Nằm ở phía Tây Hà Nội, dự án khu đô thị Kim Chung – Di Trạch có diện tích hơn 170 ha. Từng được kỳ vọng là khu đô thị hiện đại, cao cấp ở Hà Nội thế nhưng sau nhiều năm, dự án này vẫn trong tình trạng hỏ hoang.
Cả trăm căn biệt thự liền kề mới chỉ hoàn thiện phần thô, chưa có người ở. Xung quanh các bãi đất trống rộng hàng hec-ta cỏ mọc um tùm, có chỗ cao cả mét. Tận dụng phần đất này, nhiều hộ dân ở các khu vực lân cận đã tiến hành chăn thả gia súc, kiếm thêm thu nhập.
Trong tháng 9/2016, PV Reatimes có mặt tại Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch, không khỏi bất ngờ khi gặp một đàn trâu đang được người chăn lùa vào một căn biệt thự liền kề để nghỉ trưa.
Đàn trâu gần 40 con "chơi sang" này của gia đình bà Nguyễn Thị Nghĩa (60 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội).
Theo chia sẻ của bà Nghĩa, nhà bà cách khu đô thị Kim Chung khoảng 2km nhưng hàng ngày bà đều lùa đàn trâu đến đây chăn thả. Tận dụng không gian của căn biệt thự bỏ hoang này, bà lùa trâu vào để tiện trông coi và nghỉ trưa.
Đàn trâu được quản lý dễ dàng bởi những bức tường thô.
Cả điện diện tích tầng 1 của một căn biệt thự liền kề trở thành chuồng trâu lý tưởng.
Trước đây, gia đình bà Nghĩa sống chủ yếu dựa vào thu nhập của việc trồng lúa và nuôi gia cầm. Cách đây 6 năm trong một lần tình cờ đi qua đây, thấy bãi đất rộng lại bỏ hoang, tiếc của bà về bàn với chồng đầu tư nuôi trâu làm kinh tế.
Để tiết kiệm thời gian nuôi, bà Nghĩa thường tìm mua các loại trâu nhỏ về chăn thả, sau khoảng 8 tháng –1 năm thì bắt đầu xuất chuồng.
Theo bà Nghĩa, một con trâu nhỏ khi mua có giá từ 7 – 12 triệu nếu không ốm đau, sau một năm nuôi cũng bán được khoảng 25 triệu đồng.
Mỗi ngày bà Nghĩa thường chăn thả đàn trâu 2 lần và thời gian nghỉ trưa của đàn trâu tại đây thường từ khoảng 11h đến14h.
Sau đó, đàn trâu lại được chăn thả phía ngoài và lùa về nhà khi trời tối.
Bà Nghĩa cho biết, đàn trâu của mình chủ yếu là trâu thương phẩm, cung cấp thịt cho các quán ăn trên địa bàn Hà Nội.
“Thức ăn của đàn trâu hoàn toàn là cỏ mọc tự nhiên nên tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn. Hơn nữa, việc nuôi trâu theo hình thức chăn thả khiến thịt chắc ngọt, khi bán cũng được giá mà thương lái ai cũng đều thích cả”, bà Nghĩa nói.
Qua mỗi lứa bán, bà Nghĩa lại trích một phần tiền lãi để đầu tư mua thêm. Cứ thế, hiện giờ số lượng đàn trâu của gia đình đã lên tới hàng chục con, tính sơ sơ cũng có giá lên tới cả tỷ đồng. Tuy nhiên, việc chăn thả tuy tiết kiệm chi phí nhưng lại rất vất vả và mất nhiều thời gian. “Dù mưa hay nắng lúc nào cũng phải có người lùa đi chăn và trông chừng. Chúng quen ăn thả nên nuôi nhốt dễ còi cọc, không phát triển" - bà Nghĩa cho hay.
Kỳ 2: Những căn biệt thự ‘ma’ tan hoang, lạnh lẽo