Những ai đã từng theo dõi quá trình đằng đẵng hàng chục năm trời về “nhiệm vụ chính trị” cải tạo chung cư cũ của Hà Nội mới thấy rằng nó khó như thế nào. Gần như giẫm chân tại chỗ, trong khi, hàng vạn hộ dân luôn luôn sống trong nỗi lo âu; nhiệm vụ bảo đảm an sinh cho người dân của các cấp chính quyền cứ như người đi trên dây, tai họa có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Đó là chưa kể đến những hậu quả khác như phá vỡ cảnh quan đô thị, ô nhiễm môi trường...
Nhắc sơ lại chuyện của Hà Nội để có cách nhìn toàn diện hơn về “chiến dịch xóa sổ chung cư cũ” ở Hải Phòng mà gần đây được dư luận quan tâm. Tôi mạn phép được gọi đây là “chiến dịch xóa sổ” bởi lẽ, với cách làm hiện nay, chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ các chung cư cũ ở Hải Phòng sẽ được thay thế bằng những chung cư mới, an toàn, văn minh và tiện nghi hơn nhiều. Điều mà sau mấy chục năm, Hà Nội vẫn loay hoay tìm giải pháp mà... chưa ra.
Nói như thế có phần oan cho Hà Nội, bởi vị thế và hoàn cảnh của 2 đô thị khác xa nhau. Ngay như gần đây, vào tháng 12/2019, UBND TP. Hà Nội đã quyết định thành lập tổ chuyên gia về cải tạo chung cư cũ, bao gồm các chuyên gia, các nhà quản lý hành chính Nhà nước để nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù của UBND TP; hoàn thiện Đề án cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, trong danh sách các doanh nghiệp tham gia cải tạo chung cư cũ lần này gồm nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn, như: Vingroup, Sun Group, Tập đoàn T&T, FLC, UDIC...
Chẳng hạn, đơn vị khảo sát và lập phương án cải tạo khu tập thể Thủy Lợi là Công ty CP Tập đoàn T&T. Tại đây, hiện có 12 tòa chung cư cũ và 841 nhà liền kề. Tập đoàn T&T cho biết: Với 2 phương án do tư vấn đề xuất đều tuân thủ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành và để đảm bảo hài hòa lợi ích và trách nhiệm của các bên gồm Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Tập đoàn T&T đề nghị UBND TP xem xét chấp thuận phương án 2. Cụ thể, phương án 2 đảm bảo kết nối giao thông; điều chỉnh tăng chiều cao công trình theo quy định hiện nay là tối đa 24 tầng lên 35 tầng; dân số hiện trạng từ 5.335 người lên 8.394 người.
Nhiều năm qua, việc cải tạo chung cư cũ của Hà Nội vẫn gần như giẫm chân tại chỗ. (Ảnh: Internet)
Với khu tập thể Văn Chương, Công ty GP Invest đề xuất phương án 1: Tuân thủ theo quy hoạch phân khu chiều cao 18 tầng và 3 tầng hầm, mật độ xây dựng tối đa 40%, tổng mức đầu tư dự kiến là 3.497 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn thu của dự án là 1.497 tỷ đồng (kinh doanh diện tích thương mại, chỗ đỗ xe tầng hầm, diện tích chung cư sau khi trừ đi tái định cư), do vậy, còn thiếu 2.000 tỷ đồng. GP Invest cho rằng, phương án này không khả thi, không thể thực hiện được. Doanh nghiệp này đề xuất áp dụng phương án 2, nâng tầng cao lên thành 30 tầng và 3 tầng hầm, đồng thời, thành phố giao chủ đầu tư nghiên cứu thực hiện dự án nhà ở tại khu đất khác trong khu vực (dự kiến khu vực nhà máy nước Ngô Sỹ Liên) để tái định cư 1 phần khu tập thể Văn Chương và đảm bảo cân bằng tài chính cho dự án…
Hầu hết các phương án do doanh nghiệp đặt ra đều đề nghị thành phố hoặc là cho nâng cao số tầng, tăng mật độ dân cư, hoặc cấp bù một dự án khác, hoặc chi tiền ngân sách...
Chính vì thế cho đến nay, mọi cánh cửa vẫn chưa hé mở cho Hà Nội trong việc cải tạo toàn diện các chung cư cũ bởi những bài toán đau đầu về vấn đề không được phá vỡ quy hoạch nội đô, về tỷ lệ diện tích thỏa thuận với người dân, về tạm cư và tái định cư, về sự hỗ trợ của Nhà nước, về lợi ích của doanh nghiệp...
Nhưng riêng với Hải Phòng, mọi vấn đề hiện nay có vẻ suôn sẻ và mạch lạc hơn. Với phương thức đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao), Nhà nước sẽ đứng ra đảm bảo lợi ích của các bên liên quan, Hải Phòng hy vọng toàn bộ 205 chung cư cũ với 8.074 căn hộ sẽ được nâng cấp, sửa chữa hoặc phá đi xây lại. Trong đó, có 27 chung cư gồm 1.040 căn hộ cần cải tạo, sửa chữa, nâng cấp; 178 chung cư xuống cấp nghiêm trọng phải phá dỡ, công việc bao gồm di chuyển 7.034 hộ dân để xây lại 18 tòa nhà chung cư mới với tổng số 7.482 căn hộ.
Nếu làm được như vậy, toàn bộ hệ thống chung cư cũ của Hải Phòng sẽ bị “xóa sổ”, và thực tiễn đang chứng minh điều đó. Nhân kỷ niệm 65 năm giải phóng thành phố, ngày 15/5 vừa rồi, Hải Phòng đã tổ chức khánh thành Tòa nhà chung cư HH4 Đồng Quốc Bình có chiều cao 29 tầng với quy mô 728 căn hộ.
Tại đây, tòa nhà được xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, gồm hệ thống điện, cấp thoát nước, PCCC, thông gió, thang máy, thông tin liên lạc… Mỗi căn hộ có hệ thống điều hòa, bình nóng lạnh. Tầng 1 có hệ thống dịch vụ hoàn chỉnh và tiện lợi. Bên cạnh đó, phần tiện ích công cộng với cảnh quan thiên nhiên phong phú, cây xanh thoáng mát trước khuôn viên tòa nhà và lối sảnh đi lại được bố trí thiết kế rộng rãi, phục vụ tiện ích cho người dân sống trong chung cư và khu vực lân cận.
Trong buổi “nhận nhà” này, một cảnh tượng mà ai cũng dễ dàng nhận thấy, người dân nhận nhà vui, doanh nghiệp làm dự án vui, lãnh đạo thành phố vui...
Người dân không vui sao được khi đang cư ngụ tại một khu tập thể xập xệ, cũ nát, nay được ở một căn hộ rộng rãi hơn trong một chung cư văn minh hơn, hiện đại hơn.
Doanh nghiệp không vui sao được khi hoàn thiện một hợp đồng lớn với chính quyền địa phương đúng thời hạn, chất lượng và chắc chắn không bị lỗ.
Lãnh đạo thành phố đương nhiên là vui vì một chiến lược táo bạo về an sinh đã dần trở nên hiện thực, trong khi mà nhiều thành phố lớn khác chưa làm được. Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đã khẳng định, thời gian tới, thành phố xác định việc cải tạo xây dựng lại các khu chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm là nhiệm vụ trọng điểm, phấn đấu đến năm 2024, Hải Phòng sẽ hoàn thành toàn bộ kế hoạch cải tạo xây dựng lại chung cư trên địa bàn thành phố...
Tuy nhiên, cũng như bất cứ một “chiến dịch” nào, những chiến sỹ tiên phong luôn phải sẵn sàng gánh vác mọi rủi ro, nguy hiểm.
Kỳ sau: Liệu có xảy ra sai phạm?