Aa

Kỳ 2: Giải quyết mâu thuẫn lớn giữa nhà quản lý và lợi nhuận nhà đầu tư

Thứ Tư, 07/02/2018 - 06:01

Nếu không tổ chức và quản lý tốt thì rất nhiều khu đô thị mới hiện nay sẽ nhanh chóng trở thành những đô thị có bộ mặt nhếch nhác.

Chúng ta đã từng trải qua một thời kỳ khó khăn về nhà ở, như cả dãy nhà của khu tập thể Nguyễn Công Trứ có đến 7-8 hộ chung một nhà vệ sinh. Lúc đó, quan niệm là “an cư lạc nghiệp”, làm sao đủ chỗ cho mỗi thành viên gia đình. Hiện nay, đời sống người dân đã nâng cao hơn, phấn đấu mua nhà đảm bảo khoảng 20m2/người. Và giờ căn nhà nhỏ nhất cũng đã có không gian vệ sinh riêng, khu ăn uống, nghỉ ngơi riêng...

Bên cạnh đó, xã hội cũng đòi hỏi nhu cầu hòa nhập rất lớn. Hòa nhập cộng đồng không chỉ là diện tích mét vuông nhà ở nữa mà là môi trường sống xung quanh, gồm môi trường cảnh quan, cây xanh, mặt nước. Chiều chiều, các cụ già gặp gỡ đi dạo, các cháu có chỗ vui chơi, tiếp xúc cộng đồng, thậm chí là đồng bộ các khu vui chơi của trẻ con với sân thể thao, sân bóng bàn để các cháu có môi trường tập luyện.

Môi trường sống lý tưởng là môi trường xanh, sạch, đẹp, có môi trường tiếp xúc cộng đồng. Nhưng hiện nay, vấn đề lớn nhất thuộc về trách nhiệm của các nhà quản lý. Ai cũng biết rõ, quy hoạch lúc đầu bao giờ cũng làm đầy đủ như thời kỳ đầu của Linh Đàm, Trung Hòa Nhân Chính... Ai cũng hiểu, với diện tích xây dựng như thế nào thì cần bao nhiêu diện tích đường đi, bao nhiêu cây xanh. Chúng ta đang phấn đấu từ 3-4m2/cây xanh lên đến 12-16m2/cây xanh theo tiêu chuẩn từng khu vực rồi các khu vực nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, bệnh viện, siêu thị, chợ...

Môi

Mật độ xây dựng các tòa nhà chung cư mới, đô thị mới ngày càng tăng. Ảnh: Hồng Vũ.

Quy hoạch không phải không có, chúng ta cũng phân rõ ràng từng khu vực nhưng có một mâu thuẫn rất lớn giữa nhà quản lý và lợi nhuận nhà đầu tư. Các nhà đầu tư bao giờ cũng muốn mật độ xây dựng cao hơn, muốn làm nhà cao tầng hơn vì hiệu quả kinh tế cao. Đương nhiên, lợi nhuận từ 9 tầng sẽ không thể bằng 12-13 tầng, 20 tầng cũng không thể bằng 30 tầng. Các nhà đầu tư đều muốn nhoi lên chiều cao, lấn ra ngoài diện tích, thậm chí các công trình công cộng cũng dần biến chất đi, những khu đất dành cho công cộng hay trường học cũng biến mất.

Những vấn đề đó đòi hỏi cách nhìn của nhà quản lý. Tôi cho rằng, thời gian vừa qua, sai phạm rất nhiều do quản lý không nghiêm dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm chiều cao mà hầu hết, các khu đều mắc phải.

Hệ quả là có tòa nhà trong một khu đô thị muốn từ tầng 40 xuống tầng 1 phải đợi mất cả nửa giờ đồng hồ, giờ cao điểm mất cả giờ vì thang máy cứ lên đến tầng nào thì tắc ở tầng đó. Mật độ này đã vi phạm tất cả các tiêu chuẩn về thoát hiểm phòng cháy chữa cháy. Và hiện nay, có đến hàng ngàn chung cư mini đều trong tình trạng không cấp sổ đỏ cũng vì xây vượt từ 5 tới 8-9 tầng...

Tất cả những điều này, phải nói một cách nghiêm túc là quản lý không nghiêm. Mặc dù, chúng ta biết rõ chỉ cần đổ móng, đổ một xe cát là thanh tra xây dựng sẽ tới ngay vậy thì không có lý nào, một khối nhà to khi xây vượt quá nhiều tầng lại không có ai biết. Phải chăng, có một nỗi ám ảnh là "phạt cho tồn tại"?

Chúng ta cũng phải xem lại nghị định xử phạt hành chính mà mới đây ban hành có một đoạn cho rằng: "Trong trường hợp xây sai phép vượt tầng mà quy hoạch không ảnh hưởng thì tốt nhất là phạt cho tồn tại", như vậy có thực sự hợp lý hay không?

Ông

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Ảnh: Hồng Vũ.

Bên cạnh đó, cơ chế xin - cho dẫn đến tham nhũng, đó là việc đang mắc phải ở các luật hiện nay. Muốn chống tham nhũng liên quan đến đầu tư xây dựng, cấp phép, quy hoạch, đến xin cho, cấp dự án thu hồi đất đai thì phải đưa ra chế tài chặt chẽ. Hy vọng qua một loạt những việc xử lý sai phạm vừa qua thì thời gian tới, những vấn đề này sẽ dần được gỡ bỏ. Chúng ta đã có một thời gian quá dài buông lỏng quản lý. Nếu không tổ chức và quản lý tốt thì rất nhiều khu đô thị mới hiện nay sẽ nhanh chóng trở thành những đô thị có bộ mặt nhếch nhác.

Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, TP.HCM thí điểm tại một số quận cho phép chủ đầu tư có thiết kế độ thị 1/500 thì không phải xin phép xây dựng và việc đăng ký như nào thì phải làm đúng như thế. Thực tế, ở nước ngoài, họ cũng đã làm như vậy và khi sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu áp dụng thành công ở TP.HCM thì chúng ta có thể nhân rộng phương án này.

Thêm nữa là câu chuyện đồng bộ ở đô thị, tôi cho rằng, đây cũng là điều mà các nhà quản lý phải tính tới. Phải quy định rõ ràng, đồng bộ hệ thống hạ tầng cơ sở, kỹ thuật, làm xong cấp nước, cấp điện, đường giao thông, thì mới được bán nhà ở cho người dân. Không thể cho phép bán những căn hộ ở những đô thị không có trường học, bệnh viện... Cuối cùng dẫn đến một câu chuyện là sáng ra hàng đoàn người ở phía Tây dồn về các đường Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi, Láng... để vào thành phố và chiều đến lại hàng đoàn người đó kéo nhau ra khỏi thành phố.

Bởi từ lâu, hạ tầng cơ sở của chúng ta tính toán theo kiểu không đồng bộ, có những đô thị chỉ có 3 tuyến đường vào thành phố nhưng lại có đến cả trăm đường nhỏ. Thế nên, dù đường to có mở rộng ra 8-10 làn thì vẫn cứ tắc như thường. Tóm lại là ai cũng muốn một khu đô thị mới đoàng hoàng, khang trang, phù hợp cho mọi người già trẻ nhưng quan trọng là cách chúng ta làm và quản lý như thế nào.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top