Quảng cáo một đằng, thực tế một nẻo
Những năm gần đây, công trình xanh đang dần trở thành xu thế bất động sản được quan tâm. Nắm bắt được điều này, nhiều nhà đầu tư đã và đang hướng tới yếu tố “xanh” trong chiến lược marketing nhằm thu hút khách hàng mua. Nhưng liệu thực tế có giống như lời quảng cáo hay chỉ là chiêu trò lừa khách?
Một số chung cư mặc dù gắn mác xanh ngay từ tên gọi: garden (vườn), green (xanh), eco (sinh thái)... nhưng lại thiếu đi yếu tố xanh, đặc biệt là không gian xanh khi xây dựng thực tế. Theo khảo sát, trong số này có thể kể đến một số dự án như Thăng Long Garden (250 Minh Khai), Capital Garden (102 Trường Chinh )…
Theo quảng cáo, Thăng Long Garden giới thiệu mật độ xây dựng chỉ 35%, cư dân sẽ được tận hưởng tối đa các không gian xanh và tự nhiên để “nâng cao chất lượng không gian sống”. Thực tế, theo ghi nhận của phóng viên, công trình chỉ xuất hiện một vài cây xanh ở không gian đối diện cổng vào và trước các tòa nhà A2, A3. Khu đất bên cạnh và sau các tòa nhà này chỉ là lối đi trống với các bãi cỏ mọc um tùm, không có cây xanh; hoặc là những bãi đất trống với sỏi đá, thùng rác, rác thải; hoặc là chỗ đỗ cho ô tô.
Theo phản ánh từ cư dân, tầng cây xanh đã bị chuyển đổi thành tầng căn hộ để bán. Tầng cây xanh mái trên tầng thượng cũng chưa được hoàn thiện. Cụ thể, khi giới thiệu về tiện ích của chung cư, chủ đầu tư đều có đề cập đến việc dành diện tích tầng 3 để kiến tạo không gian xanh, khu vườn đích thực. Nhưng tầng 3 cho tới thời điểm hiện tại, không xuất hiện bóng dáng của một khu vườn, thay vào đó là những căn hộ đang cho thuê.
Trao đổi với nhân viên một sàn giao dịch của dự án, người này cho biết, không gian xanh của dự án Thăng Long Garden "nhiều hơn các chung cư khác do đây là dự án sinh thái đề cao chất lượng sống của người dân". Song khi được hỏi rằng dự án đã được đơn vị nào chứng nhận yếu tố xanh, hay áp dụng các chứng chỉ xanh nào, công trình sử dụng các loại vật liệu, thiết bị hay giải pháp năng lượng, nước nào... thì nhân viên ngập ngừng không trả lời được và nói rằng "không phải chuyên môn".
Người này còn cho rằng, cứ nhìn dự án nhiều cây xanh là thấy rõ chất lượng của công trình sinh thái. Điều này cho thấy, khái niệm về công trình xanh ở nước ta vẫn còn là điều rất mù mờ. Ngay cả những người bán hàng chưa hiểu rõ nhưng vẫn tìm mọi cách thuyết phục người mua nhà rằng đó là công trình xanh.
Được biết, ở Việt Nam, hiện mới chỉ có Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC – chứng chỉ LOTUS), Hội đồng Xây dựng Mỹ (chứng chỉ LEED), IFC (chứng chỉ EDGE) là những đơn vị được công nhận có khả năng đánh giá về chất lượng cũng như cấp chứng chỉ xanh cho công trình.
Thiếu hụt ngay từ không gian xanh
Như báo chí từng phản ánh, rất nhiều dự án tự gắn cho mình mác “xanh”, dùng chiêu trò quảng cáo thu hút khách hàng nhưng thực thế chất lượng lại khác xa. Người mua nhà tưởng được ở công trình xanh mà lại không phải. Ghi nhận từ cư dân đang sinh sống tại một số dự án gắn mác xanh mới thấy, không ít người dân đã ăn phải “bánh vẽ” của chủ đầu tư.
Anh Ngọc Anh, dân cư của tòa A3 Thăng Long, cho hay: “Tôi đã ở đây gần 3 năm, cho đến tận bây giờ, khu đất bên cạnh tòa A2, A3 vấn để im ở đó và thiếu cây xanh, vườn”. Anh cũng cho biết khu đất này từ khi anh mới chuyển đến sống đã bị chiếm dụng. Chủ đầu tư dùng khu đất này để cho thuê khu dịch vụ, thương mại. Nhưng sau nhiều vụ việc cư dân phản đối, chủ đầu tư dừng ý định cho thuê khu đất và để nguyên hiện trạng trống không, thiếu không gian xanh như ban đầu.
Câu chuyện về không gian xanh, cây xanh cũng là một vấn đề nhận được nhiều chú ý tại chung cư Capital Garden. Theo lời kể của chị Phương Linh - cư dân của chung cư, sau khi dọn về ở được gần 2 năm mới thấy những yếu tố “xanh” mà nhà đầu tư đưa ra mới nằm “trên giấy”. Chị Linh cho biết: “Nhà đầu tư đã nói và hứa rất nhiều về việc xây dựng khu cây xanh, khu vui chơi, sinh hoạt xanh dành cho cư dân nhưng không chủ động xây. Sau khi nhiều vụ việc, thiếu sót lớn đã phản ánh trên báo chí cùng việc cư dân biểu tình thì họ mới xây khu vui chơi cho trẻ bên cạnh tòa nhà. Bên cạnh đó, hệ thống phòng cháy chữa cháy không được đảm bảo. Thang máy bị loạn không đúng số tầng, muốn lên tầng nào thì phải bấm lệch 3 tầng”.
Một cư dân khác là chị Nguyễn Tuyết, cư dân tại tòa nhà cho hay: “Chúng tôi đã rất vất vả khi tìm mua nhà và những tưởng, khi dọn về đây là chúng tôi mua cả không gian rộng, có cả vườn hoa, cây xanh cho trẻ con và người già vui chơi, đi dạo. Nhưng cuối cùng cái mà chúng tôi nhận được là đến giờ cơ sở hạ tầng thì chưa có, diện tích đất cây xanh, không gian cho trẻ con và người già chơi thì lại bị xây thành các hạng mục công trình kiên cố, xanh đâu chưa thấy chỉ thấy những bức xúc mà chủ đầu tư đem lại”.
Nói về quá trình tìm hiểu mua nhà tại dự án xanh, anh Vũ Anh Tuấn - người đang sống tại một chung cư trên đường Tố Hữu, cho hay: “Trước khi mua nhà, vợ chồng tôi đều có chung suy nghĩ tìm mua nhà phải mua ở dự án có nhiều cây xanh, có vườn, có hồ. Qua tìm hiểu từ các sàn giao dịch, môi giới, tôi thấy hầu hết các dự án đều quảng cáo là dự án xanh, rất gần gũi thân thiện với môi trường, có cây xanh, hồ nước, bể bơi. Giữa 'ma trận' quảng cáo gia đình tôi cũng lo không biết là sau khi hoàn thiện thì chất lượng nhà có đạt được như vậy không. Bởi khi bỏ ra tiền ai cũng rất muốn tìm được một môi trường sống gần gũi, thân thiện, có nhiều cây xanh là tốt rồi, còn các tiêu chí khác của công trình xanh người dân chúng tôi rất khó để nhận biết”.