PV: Năm 2017, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu quan tâm thực sự tới Công trình Xanh. Chúng ta có thể thấy một loạt những chương trình hội thảo, ký kết, tài trợ của các doanh nghiệp chung tay làm bất động sản xanh. Là một chuyên gia giàu kinh nghiệm về lĩnh vực này, theo KTS. Vũ Linh Quang, trong năm 2018, việc cần làm nhất trong chương trình phát triển Công trình Xanh ở Việt Nam là gì để tạo nên "cú hích" lớn?
KTS. Vũ Linh Quang: Trong năm 2017, nhờ báo chí - truyền thông, hội thảo chuyên ngành và sự tham gia của các đơn vị cung cấp vật liệu, trang thiết bị xanh, nhận thức của cộng đồng chuyên môn và xã hội về Công trình Xanh đã cao hơn rất nhiều.
Theo tôi, trong lĩnh vực tư nhân, các sở, ban, ngành cần phê duyệt những chính sách hỗ trợ liên quan đến công trình được thiết kế, xây dựng thân thiện môi trường và đạt chứng nhận Công trình Xanh.
Phân khúc nhà xưởng, nhà máy xanh đã đẩy mạnh việc lấy chứng chỉ xanh như LEED để xuất khẩu. Tuy nhiên, các phân khúc khác như chung cư, văn phòng, khách sạn… vốn tiêu thụ nhiều điện, nước và vật liệu thì cần sự hỗ trợ ban đầu.
Trong lĩnh vực nhà nước, các công trình công cộng, có nguồn vốn ngân sách nhà nước cần có lộ trình bắt buộc thực hiện các giải pháp Kiến trúc Xanh, thân thiện môi trường. Trung bình việc tiết kiệm điện, nước và nguyền tài nguyên thiên nhiên trên 20%, sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho quốc gia.
PV: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã hiểu được giá trị của Công trình Xanh nên đã có chiến lược đẩy mạnh phát triển dự án bất động sản xanh. Là người trực tiếp tham gia tư vấn, thực hiện các dự án xanh cho doanh nghiệp, anh thấy khó khăn nhất thường nằm ở khâu nào?
KTS. Vũ Linh Quang: Các tư vấn Công trình Xanh được tham gia nhiều loại hình công trình xây dựng khác nhau, từ quy mô nhà ở đơn lẻ cho đến các công trình chung cư cho hàng trăm cư dân sinh sống. Ở góc độ tư vấn, khó khăn nhất là việc thuyết phục các tư vấn thiết kế điều chỉnh, thậm chí phải thay đổi hoàn toàn thiết kế, theo các tiêu chí đánh giá Công trình Xanh của quốc tế.
Ở đây không phải đơn thuần về góc độ chuyên môn, mà bất kỳ điểu chỉnh thay đổi nào đều ảnh hưởng đến tiến độ, chi phí dự án cũng như các vấn đề khác liên quan phê duyệt, thẩm định hồ sơ bản vẽ. Nếu các tư vấn Công trình Xanh được tham gia ngay từ giai đoạn thiết kế ý tưởng, các bên sẽ có nhiều thời gian hơn để mang lại một Công trình Xanh thật sự.
PV: Nhu cầu thi Công trình Xanh đang tăng lên trong thời gian vừa qua. Các nhà thầu Việt Nam hiện tại đã đáp ứng được yêu cầu xây dựng các dự án xanh chưa thưa ông?
KTS. Vũ Linh Quang: Các nhà thầu lớn tại Việt Nam hiện tại đã hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu xây dựng các công trình xanh. Thực tế, chúng ta đã có hơn 70 công trình được xây dựng theo các tiêu chí xanh khác nhau của LEED, LOTUS, GREEN MARK, EDGE, HQE, DGNB,…
Các tiêu chí Công trình Xanh phần lớn chỉ đòi hỏi nhà thầu phải cam kết quá trình xây dựng không được gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh, có các chính sách quản lý phế thải xây dựng, đảm bảo sức khỏe của cán bộ công nhân viên trên công trường và có các biện pháp xử lý cụ thể khi có sự cố ảnh hưởng đến môi trường.
PV: Còn thị trường vật liệu xanh ở Việt Nam liệu đã đáp ứng mức độ nào nhu cầu phát triển Công trình Xanh?
KTS. Vũ Linh Quang: Trong vài năm gần đây, thị trường vật liệu xanh đã rất đa dạng các sản phẩm mang nhãn xanh với các chứng nhận quốc tế để chứng minh thông số kỹ thuật, chất lượng và sự thân thiện với môi trường.
Một số các sản phẩm để đáp ứng đúng theo các yêu cầu tiêu chuẩn Công trình Xanh thì chi phí còn cao do phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn, phần lớn là vật liệu nhập khẩu nên việc áp dụng còn hạn chế.
Tín hiệu vui là nhiều loại vật liệu xanh trong nước, đánh giá theo tiêu chí vật liệu tái tạo, vật liệu địa phương, vật liệu tái sử dụng, tái chế đã phổ biến hơn các năm trước. Việc làm Công trình Xanh không còn khó khăn như 5 năm trước.
PV: Để nhìn một cách tổng quan, ông có thể đánh giá phần yếu và thiếu nhất khi triển khai các Công trình Xanh ở Việt Nam là gì?
KTS. Vũ Linh Quang: Việc triển khai Công trình Xanh cần sự tham gia của tất cả các bên: chủ đầu tư, quản lý dự án, tư vấn thiết kế, nhà thầu cung cấp vật liệu, quản lý vận hành, người sử dụng, và ngay cả bộ phận marketing dự án. Do vậy, các bên phải cùng nhau có những định hướng cụ thể về Công trình Xanh ngay từ ban đầu để có kế hoạch dự trù kinh phí, nhân sự và tiến độ triển khai.
Gần như phân nửa các dự án bất động sản xanh Việt Nam đều gặp những khó khăn này và làm với tiến độ rất gấp tại giai đoạn Thiết kế thi công, nên khi gặp trở ngại họ thường muốn tạm dừng việc lấy chứng chỉ Công trình Xanh.
Công trình càng phức tạp, các tư vấn xanh càng phải tham gia càng sớm và là một phần không thể tách rời của ê kíp triển khai dự án.
PV: Xin cảm ơn chuyên gia đã chia sẻ!