với quan điểm này? Nếu không thì tối thiểu phải phát sinh bao nhiêu % chi phí mới làm được Công trình Xanh?

KTS Vũ Linh Quang: Chi phí phát sinh 0% chỉ có thể đại diện cho một vài công trình, không phải phần lớn các Công trình Xanh. Nhiều công trình đã thiết kế ban đầu tốt, họ không biết họ đã làm những giải pháp xanh, nên khi áp dụng theo hệ thống chứng nhận thì chi phí đầu tư phát sinh là không có. Hiện tại theo đánh giá của hệ thống đánh giá Công trình Xanh trên thế giới và Việt Nam thì chi phí đầu tư trong khoảng 2 - 8%, nhưng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thể loại công trình, công năng sử dụng, quy mô, tổng mức đầu tư... Chi phí đầu tư này đang giảm dần, ví dụ như các tấm pin năng lượng mặt trời, trang thiết bị đèn, nước, do sản phẩm đa dạng hơn, có thể sản xuất trong nước.

PV: Thời gian gần đây, nhận thức của chủ đầu tư cũng như người mua nhà về Công trình Xanh đã tăng lên khá nhiều. Ông đánh giá thế nào về mặt thuận lợi khi làm Công trình Xanh ở nước ta?

KTS Vũ Linh Quang: Việc làm Công trình Xanh chưa có nhiều thuận lợi. Hiện chúng ta chưa có các cơ chế ưu đãi để khuyến khích chủ đầu tư, cũng như các đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu, doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị, vật liệu, tham gia vào quá trình thực hiện Công trình Xanh. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa có những chế tài, tiêu chuẩn quy định một số các yêu cầu của Công trình Xanh cho trang thiết bị nước, vật liệu xây dựng.

Thuận lợi hiện tại, nếu có, chỉ là việc các Công trình Xanh được trao các giải thưởng, những hỗ trợ quảng bá thông tin công trình và được sự ghi nhận từ giới chuyên môn.

PV: Thiết kế một Công trình Xanh có phức tạp hơn với các công trình thông thường thưa ông?

KTS Vũ Linh Quang: Tùy theo hệ thống đánh giá Công trình Xanh sẽ có những độ phức tạp và yêu cầu khác nhau. Hiện tại Việt Nam có 4 hệ thống đánh giá là LEED (Mỹ), GREEN MARK (Singapore), LOTUS (Việt Nam) và EDGE (Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC), theo tôi LEED có yêu cầu khắt khe nhất. Công trình thông thường không có yêu cầu sự đánh giá về mức độ hiệu quả năng lượng, nước, vật liệu cũng như các yếu tố liên quan sức khỏe, tiện nghi của người sử dụng và môi trường xung quanh. Việc làm Công trình Xanh thường được bắt đầu từ giai đoạn thiết kế ý tưởng, trong đó việc góp ý cho các thiết kế của Kiến trúc, Cơ điện và Kết cấu để nâng cao hiệu quả công trình là bắt buộc.

Tuy nhiên, những phức tạp trên không phải là sự lãng phí. Các chi phí đầu tư ban đầu sẽ được hoàn vốn thông qua việc tiết kiệm hóa đơn tiền điện, nước, chi phí vận hành, duy tu bảo dưỡng, cũng như sức khỏe, năng suất làm việc của người sử dụng công trình.

PV: Với kinh nghiệm làm Công trình Xanh nhiều năm, theo ông Việt Nam cần những yếu tố gì để có thể làm “Cánh mạng Xanh” trong xây dựng khi mà vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang báo động như hiện nay?

KTS Vũ Linh Quang: Đây là một câu hỏi rất lớn liên quan không chỉ giới chuyên môn, xây dựng công trình mà còn là chính quyền, các sở xây dựng. Để thực hiện một "Cách mạng Xanh" đòi hỏi sự tham gia của 5 nhóm chính, trước tiên của các nhà lập chính sách để ban hành các cơ chế khuyến khích, ưu đãi, cũng như tiêu chuẩn, quy chuẩn để chế tài; các đơn vị cung cấp trang thiết bị, vật liệu xây dựng, nhà thầu thi công để có các sản phẩm cạnh tranh, tối ưu về chi phí; các tư vấn thiết kế để am hiểu và có kiến thức chuyên môn; các nhà đầu tư, phát triển bất động sản để đưa sản phẩm thực tế đến người sử dụng; và cuối cùng nhưng cũng quan trọng nhất là cộng đồng xã hội để nâng cao nhận thức về các lợi ích của Công trình Xanh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

KTS. Vũ Linh Quang (Công ty Kiến trúc ARDOR Architects) tốt nghiệp Thạc sỹ Kiến trúc Đại học Tổng hợp Melbourne (Úc) năm 2011. Anh là thành viên Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) và thành viên Hội đồng Công trình Xanh Australia (GBCA). 

Một số công trình tư vấn Xanh điển hình đã tham gia:

+ Trung tâm Triển lãm Quy hoạch Thành phố, Quận 2, TP. HCM (LOTUS Gold)

+ Tòa tháp Vingroup Vinhomes Central Park Landmark 81, Quận Bình Thạnh, TP.HCM (LEED Silver)

+ Chung cư Nam Long EHome 5 The Bridgeview Quận 7, TP. HCM (EDGE)

+ Chung cư Nam Long Flora Fuji và Flora Kikyo, Quận 9, TP. HCM (EDGE)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top