Aa

Kỳ 2: Lên đỉnh huy hoàng

Thứ Hai, 26/03/2018 - 06:00

"Trước sự bức bách của đường cùng, tôi la trời rằng hàng của tôi đang đầy ắp trong kho, vay mua nguyên liệu làm chi nữa. Mất cả buổi sáng để thuyết phục mà vẫn vô vọng. Giọng của tôi vốn oang oang, chẳng ngờ tiếng la trời ấy lọt vào tai bà Giám đốc ngồi phòng bên cạnh".

Xem loạt bài "Thương hiệu Dạ Lan – Sai lầm và trăn trở!"

Kỳ 1: Bên bờ vực phá sản

Ngay khi tưởng chừng sự nghiệp vô phương cứu chữa thì bỗng một hôm, có một phóng viên là anh Khúc Chí Tiền ở báo Thương Mại tới làm việc. Khi nghe ông Trịnh Thành Nhơn chia sẻ về hoàn cảnh của doanh nghiệp mình, anh Tiền khuyên rằng, nếu bán ở miền Nam không được thì đem ra miền Bắc bán đi, bởi sắp sửa có hội chợ do Bộ Thương mại tổ chức. Đó là vào tháng12/1989.

Ông Nhơn kể tiếp:

“Thôi thì, còn nước còn tát, không đưa hàng ra Bắc thì chết chắc rồi. Còn nếu ra thì tôi đâu đã ra Bắc hồi nào, cũng không biết chi phí ra sao. Tiền thì không còn đồng nào, lấy gì để đi đây?

Tôi liền tính nước vay ngân hàng để đi với số tiền 100 triệu đồng.

Anh cán bộ tín dụng hỏi tôi vay làm gì, tôi nói là mang hàng ra Bắc để bán, phải có tiền chuyên chở, rồi quảng cáo... Ổng liền từ chối, cho vay để mua nguyên liệu sản xuất thì được, chứ còn vay để quảng cáo, rồi vận chuyển là không được.

Trước sự bức bách của đường cùng, tôi la trời rằng hàng của tôi đang đầy ắp trong kho, vay mua nguyên liệu làm chi nữa. Mất cả buổi sáng để thuyết phục mà vẫn vô vọng.

Giọng của tôi vốn oang oang, chẳng ngờ tiếng la trời ấy lọt vào tai bà Giám đốc ngồi phòng bên cạnh. Bà sang an ủi tôi cứ về đi để ngân hàng xem xét. Một tia hy vọng lại lóe lên.

Khoảng 2 giờ chiều, bà Giám đốc trực tiếp đến nhà tôi, thấy không khí sản xuất, thấy tôi làm thật, hàng thật. Cuối cùng, ngân hàng đồng ý cho vay. Đến giờ, tôi vẫn coi bà là ân nhân. Nếu không có người đó, người miền Bắc không biết Dạ Lan của tôi là gì.

Đến Hội chợ, tôi bày biện, nhưng không bán được bao nhiêu. Đem hàng ra chợ Đồng Xuân, thuyết phục các quầy tiểu thương lấy kem bán nhưng không ai chịu nhận. Nói rằng cứ nhận đi, bán xong rồi trả tiền cũng được mà họ vẫn lắc đầu.

Đầu óc tôi lúc đó mọi sự đều tắc nghẽn. Chẳng lẽ sự nghiệp làm ăn của mình đã đến lúc chấm hết!

Các gian hàng bán kem đánh răng Dạ Lan tại các khu chợ truyền thống.

Các gian hàng bán kem đánh răng Dạ Lan tại các khu chợ truyền thống.

Buồn, đi lang thang các nhà sách, mua mấy trăm cuốn lịch log, nhờ người ta in thêm dòng “Công ty Sơn Hải kính biếu” kèm kem đánh răng. Thật bất ngờ ai cũng nhận. Tôi đem kem đánh răng Dạ Lan rải khắp chợ Đồng Xuân, rồi về khách sạn hồi hộp chờ đợi.

Bất ngờ nữa lại đến, chỉ mấy ngày sau, nhiều tiểu thương tìm đến đặt hàng. Trong vài ngày, một toa xe lửa chở gần 2 nghìn thùng kem đánh răng bán bay hết. Cho đến giờ, khi nghĩ lại những giây phút này, tôi vẫn còn nguyên cảm xúc hạnh phúc đến tột đỉnh. Tôi gọi điện về cho vợ lập tức cho máy chạy hết công suất và gửi hàng ra Hà Nội.

Đến gần Tết, tức chỉ hơn một tháng, tôi bán được 10 toa xe lửa kem đánh răng. Một giấc mơ hơn cả mọi giấc mơ.

Trở về Sài Gòn, tôi cho đây là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của mình. Mùng 4 Tết, có người gọi vào đặt 100 thùng. Mấy ngày tiếp theo đều có người đến đặt hàng.

Năm 1990, sự nghiệp phát triển dần dần. Nhờ sự giúp sức của anh em phóng viên báo Thương mại, mỗi tỉnh, thành có 1 tấm pano quảng cáo kem đánh răng Dạ Lan. Chỉ trong vòng 1 – 2 năm sau, gần như đến nhà nào cũng thấy cây kem đánh răng của mình.

Tôi áp dụng chương trình khuyến mãi mua kem đánh răng tặng tivi làm khách hàng phấn khích. Có một ông bác khoe, mua kem đánh răng Dạ Lan mà đổi đời, bởi cả xóm không ai có truyền hình, mình mua kem đánh răng trúng tivi nên khoái lắm.

Hàng chục nghìn lá thư của người tiêu dùng cả nước gửi đến cảm ơn, khen ngợi. Tôi phải thành lập cả Ban biên tập trả lời thư, duy trì sự giao lưu giữa Dạ Lan và người tiêu dùng”.

Mời quý độc giả đón đọc kỳ 3 loạt bài "Thương hiệu Dạ Lan – Sai lầm và trăn trở!" trên reatimes.vn!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top