Aa

“Công trình Xanh không phải là những công trình đắt tiền”

Thứ Sáu, 26/05/2017 - 06:30

Đó là đánh giá của TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên, Đại học Kiến trúc Hà Nội xoay quanh câu chuyện phát triển Công trình Xanh ở Việt Nam hiện nay.

TS. Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Kiến trúc Nhiệt đới, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Kiến trúc Nhiệt đới.

PV: Ông đánh giá như thế nào về hiện trạng phát triển Công trình Xanh ở Việt Nam hiện nay?

TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Dựa trên nhu cầu sống xanh ngày càng cao, phát triển đô thị xanh đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Ở Việt Nam, xu hướng này có từ 5 năm trở lại đây và ngày càng nở rộ. Năm 2016 và đầu năm 2017, thị trường BĐS bùng nổ sự xuất hiện các đô thị xanh với những dự án mang tên gọi khác nhau cùng với các cụm từ gắn với yếu tố xanh như Eco, Green, Park, Lake View… 

Phát triển Công trình Xanh ở Việt Nam hiện nay cũng đã có những bước tiến rõ ràng, những Công trình Xanh xuất hiện liên tục và có số lượng tăng nhanh trên toàn quốc, đặc biệt nhận thức về Công trình Xanh cũng phần nào được cải thiện, không đơn thuần hiểu đô thị xanh là đô thị có nhiều công viên, cây xanh, mặt nước như trước đây. Tuy nhiên so với trên thế giới, việc phát triển Công trình Xanh ở nước ta còn chậm, số lượng Công trình Xanh còn đếm trên đầu ngón tay. Cho đến thời điểm hiện tại, trên cả nước mới có hơn 100 công trình đăng ký đánh giá và đạt chứng chỉ Công trình Xanh.

PV: Hiện nay trên thế giới đã xuất hiện nhiều hệ thống chứng chỉ đánh giá Công trình Xanh quốc tế khác nhau như Lotus, Leed, Green Star, Green Mark... Theo ông, các công trình ở Việt Nam thích hợp với hệ thống đánh giá nào? Ông thể giải tại sao?

TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Một hệ thống chứng chỉ đánh giá Công trình Xanh được xây dựng trên bối cảnh điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và kỹ thuật của Việt Nam, có thể thực hiện bởi các chuyên gia Việt Nam là thích hợp nhất. Trong danh sách được nêu ở trên, tôi cho rằng hệ thống chứng chỉ đánh giá Công trình Xanh Lotus sẽ phù hợp với các công trình ở Việt Nam. Hệ thống này đã trải qua quá trình nghiên cứu lâu dài, với sự tham vấn của các chuyên gia dựa trên sự tính toán, cân nhắc đặc biệt đến tình hình kinh tế, điều kiện tự nhiên cũng như các tiêu chuẩn và quy định hiện hành tại Việt Nam.

PV: Rất nhiều chủ đầu tư quảng cáo dự án của mình là Xanh để thu hút khách hàng. Trước những ma trận quảng cáo như vậy, theo ông, người tiêu dùng nên dựa vào đâu để biết dự án mình mua chuẩn Xanh?

TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Hiện nay, để phục vụ phần lớn mục đích bán hàng, nhiều dự án chung cư gắn mác "xanh" được thiết kế không theo tiêu chuẩn xanh nào. Một số dự án có thể có cây xanh hay hồ nước và dùng các đặc điểm cảnh quan này làm minh họa cho tính xanh của dự án. Tuy nhiên, người mua nhà ít khi biết được thiết kế của các dự án này, cũng như thiết bị, vật liệu được sử dụng nên rất khó đánh giá được độ xanh của dự án.

Cho nên, trước những ma trận quảng cáo về dự án Xanh, tôi cho rằng, người tiêu dùng nên dựa trên những số liệu định lượng được như là đóng góp cho môi trường, tiết kiệm năng lượng, giảm tiêu thu nước, sử dụng vật liệu hiệu quả… của dự án. Những số liệu này được tính toán và công bố bởi các đơn vị cấp chứng nhận Công trình Xanh độc lập và qui trình đánh giá minh bạch.

PV: Hiện nay có rất ít dự án nhà ở giá thấp và trung bình được đầu tư làm Công trình Xanh, trong khi đây lại chính là phân khúc có số người sử dụng nhiều nhất. Theo ông, cần có yếu tố nào để thay đổi quan điểm và có hành động về Công trình Xanh tại dự án nhà ở giá thấp và trung bình. Liệu “rẻ có xanh” được không?

TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Để đạt được hiệu quả thực sự đóng góp cho môi trường, cho xã hội, Công trình Xanh cần hướng đến những phân khúc có số lượng người sử dụng nhiều như nhà ở. Công trình Xanh cần tiếp cận trong điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và kỹ thuật phù hợp. Thực tế cho thấy Công trình Xanh không phải là những công trình đắt tiền.

Việc xây dựng Công trình Xanh chỉ tạo ra một khoản chi phí nhỏ ở giai đoạn xây dựng nhưng không hề phát sinh chi phí ở giai đoạn vận hành và bảo hành.

Mặt khác, mô hình này lại mang tới những khoản lợi nhuận hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và hàng năm cho chủ đầu tư. Do đó, số tiền đầu tư ban đầu sẽ được hoàn lại nhanh chóng cùng những khoản thu về hậu hĩnh.

Bên cạnh đó, những tòa nhà Xanh lắp những pin năng lượng mặt trời phục vụ cho việc chiếu sáng công cộng sẽ tiết kiệm được 40% điện năng của các hệ thống chiếu sáng những nơi công cộng tại dự án, tòa nhà. Ngoài ra, khi đưa công nghệ Xanh vào sẽ làm giảm thiểu các chi phí, hạn chế bức xạ của mặt trời. Điều này giúp người sống và làm việc tại dự án trên giảm được việc sử dụng điều hòa, tiết kiệm chi phí.

Thực tế cho thấy Công trình xanh không phải là những công trình đắt tiền.

Thực tế cho thấy Công trình Xanh không phải là những công trình đắt tiền.

PV: Có ý kiến cho rằng, Công trình Xanh có thể tiết kiệm 50% tiêu thụ năng lượng so với thiết kế ban đầu mà không làm tăng chi phí. Lợi ích rõ ràng nhất của Công trình Xanh là giảm chi phí vận hành (chi phí vận hành thường chiếm hơn 80% chi phí đầu tư), làm gia tăng giá trị tài sản; mức hoàn vốn đầu tư nhanh chóng. Tuy nhiên, vẫn không có nhiều chủ đầu tư làm Công trình Xanh. Liệu có điều gì mâu thuẫn hoặc vướng mắc ở đây không, thưa ông?

TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Hiện tại, không nhiều chủ đầu tư làm Công trình Xanh bởi giới hạn của nhận thức, của chính sách… Nhận thức và chính sách còn trong tầm nhìn hướng tới lợi ích ngắn hạn chứ không phải dài hạn. Ví dụ như nhiều người còn lầm tưởng rằng, Công trình Xanh là những công trình có nhiều cây xanh, có giá thành cao, hay là những công trình chỉ do Chủ đầu tư hoặc lãnh đạo chính quyền địa phương quyết định.

Thực tế, Công trình Xanh không chỉ nằm ở giai đoạn đầu tư hay phụ thuộc vào ý tưởng của kiến trúc sư và ý chí chủ quan của chủ đầu tư. Việc tạo ra một Công trình Xanh đòi hỏi sự kết hợp rất nhiều khâu và phụ thuộc vào ý thức của rất nhiều chủ thể tham gia. Việc một chủ thể bằng lợi ích cá nhân tham gia sẽ không đảm bảo sự thành công của dự án. Bởi lẽ Công trình Xanh thực sự không chỉ dựa vào các tiêu chí đánh giá trên giấy, bản thân các tiêu chí đánh giá này cũng chỉ đúng và có giá trị tại thời điểm đánh giá. Việc vận hành Công trình Xanh là một quá trình kéo dài, có sự tham gia và ảnh hưởng rất lớn của những người sử dụng và vận hành sau này.

PV: Theo ông, việc phát triển Công trình Xanh với nhà ở thu nhập thấp còn chậm là do đâu? Để thúc đẩy phát triển những Công trình Xanh trong phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình nói riêng, ngành xây dựng trong nước nói chung hướng tới sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên, Nhà nước cần có những biện pháp, chính sách hỗ trợ nào, thưa ông?

TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Nhà ở thu nhập thấp là dạng công trình khá đặc thù. Để thúc đẩy phát triển Công trình Xanh cho dạng công trình này, Nhà nước cần ban hành những tiêu chuẩn, qui chuẩn đinh hướng cho công tác thiết kế và xây dựng. Bên cạnh đó cần có những chính sách hỗ trợ khuyến khích các chủ đầu tư hướng tới Công trình Xanh như về thuế, về đất, về số tầng cao… một cách linh hoạt và dễ áp dụng.

Để trào lưu Kiến trúc Xanh được phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn ở Việt Nam, việc tổng kết và rút ra bài học kinh nghiệm sau mỗi một giai đoạn phát triển là vô cùng quan trọng. Trong quá trình hội nhập với các trào lưu tiên tiến của thế giới, chúng ta vừa phải làm, vừa phải thử nghiệm và phải học hỏi. Do đó, nếu có sai lầm thì việc nhìn lại mình, điều chỉnh cách làm cũng như tư duy định hướng sẽ làm cho công cuộc sáng tạo ra các tác phẩm Kiến trúc Xanh của giới kiến trúc sư được đúng đắn hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top