Aa

Kỳ 2: Lo ngại nhà thông minh "nửa mùa"?

Thứ Tư, 26/09/2018 - 23:30

Lò nướng thông minh, đèn điện được kích hoạt, cửa tự động mở bằng giọng nói... là những cải tiến trong lĩnh vực nhà thông minh đem đến một cuộc sống tiện lợi. Tuy nhiên, người Việt Nam vẫn có tâm lý e ngại về mô hình căn hộ thông minh, trong đó những lo ngại hàng đầu là vấn đề bảo mật, sự am hiểu công nghệ, thói quen truyền thống và giá cả đắt đỏ.

Nhà thông minh đã thực sự tiện lợi?

Sau nhiều năm phát triển, một số công ty công nghệ đã ứng dụng hệ thống kết nối tất cả các thiết bị trong ngôi nhà thành một hệ thống mạng, để có thể điều khiển chúng theo các kịch bản thông minh, ví dụ như: hệ thống đèn chiếu sáng, rèm cửa, điều hoà nhiệt độ, tivi, dàn âm thanh, cảm biến môi trường, chuông cửa có hình, camera an ninh, hàng rào điện tử... Tuy nhiên, khi mô hình nhà thông minh trở nên phổ biến, các sinh hoạt ngày thường của người dân sẽ có không ít xáo trộn. Ngay lập tức người ta sẽ nghĩ đến những rủi ro (về tính an toàn và sự thoải mái) do các thiết bị kết nối đem đến khi tất cả đều được tự động hóa.

Chị Phạm Thu Hà (ở Hoàng Minh Giám, Hà Nội) chia sẻ, chị cảm thấy khá hài lòng về các thiết bị thông minh trong ngôi nhà mà chị đang sống. Nhưng đó chưa phải sự hài lòng trọn vẹn bởi không ít lần, chị gặp phải tình huống dở khóc dở cười. Ban đầu là việc tiếp cận công nghệ. Mặc dù chị còn khá trẻ và được tiếp cận nhiều với các thiết bị hiện đại nhưng khi học điều khiển thiết bị thông minh trong nhà, chị cũng không tránh khỏi bối rối. 

"Thực sự là việc học vận hành các thiết bị thông minh không hề dễ chút nào. Đó là chưa kể mỗi thiết bị chạy ứng dụng riêng. Cứ tưởng tượng, 10 thiết bị thông minh trong nhà, mỗi thiết bị có một ứng dụng điều khiển riêng. Chỉ cần nghĩ phải đặt và điều khiển cả 10 ứng dụng này trên điện thoại cũng đủ thấy rắc rối. Thậm chí, điện thoại dùng cho công việc, có lúc hết pin không để ý thì coi như bó tay với tất cả công nghệ trong nhà", chị Hà chia sẻ.

khi mô hình nhà thông minh trở nên phổ biến, các sinh hoạt ngày thường của người dân sẽ có không ít xáo trộn.

Khi mô hình nhà thông minh trở nên phổ biến, các sinh hoạt ngày thường của người dân sẽ có không ít xáo trộn (Ảnh minh họa)

Cũng theo lời kể của chị, mặc dù đỡ được việc động tay động chân nhưng muốn sử dụng thiết bị thông minh, bộ não lại phải hoạt động thêm một chút, bởi muốn thiết lập cơ chế đèn tự động tắt/mở khi vào/ra khỏi phòng hay bình nóng lạnh tự động, mọi người trong gia đình đều phải ghi nhớ cách sử dụng phần mềm, thời gian hẹn giờ... Với tính đãng trí của mình, đôi lần chị quên béng mất việc thiết lập. Hoặc có khi, vội ra khỏi nhà, chị lại tiện tay tắt công tắc đèn, như vậy việc thiết lập tự động cũng không còn tác dụng. Vài lần như vậy đâm khiến chị Hà chán nản, cảm thấy không muốn sử dụng thiết bị thông minh nữa. 

Một người khác cũng gặp tình cảnh tương tự như chị Hà là anh Vũ Anh Tuấn, sống tại một căn hộ chung cư trên đường Tố Hữu (Hà Nội). Theo chia sẻ của anh Tuấn Anh, vì được người quen sinh sống ở nước ngoài giới thiệu về thiết bị máy hút bụi robot nên anh đã nhờ mua một chiếc. Kết quả là khi lắp đặt xong xuôi, máy khởi động phát ra ngôn ngữ nước ngoài, điều khiển bằng ngôn ngữ nước ngoài khiến anh không biết sử dụng ra sao.

Cuối cùng anh đành phải nhờ người bạn tới hướng dẫn cả nửa ngày, học thuộc các câu thoại nước ngoài để hướng dẫn robot lau dọn nhà. Còn chưa kể trong nhà có trẻ nhỏ, tiếng rì rì của robot khiến trẻ giật mình nên anh chỉ có thể cho robot hoạt động khi các con thức.

Anh Tuấn chia sẻ thêm về sự bất tiện khi dùng thiết bị thông minh: “Cách đây không lâu, không hiểu sao thiết lập chế độ nước nóng lạnh trong nhà không được, tôi gọi thở sửa máy tới nhưng họ nói không phát hiện nguyên nhân hỏng hóc. Đến khi tôi gọi tới bên công nghệ lắp đặt mới biết, cần phải cập nhật phần mềm, thiết bị mới hoạt động bình thường. Theo họ lý giải, thiết bị nếu không cập nhật phần mềm sẽ xảy ra lỗi bảo mật”.

Giá đắt đỏ vẫn kèm rủi ro

Nói công bằng, một số thiết bị nhà thông minh đã có ích, thực sự giúp cuộc sống tiện lợi, thoải mái hơn, thậm chí tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm tiền bạc cho gia đình. Tuy nhiên, có những thiết bị sở hữu những tính năng buộc khách hàng phải trả số tiền lớn. Với những căn hộ trang bị sẵn thì giá cả vẫn chênh lệch cao hơn so với căn hộ thông thường. Theo khảo sát trên thị trường, mức chi phí cho các thiết bị trong một ngôi nhà có thể dao động trong khoảng từ 10 - 60 triệu đồng/căn nhà (với các ứng dụng cơ bản), thậm chí lên đến vài trăm triệu hay cả tỷ đồng nếu triển khai đồng thời nhiều kết nối thông minh hiện đại hơn.

Chị Đỗ Ngọc Hà, sống tại khu đô thị Mỹ Đình, chia sẻ, đắt tiền đôi khi không phải vấn đề lớn, bởi nếu mua ít tiền quá có thể sẽ khiến sản phẩm nhanh chóng hỏng và phải liên tục thay thế dẫn đến bất tiện khi sử dụng. Bên cạnh đó, chị Hà cho rằng khi bỏ ra số tiền lớn là phải mua được hàng chính hãng. Người Việt đã quá quen với các sản phẩm "thương hiệu Việt" nhưng thực chất là nhập hàng Trung Quốc rồi đặt tên, dán nhãn mác nội nên lo ngại chất lượng là điều hiển nhiên.

tính an toàn về thiết bị, rủi ro về tính bảo mật vẫn là e ngại của nhiều người

Tính an toàn về thiết bị, rủi ro về tính bảo mật vẫn là e ngại của nhiều người (Ảnh minh họa)

Mặt khác, đôi khi thiết bị thông minh có thể sẽ không phù hợp khi kết hợp với nhau, khiến ngôi nhà trở nên bất hợp lý và giảm thẩm mỹ của nhà. Đặc biệt, tính an toàn về thiết bị, rủi ro về tính bảo mật vẫn là e ngại của nhiều người. Ở Việt Nam từ trước đến nay chưa xảy ra vụ việc đình đám nào về lộ dữ liệu trong ngôi nhà thông minh, có lẽ cũng bởi các thiết bị thông minh được ứng dụng vẫn còn đơn giản.

Chị Phạm Thu Hà lo ngại: “Thực sự, tôi chưa thấy ai dám đảm bảo công nghệ, thiết bị thông minh an toàn. Các đơn vị đều lên tiếng khẳng định an toàn, nhưng thực hư có an toàn hay không thì phải đến khi sự cố xảy ra mới biết được. Người dân chúng tôi chỉ mong có cuộc sống an toàn, rủi ro phải được hạn chế ở mức thấp nhất. Tôi nói đơn giản như mua camera an ninh để kiểm soát căn nhà từ xa, nhưng nếu internet bị tin tặc xâm nhập, camera vô tình lại trở thành "tai mắt" của kẻ trộm”.

Theo một nghiên cứu mới của công ty Deloitte (Mỹ), mọi người đang ngày càng quan tâm đến vấn đề an ninh vì sự lan rộng của xu hướng Internet of Thing (IoT - Vạn vật kết nối qua Internet). Nghiên cứu cảnh báo rằng ngày càng có nhiều người lo ngại về việc bị rò rỉ thông tin cá nhân, dẫn đến tâm lý ngại sử dụng thiết bị Smart Home hay IoT trong tương lai.

Nghiên cứu cho hay: "Nhận thức về IoT ngày càng tăng cũng đi kèm các lo ngại về an ninh và sự riêng tư. Hơn 40% người được hỏi đồng ý rằng các thiết bị công nghệ thông minh có trong nhà tiết lộ quá nhiều về cuộc sống cá nhân. Gần 40% người dùng lo rằng họ đang bị theo dõi. Ngoài ra, khoảng 20% cho biết họ được thông báo rất kỹ về các nguy cơ bảo mật liên quan đến các thiết bị gia đình có kết nối Internet, nhưng cũng có gần 40% cho rằng họ đã không được thông báo đầy đủ về vấn đề này”.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam, nhận định: “Chúng ta không phủ nhận những thuận lợi của mô hình nhà thông minh và tiềm năng phát triển còn rất lớn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm từng bán hàng trực tiếp cho người dùng, tôi có thể nói khách hàng vẫn có nhiều lo lắng. Thứ nhất là vấn đề bảo mật thông tin. Phần lớn người dân hiện nay sử dụng smartphone nên vấn đề bảo mật là rất đáng lo ngại, nhất là wifi sẽ khiến mức độ bảo mật bị đe dọa.

Lo ngại thứ hai là sự thích nghi và nhu cầu sử dụng. Trước đây khách hàng sử dụng khóa và chìa để mở cửa, sau đó xuất hiện thẻ từ và hiện nay là vân tay. Trong khi đó, để xây dựng một khu căn hộ thường mất vài ba năm. Nếu chủ đầu tư xác định sẽ đầu tư thẻ từ cho khu nhà thì rất có thể, sau khi dự án hoàn thiện, xu hướng thị trường đã chuyển sang sử dụng vân tay và giọng nói, căn hộ vốn được kỳ vọng là tân tiến đã trở nên lỗi thời. Đặc biệt, việc đầu tư cho các thiết bị thông minh sẽ làm tăng giá bán, phần nào làm ảnh hưởng đến cả chủ đầu tư lẫn khách hàng. Ở Việt Nam, hiện chưa có một mô hình cụ thể về nhà thông minh, chủ yếu vẫn do chủ đầu tư tự tìm hiểu để cạnh tranh nên người tiêu dùng rất khó đánh giá”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top