Aa

Kỳ 1: “Dùng dằng” chuyện giải phóng mặt bằng

Thứ Sáu, 06/05/2022 - 13:15

Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò được khởi công trong tháng 4/2022, dự kiến hoàn thành vào 30/6/2023. Hiện tại, vấn đề giải phóng mặt bằng là nỗi lo lớn nhất và là trở ngại quan trọng...

Lời tòa soạn: Sông Cổ Cò dài 28km, chạy song song bờ biển, nối từ cửa Hàn (TP. Đà Nẵng) đến Cửa Đại (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam). Cổ Cò là con sông kết nối giao thương giữa 2 cảng thị lớn: Đà Nẵng và Hội An trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, theo thời gian dòng sông này đã bị bồi lấp. Năm 2016, dự án khơi thông, nạo vét sông Cổ Cò được lãnh đạo hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng cùng thống nhất hợp tác triển khai để tạo động lực phát triển liên vùng, khôi phục lại giá trị của dòng sông trước đây.

Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò trên địa phận tỉnh Quảng Nam có chiều dài 19,5km, được đầu tư với tổng vốn được duyệt là 1.545 tỷ đồng và thực hiện thành 2 đoạn. Đoạn 1 từ Km0 (Cửa Đại, TP. Hội An) đến Km14+00 (P. Điện Dương, TX. Điện Bàn) gồm: Nạo vét luồng sông dài 14km và xây dựng 2 cầu qua sông (cầu Ông Điền và cầu Nghĩa Tự) với tổng mức đầu tư là 850 tỷ đồng (từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; nguồn vốn địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác), trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 237,8 tỷ đồng. Dự án này được triển khai thực hiện theo Quyết định số 3259/QĐ-UBND ngày 31/10/2018 của UBND tỉnh Quảng Nam và được khởi công từ 30/7/2020, dự kiến hoàn thành vào ngày 5/7/2022. Đoạn 2 của dự án được thực hiện từ Km14 (P. Điện Dương, TX. Điện Bàn) - Km19+456 (P. Điện Ngọc, TX. Điện Bàn) được đầu tư xây dựng theo Quyết định số 3305/QĐ-UBND ngày 26/11/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam với quy mô nạo vét luồng sông dài 5,5km đến giáp địa phận TP. Đà Nẵng và xây dựng 1 cầu qua sông (Cầu thôn 3).

Dự án được khởi công trong tháng 4/2022 và dự kiến hoàn thành vào ngày 30/6/2023. Hiện tại, vấn đề giải phóng mặt bằng là nỗi lo lớn nhất và là trở ngại quan trọng làm tiến độ thi công bị chậm trễ...

Trên tinh thần nghiên cứu, thông qua thu thập tài liệu và khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Khơi thông dòng sông Cổ Cò ở Quảng Nam

Kỳ 1: “Dùng dằng” chuyện… giải phóng mặt bằng

Trân trọng giới thiệu đến độc giả!

Cầu Ông Điền bắc qua sông Cổ Cò đã được thông xe kỹ thuật.

Sông Cổ Cò: Động lực phát triển đồng bộ cho vùng Đông

Cơ sở hạ tầng giao thông của vùng Đông Quảng Nam trong nhiều năm trở lại đây đã được đầu tư đồng bộ và đây cũng là điều kiện tiên quyết, giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của vùng.

Các tuyến đường giao thông huyết mạch đi qua hầu hết các địa phương của vùng như Quốc lộ 1A, tuyến đường ven biển Võ Chí Công kết nối với TP. Đà Nẵng ở phía Bắc và Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) ở phía Nam được xem như là “xương sống” của khu vực.

Cùng với đó, Cảng hàng không Chu Lai đang được xem xét quy hoạch, đầu tư xây dựng trở thành cảng hàng không quốc tế đạt tiêu chuẩn cấp 4E vào giai đoạn 2021 - 2030 và đến năm 2050 thành cảng hàng không quốc tế cửa ngõ với quy mô sân bay cấp 4F, công suất phục vụ 40 triệu hành khách/năm.

Những khu đô thị, khu du lịch nghỉ dưỡng đã và đang hình thành ven sông Cổ Cò.

Ngoài ra, với việc triển khai dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò, tiếp đến là nạo vét, khơi thông sông Trường Giang (sông Cổ Cò và sông Trường Giang cùng chạy song với với đường bờ biển), vùng Đông Quảng Nam sẽ được phát triển thêm loại hình giao thông đường thủy, góp phần đa dạng hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, từ đó tạo ra nhiều nguồn lực hơn cho sự phát triển của vùng.

Với sông Cổ Cò, khi được hoàn tất việc nạo vét, khơi thông sẽ giúp kết nối hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam, hỗ trợ phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch đường sông; tạo thêm giao thông đường thuỷ, phục vụ cho việc vận chuyển hàng hoá, đi lại, giảm tải cho đường bộ. Cùng với đó là tạo động lực phát triển đô thị 2 bên dòng sông và khu vực; tăng cường khả năng thoát lũ khu vực phía Đông của TX. Điện Bàn và TP. Hội An. Ngoài ra, khơi thông sông Cổ Cò sẽ góp phần trả lại giá trị về văn hoá, lịch sử của dòng sông, của thương cảng ngày xưa, trong đó có thương cảng Hội An.

Theo định hướng phát triển, sông Cổ Cò có vai trò quan trọng không chỉ về mặt cảnh quan mà còn thúc đẩy phát triển đô thị, du lịch nghỉ dưỡng. Nhiều khu vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, biệt thự ven sông, làng du lịch cộng đồng sẽ sớm được hình thành dọc theo 28km đường sông. Trên thực tế, hai bên sông Cổ Cò (thuộc địa phận Quảng Nam) đã và đang hình thành những chuỗi đô thị ven sông, các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái... tạo nên đặc trưng của khu vực đang trong quá trình chuyển mình mạnh mẽ và bước vào giai đoạn phát triển mới.

Thế nhưng, việc tuyên truyền, vận động để đại bộ phận người dân trong vùng dự án bị ảnh hưởng tự nguyện di dời, nhận bồi thường, hỗ trợ chưa được triển khai đồng bộ; công tác kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn chưa sâu sát, hời hợt khiến nhiều người dân so bì, dẫn đến việc ngăn trở, không bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công. Nếu công tác giải phóng mặt bằng dùng dằng, dây dưa thì dự án sẽ chậm tiến độ, kéo theo nhiều hệ lụy khác...           

Nhiều kiểu vướng mắc về giải phóng mặt bằng

Điển hình là sự việc 9 hộ dân tại khối Hà My Đông A, phường Điện Dương, TX. Điện Bàn đã gửi đơn kiến nghị đến lãnh đạo tỉnh Quảng Nam bày tỏ sự không đồng tình về việc xác định nguồn gốc đất để áp giá bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò (từ Km9+500 – Km14) đoạn qua P. Điện Dương, TX. Điện Bàn.

Theo đó, các hộ dân này cho rằng các cơ quan chức năng đã xác định sai về nguồn gốc sử dụng đất đối với các thửa đất ruộng lúa mà các hộ dân đang canh tác, sử dụng ổn định từ năm 1993 đến nay. Tuy nhiên, trong hồ sơ thì các cơ quan chức năng lại xác định nguồn gốc các thửa đất trên là đất của UBND phường Điện Dương quản lý. Các hộ dân này cho biết trong khi các thửa đất ruộng khác nằm ở vị trí lân cận hoặc xen giữa các thửa đất ruộng của họ thì lại được xác định có nguồn gốc là đất khai hoang thì các thửa đất mà các hộ dân đang canh tác cũng tương tự nhưng lại được xác định có nguồn gốc do UBND phường Điện Dương quản lý.

“Việc xác định không đúng nguồn gốc đất như trên đã gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của các hộ dân chúng tôi. Ở đây chính là số tiền bồi thường, hỗ trợ rất thấp, không giống như các hộ dân khác”, ông Trương Tới, một trong 9 hộ dân viết đơn kiến nghị, cho biết.

Nhiều vướng mắc gặp phải trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án.

Được biết, việc xác định nguồn gốc đất nông nghiệp để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò thực hiện kê khai theo Nghị định 64 của Chính phủ. Theo đó, năm 1995, UBND phường Điện Dương đã tiến hành kê khai tất cả diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn. Nhưng vì diện tích đất 5% nằm xen kẽ với diện tích đất khai hoang nên lẫn lộn khi người dân tiến hành sản xuất, dẫn đến những kiến nghị, khiếu nại của người dân như trên.

Ngoài ra, theo Trung tâm Phát triển Quỹ đất TX. Điện Bàn, có thể kể đến một số khó khăn, vướng mắc gặp phải khi thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng như trong quá trình kê khai, kiểm đếm hiện trạng, nhiều hộ dân không thể xác định được thửa đất của mình do bỏ lâu năm, không canh tác sản xuất, hiện trạng đã bị người khác tự ý sử dụng; một số hộ kiến nghị diện tích đất bị thiếu so với hiện trạng sử dụng, đề nghị đo đạc lại; nhiều thửa đất xảy ra tranh chấp giữa các hộ; nhiều hộ dân đã viết giấy tay bán đất nông nghiệp cho một số cá nhân khác nên theo hồ sơ đo đạc không thể kiểm kê…

Đối với diện tích đất đã lập phương án bồi thường, nhiều hộ đề nghị bố trí lại đất tái định cư khi thực hiện việc thu hồi đất đối với đất nông nghiệp. Nhiều hộ có đất nằm trong các dự án đô thị ven 2 bên sông Cổ Cò ảnh hưởng cùng lúc nhiều dự án không đồng ý nhận tiền vì thửa đất sau khi thu hồi diện tích còn lại nhỏ. Có nhiều hộ bị ảnh hưởng từ 2 - 3 dự án, mỗi dự án thu hồi 1 ít diện tích nhỏ lẻ, diện tích còn lại nằm ngoài vệt dự án (trong khoảng hở giữa dự án khu đô thị và dự án sông Cổ Cò) chưa được đền bù, người dân đề nghị các thửa đất phải được đền bù dứt điểm 1 lần và nhận tiền 1 lần, không phân chia ra nhiều dự án làm giảm tỷ lệ phần trăm mất đất <15% (người dân không được hỗ trợ)…

Đến nay các hộ dân này vẫn chưa đồng ý với phương án bồi thường. Ông Nguyễn Văn Tri, Phó Chủ tịch UBND phường Điện Dương cho biết địa phương đã nhiều lần phối hợp với thị xã và các cơ quan chức năng tổ chức đối thoại, tuyên truyền, giải thích và vận động để người dân hiểu, đồng tình với phương án bồi thường nêu trên, tuy nhiên vẫn không mang lại kết quả. Thời gian tới, phường sẽ tiếp tục chủ trì, đối thoại, nếu các hộ không thống nhất thì các cơ quan, ban ngành sẽ tham mưu ban hành quyết định cưỡng chế, thu hồi đất.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top