Những thay đổi tích cực của thủ tục hành chính
Hàng năm, mỗi Bộ, ngành đều tổ chức các hội thảo lấy ý kiến đóng góp để cải cách, cải tiến các bộ luật, các thủ tục hành chính nhưng dường như sau đó càng "đẻ" ra nhiều văn bản, chính sách và các quy định khác nhau, chồng chéo lên nhau.
Theo nhiều chuyên gia, những chồng chéo của các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, bất động sản tạo nên “mảnh đất màu mỡ" cho tiêu cực sinh sôi. Do đó, cải cách thủ tục hành chính và minh bạch hóa thông tin thị trường sẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gỡ khó cho doanh nghiệp, giảm giá nhà để tạo thuận lợi cho người mua và hạn chế tiêu cực.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian vừa qua, các Bộ ngành đã đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, kỳ vọng thị trường bất động sản năm 2018 và những năm tới sẽ có những thay đổi tích cực, đảm bảo quyền lợi của khách hàng và chủ đầu tư.
Có thể kể đến Nghị định số 42/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền hợp lý, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM. Điều này giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng xuống còn khoảng 40 ngày. Kết quả là thời gian trình các cấp và ra quyết định về thiết kế, quy hoạch, quyết định về đầu tư giảm được tới 50%. Nhờ đó, nhiều dự án đã rút ngắn được thời gian thực hiện và đảm bảo tiến độ thi công.
Cụ thể, với dự án Ngôi sao An Bình 2 của Geleximco - dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, doanh nghiệp được Bộ Xây dựng thẩm định để trình Chính phủ với thời gian rút ngắn xuống còn 20 ngày. Theo đó, chủ đầu tư có thể rút ngắn thời gian thi công và đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp lẫn khách hàng mua dự án.
Hay như Nghị định 01/2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, thời hạn cấp sổ đỏ cho người được chuyển nhượng quyền sử dụng đất không được quá 15 ngày. Quy định này nhằm giúp người dân thuận tiện hơn trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai nói chung và thủ tục cấp sổ đỏ khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói riêng.
Quyết định 630/QĐ-TTg của Thủ tướng vừa ban hành, các chủ đầu tư tiến hành các dự án nhà ở xã hội sẽ được hưởng lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 4,8%/năm (0,4%/tháng). Với các dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, các chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Với dự án xây dựng nhà ở xã hội nhằm mục đích cho thuê thì được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Với quyết định này, sự chuyển hướng đầu tư vào phân khúc nhà ở thương mại vừa túi tiền, giải quyết nhà ở cho sinh viên, công nhân, lao động, cán bộ, người thu nhập thấp đô thị, người nhập cư sẽ là những động lực hỗ trợ cho thị trường bất động sản thành phố phát triển theo hướng lành mạnh và bền vững.
Cải cách để tăng “lực hấp dẫn”
Có thể nói, thị trường bất động sản Việt Nam luôn chứa đựng nhiều yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư cả trong và ngoài nước như dân số đông, nhu cầu nhà ở cao, các loại hình sản phẩm đa dạng, phong phú,... Do đó, để hoạt động hiệu quả hơn, các doanh nghiệp đều mong muốn các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực này được tinh giản gọn nhẹ, thuận tiện cho việc phát triển dự án, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội chia sẻ: “Đất nước đang trong giai đoạn đô thị hóa tăng nhanh, bất động sản và xây dựng phát triển mạnh. Chính vì lẽ đó, cần phải cởi mở về chính sách, xóa bỏ các thủ tục rắc rối, chồng chéo. Đặc biệt, đưa về 1 cửa là tốt nhất thay vì 5 - 6 cửa như hiện nay. Một con dấu có thể thẩm định tất cả”.
Ông Điệp phân tích: “Hiện nay, quy trình của một dự án cùng là thời gian đó nhưng lại bị kéo dài vì mỗi Bộ chỉ có một sở, một ngành nhưng chúng ta có hàng vạn doanh nghiệp. Riêng ở Thủ đô đã có hàng ngàn doanh nghiệp thì không thể nào giải quyết nhanh được các thủ tục. Các ngành họp liên tục, ngày nào cũng họp nên không thể xử lý cả núi công việc. Cần tổng hợp tất cả giấy phép từ các Bộ, ngành về một cửa thì mới giảm thủ tục hành chính trong ngành xây dựng và bất động sản. Từ đó, vốn mới giảm đi, giá thành xây dựng cũng giảm, thậm chí sẽ sẽ giảm mấy chục phần trăm nếu cải cách được thủ tục hành chính”.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình Hà Nội cho rằng: “Đối với vấn đề cấp phép xây dựng, việc yêu cầu phải có giấy phép xây dựng trong khi quy hoạch chi tiết 1/500 đã được thông qua là không cần thiết. Thay vào đó, nên tăng cường hậu kiểm sau xây dựng để siết chặt quản lý đối với các công trình xây dựng. Nếu xảy ra vi phạm quy hoạch, phạt nặng để đủ sức răn đe. Điều đó sẽ giảm thiểu thời gian tiền kiểm cũng như thời gian hoàn thành thủ tục cho công trình”.
Một trong những lý do khiến chủ đầu tư gặp phải các vấn đề về thủ tục hành chính là do thông tin mà doanh nghiệp cần chưa đi đúng điểm đích. Vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được thực hiện sâu rộng hơn. “Cần tăng cường lập các trang số hóa để doanh nghiệp cũng như người dân tiện tra cứu thông tin cần thiết. Điều đó giúp ích rất nhiều cho việc các doanh nghiệp cũng như người dân thực hiện đúng theo các quy định của Đảng và Nhà nước”, ông Thanh cho biết thêm.
Chủ trương của Chính phủ hiện nay là lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp bằng việc giải phóng cho các doanh nghiệp những rào cản không cần thiết trong quá trình tạo ra giá trị cho xã hội. Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính đề xuất rà soát lại toàn bộ hệ thống thủ tục hành chính cho thị trường bất động sản, loại bỏ mâu thuẫn, rời rạc. Nên xây dựng một cơ quan đại diện để giải quyết toàn bộ về việc phát triển dự án và việc cải cách để mọi thủ tục liên thông một cách thực sự.
Đồng thời, ông Thanh cũng đánh giá cao những nỗ lực thực hiện ưu đãi của Nhà nước đối với chủ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những ưu đãi này cần phải đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt là nên rút ngắn các thủ tục phê duyệt vốn ngoài ngân sách, nên để chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tổ chức thực hiện đúng quy định để tiết kiệm thời gian cho chủ đầu tư.
“Công tác phê duyệt, điều chỉnh trong quá trình triển khai thực hiện dự án nên đi theo hướng các cơ quan chuyên môn linh động trong công tác đảm nhiệm vai trò, giảm bớt tình trạng “đá bóng qua lại”, luẩn quẩn câu chuyện “con gà hay quả trứng”, đơn vị này chờ ý kiến đơn vị kia khiến doanh nghiệp không có biện pháp nào để hoàn thiện thủ tục”, ông Thanh thể hiện mong muốn giản lược những thủ tục còn mang nặng tính hình thức như hiện nay.
Thủ tục hành chính là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý nói chung và quản lý thị trường bất động sản nói riêng, nên việc thiết lập một hệ thống thủ tục hành chính rõ ràng, cụ thể, tinh giản sẽ khiến các công việc liên quan diễn ra gọn nhẹ, đạt hiệu quả cao. Các chuyên gia cũng như các chủ đầu tư, nhà đầu tư đang chờ đợi những điểm đổi mới hơn về thủ tục hành chính cho thị trường bất động sản để giảm bớt độ “chênh” giữa mong muốn của chủ đầu tư và các quy định hiện hành.