Aa

Kỳ 2: Từ một quan hệ dân sự đơn giản...

Thứ Ba, 24/09/2019 - 06:00

Về bản chất, đây là một quan hệ dân sự rất thường ngày trong cuộc sống, không thể hình sự hóa...

Câu chuyện bắt đầu từ mảnh đất 6.338m2 tại khu công nghiệp An Khánh (nằm sát đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, cách trung tâm Hà Nội chừng 12km) được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số AB157.704/GCN cho Công ty Trường Sinh ngày 11/11/2005 để xây dựng nhà máy sản xuất sữa đậu nành.

Do không huy động được vốn nên Công ty Trường Sinh đã phải thay đổi nhà đầu tư trên mảnh đất này cho 3 người, một là ông Nguyễn Kim Hải 50% vốn góp, hai là ông Duy Đức Tuấn 20%, ba là ông Nguyễn Đình Bang 30%.

Trong vụ án gần 10 năm chưa dứt, trong 3 người này lại chỉ dính dáng đến ông Nguyễn Đình Bang, vì ông là người đại diện theo pháp luật và là Giám đốc Công ty Trường Sinh.

Có một văn bản rất đáng lưu ý giữa hai ông Duy Đức Tuấn (bên A) và ông Nguyễn Đình Bang (bên B) là ngày 6/11/2007, một Hợp đồng kinh tế hình thành, mỗi bên góp 4 tỷ đồng trong dự án này. Trong đó có cam kết: “Nếu có rủi ro, bên A phải chịu trách nhiệm hoàn trả toàn bộ số tiền mà bên B đã góp là 4 tỷ đồng. Nếu quá 30 ngày thì bên B được quyền phát mãi tài sản để thu hồi vốn mà không cần sự đồng ý của bên A”.

Điều này có nghĩa là, trong quá trình thực hiện dự án, ông Nguyễn Đình Bang chỉ cần chứng minh dự án đang gặp phải rủi ro thì có quyền thay mặt ông Tuấn để định đoạt phần tài sản chung này.

Về bản chất, đây là một quan hệ dân sự rất thường ngày trong cuộc sống, không thể hình sự hóa.

Khu An Khánh nhìn từ trên cao

Một bất ngờ phát sinh, tỉnh Hà Tây có kế hoạch sáp nhập về Hà Nội vào ngày 1/8/2008, khi ấy, nhiều dự án được thay đổi quy hoạch, trong đó có khu công nghiệp An Khánh.

Ngày 20/6/2008, UBND tỉnh Hà Tây có Quyết định số 1692/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở cao cấp An Khánh và giao cho Công ty Trường Sinh làm chủ đầu tư.

Theo đó, thời gian xây dựng dự án là 5 năm, tổng mức đầu tư tạm tính là 205 tỷ đồng (làm tròn). Vốn chủ đầu tư là 20%, vốn huy động và vốn vay 80%.

Việc quyết định thay đổi mục đích sử dụng đất từ khu công nghiệp sang đất thương mại dịch vụ và nhà ở cao cấp đã khiến nhiều nhà đầu tư khao khát. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, số vốn đầu tư lớn, khả năng quản trị hạn hẹp, các cổ đông Công ty Trường Sinh quyết định chuyển nhượng cổ phần của mình. Riêng phần của ông Duy Đức Tuấn giữ lại, không bán.

Điều này pháp luật không cấm và cũng không hạn chế.

Để tiện theo dõi, ta tạm coi lứa đầu tư gồm ông Nguyễn Kim Hải, ông Duy Đức Tuấn, ông Nguyễn Đình Bang này là lớp A, bao gồm các nhà đầu tư A1, A2, A3...

Thị trường mua bán cổ phần Công ty Trường Sinh được sinh ra thì đầu tư lớp B xuất hiện, đó là ông Nguyễn Huy Khang, nhân vật thứ 2 cùng bị bắt giam trong vụ án này. Do ông Khang là người quen của ông Nguyễn Kim Hải nên việc tiếp cận với nhà đầu tư lớp A có dễ dàng hơn.

Ngày 23/10/2009, hai bên ký kết hợp đồng mua bán cổ phần. Theo thỏa thuận, ông Khang thanh toán lần đầu cho ông Hải 500 triệu đồng, ông Bang 300 triệu đồng. Hợp đồng ký 04 bản, mỗi bên giữ 02 bản.

Ngày 16/12/2010, theo quyết định của các cổ đông ký ngày 10/10/2009, ông Hải soạn thảo văn bản đưa ông Bang ký quyết định số 36/NQHĐTV cho ông Khang với nội dung:

1- Quyết định bán 80% cổ phần dự án An Khánh của Công ty Trường Sinh cho ông Khang.

2- Ủy quyền cho ông Nguyễn Huy Khang là người đã mua 80% cổ phần tổ chức triển khai thực hiện dự án đúng các quy định của pháp luật, đúng điều lệ và quy chế của công ty.

3- Thời hạn thực hiện ủy quyền từ ngày 16/12/2009 đến 22/12/2009.

Theo lập luận của Giám đốc Nguyễn Đình Bang, đây là văn bản tạo điều kiện cho đối tác đi huy động vốn.

Sau 5 tháng kể từ ngày ký hợp đồng này, do chậm thanh toán theo thỏa thuận, tháng 03/2010, hai bên cùng nhất trí thanh lý hợp đồng. Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật thì tất cả những hợp đồng chuyển nhượng quá hạn này đã hết hiệu lực, vô giá trị.

Đến thời điểm này, không có bất cứ rắc rối gì xảy ra.

Tuy nhiên, câu chuyện vẫn không dừng ở đây. Ấy là vào ngày 15/4/2010, ông Khang lại tìm đến tận nhà riêng của ông Bang với mong muốn nối lại vụ làm ăn trước đó. Ông Bang đồng ý.

Ngày 20/4/2010, ông Khang thông báo đã chuyển số tiền 19 tỷ đồng vào tài khoản của ông Bang tại ngân hàng Techcombank chi nhánh Bát Đàn. Điều đáng lưu ý và tạo ra nhiều rắc rối trong vụ việc này là người gửi có tên Nguyễn Khắc Toàn (đây là nhà đầu tư lớp C mà sau này càng rõ ràng hơn, trong khi ông Bang không biết ông Toàn là ai). Liền với đó, hai bên lập biên bản bàn giao số tiền trên với nội dung số tiền 19 tỷ là của ông Khang giao cho ông Bang, gồm: 4 tỷ là mua cổ phần của ông Bang và 15 tỷ trả nợ ông Bang cho khoản vay trước đó.

Ngày 24/4/2010, ông Bang ký hợp đồng (viết tay) chuyển nhượng cổ phần của mình cho ông Khang, cùng với đó là bàn giao sổ đỏ (bản gốc), con dấu, giấy ĐKKD kèm theo một số giấy tờ liên quan đến Công ty Trường Sinh để ông Khang liên hệ với Sở Kế hoạch - Đầu tư làm thủ tục sang tên. Khi bàn giao, ông Bang có lập biên bản với nội dung: ông Khang chỉ được dùng con dấu khi Sở Kế hoạch - Đầu tư công nhận ông Khang là giám đốc. Nếu sai, ông Khang phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Câu chuyện quan hệ dân sự tưởng như đơn giản, dễ hiểu đến đây ngỡ là kết thúc. Ai ngờ rằng chỉ sau đó ít tháng, cả hai ông Bang và Khang đều bị bắt giam và vụ án đến giờ chưa có hồi kết sau hơn một chục phiên tòa...

Kỳ sau: ... Đến vụ án hình sự ly kỳ và rối rắm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top