Nhắc đến tên các dự án bất động sản được coi là khó nhớ nhất, nhiều khách hàng sẽ nhớ ngay đến những dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Chủ đầu tư này sở hữu một loạt những dự án tại những khu đất vàng ở Hà Nội như D’. Palais de Louis (Quảng An), D’. Le Pont D’or (Hoàng Cầu), D’. Palais De Louis (Nguyễn Văn Huyên), D’. San Raffles (Hàng Bài) và gần đây nhất có thêm D'. Le Jardin Du Luxembourg (Trần Duy Hưng)... Đây đều là những dự án mà trên nhiều diễn đàn, khách hàng cũng như các nhân viên môi giới đều nhận định là "méo miệng" mới có thể đọc được.
Trong cuộc họp cung cấp thông tin về tiến độ loạt dự án của Tân Hoàng Minh, nhiều lần khách hàng đã đứng lên yêu cầu đại diện chủ đầu tư phát âm mẫu một cách chính xác tên các dự án. Lý do được người mua đưa ra là vì dự án có tên tiếng Pháp quá dài và khó phát âm. Khách hàng này cũng cho biết, anh không thể hiểu hết ý nghĩa của tên dự án nên đề nghị chủ đầu tư "phiên dịch" luôn cho dễ nhớ.
Tại không ít buổi mở bán dự án của chủ đầu tư này, nhiều khách hàng cũng cho biết không thể phát âm chính xác được tên các dự án. Để phân biệt các dự án, nhân viên môi giới hoặc khách hàng thường gọi theo địa điểm.
Tuy không khó khăn trong việc gọi tên song anh Quân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại gặp một tình huống dở khóc dở cười khác với mác tên Tây của tòa chung cư gia đình anh đang sinh sống. Khi mua căn hộ chung cư này và làm thủ tục chuyển hộ khẩu cho cả gia đình từ quê lên địa chỉ nhà mới, tuy nhiên cán bộ hộ khẩu tại địa phương cũng không thể ghi một cách chính xác tên tòa chung cư bằng tiếng Anh do quá dài và khó nhớ. Anh Quân sau đó cũng gặp không ít phiền phức trong quá trình chuyển hộ khẩu.
Tình trạng đặt tên "ngoại" quá dài cũng xảy ra tại nhiều dự án tại TP HCM từ phân khúc chung cư cho đến căn họ cho thuê hay trung tâm thương mại như Angela Boutique Serviced Residence (quận 3), Dragon Hill Residence and Suites (quận 7), River Garden Executive Residences (quận 2), New Generation Apartment (quận 1), The Era Royal Plaza (quận 7), Somerset Chancellor Court (quận 1) hay Centana Grand Saint Simeon (Vũng Tàu)...
Không chỉ khiến khách hàng "méo miệng" hoặc gặp những tình huống dở khóc dở cười mà nhiều chủ đầu tư cũng gặp không ít phiền phức khi đặt tên ngoại cho dự án.
Năm 2013, Hà Nội từng dấy lên trường hợp 2 dự án trùng tên Golden Palace của Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh vốn đã được đăng ký nhãn hiệu với công ty đến sau là Công ty cổ phần Đầu tư & Xây dựng HUD3. Sự việc này khiến Công ty Mai Linh phải nhờ văn phòng luật sư và Viện Khoa học sở hữu trí tuệ vào cuộc để giành lại nhãn hiệu "Golden Place". HUD3 sau đó đã phải tìm tên khác cho dự án của mình.
Tại một cuộc hội thảo, ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng tên dự án chính là một phần thương hiệu, thể hiện đẳng cấp của chủ đầu tư cũng như dự án đó. Đại diện Tân Hoàng Minh cũng nhiều lần lý giải, tên những dự án của Tập đoàn đều thể hiện đẳng cấp riêng, sự khác biệt của phân khúc mà chủ đầu tư này đang triển khai.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, trên thực tế, tình trạng tên dự án quá dài, khó nhớ, cũng khiến khách hàng đôi khi không thể gọi tên chính xác tòa nhà mình đã mua hoặc đang ở nên việc lan tỏa thương hiệu chưa chắc đã hiệu quả. "Đó là chưa kể nhiều dự án còn đặt tên khó hiểu, thậm chí vô nghĩa hoặc na ná nhau. Điều đó về lâu dài có tác động không tốt tới thương hiệu cũng như uy tín, hiệu quả kinh doanh của chủ đầu tư", ông Hùng nhận định.
Việc đặt tên ngoại cho dự án bất động sản từng được đưa ra bàn luận sôi nổi hồi năm 2013. Khi đó, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi do Bộ Xây dựng đề xuất từng đưa vào quy định tên của dự án phát triển nhà ở phải sử dụng bằng tiếng Việt và không được viết tắt. Tuy nhiên, đề xuất này sau đó đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều bởi đó là tên thương mại của dự án mà đôi khi tiếng Việt không thể hiện hết những yêu cầu mà chủ đầu tư đặt ra. Do đó, quy định này sau đó không được đưa vào bộ Luật mới ban hành.