Aa

Kỳ 3: Mũi nhọn từ bất động sản du lịch, văn hóa

Thứ Hai, 22/03/2021 - 15:20

Nhờ có nguồn tài nguyên lớn về văn hóa, lịch sử với cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, vị trí địa lý thuận lợi nên Duy Xuyên có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển du lịch một cách đồng bộ.

Lời tòa soạn:

Duy Xuyên là huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Quảng Nam với diện tích tự nhiên 308,75km2, dân số trên 126.000 người. Theo quy hoạch vùng của tỉnh Quảng Nam, Duy Xuyên được xác định là huyện nằm trong cụm động lực số 2 thuộc hành lang kinh tế Trung Quảng Nam (cùng với các huyện Thăng Bình và Quế Sơn). Vị trí của Duy Xuyên có tầm ảnh hưởng quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Nam. Do tác động của đại dịch Covid-19, cùng với các chính sách miễn, giảm, giãn thuế của Chính phủ nên thu ngân sách Nhà nước năm 2020 của huyện đạt 1.373 tỷ đồng. Đây là một trong số rất ít cấp huyện ở miền Trung đạt con số thu và lọt vào Câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, huyện Duy Xuyên cơ bản được chia thành hai vùng phát triển, mang những đặc điểm và định hướng phát triển khác nhau, lấy đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn đi qua địa bàn huyện làm ranh giới. Vùng Đông Duy Xuyên (phía Đông đường cao tốc) là khu vực có tiềm năng phát triển các đô thị với sự hình thành cầu Cửa Đại, đường Võ Chí Công, có bãi tắm đẹp, nằm sát cửa sông, có hệ thống sinh thái phong phú, là khu vực sẽ liên kết thuận tiện với Hội An, Điện Bàn và Đà Nẵng. Vùng Tây Duy Xuyên (phía Tây đường cao tốc) có tiềm năng rất lớn về du lịch với Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, các làng nghề và lễ hội truyền thống kết hợp với lợi thế về tài nguyên đất đai sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, dịch vụ đặc trưng của vùng.

 

Những đô thị, khu nghỉ dưỡng cao cấp ở vùng Đông Duy Xuyên đã và đang thành hình
Những đô thị, khu nghỉ dưỡng cao cấp ở vùng Đông Duy Xuyên đã và đang thành hình. (Ảnh: Nhân Nghĩa)

Huyện Duy Xuyên thuộc vùng Trung Quảng Nam, hơn 60% diện tích là đồng bằng, hơn 30% diện tích còn lại là đồi núi thấp. Đây là vùng đất mang đậm nét văn hóa với nhiều di sản, di tích lịch sử, nhiều làng nghề nổi tiếng từ xa xưa…

Kết nối Quốc lộ 1A và đại lộ Võ Chí Công (tuyến đường 129), Duy Xuyên là điểm liên kết phát triển giữa Cụm động lực số 2 (Duy Xuyên - Quế Sơn - Thăng Bình) với Cụm động lực số 1 (Hội An - Điện Bàn - Đại Lộc) thuộc hành lang Bắc Quảng Nam. Theo đó, Duy Xuyên đóng vai trò là trung tâm phát triển du lịch, dịch vụ.

Bên cạnh đó, Duy Xuyên giữ vai trò là khu vực kết nối phát triển du lịch, công nghiệp giữa Cụm động lực số 2 (Duy Xuyên - Quế Sơn - Thăng Bình) với Cụm Trung Tây (Nông Sơn - Quế Sơn - Hiệp Đức) thông qua tuyến đường ĐT 610.

DU LỊCH ĐA SẮC MÀU

Trong quy hoạch tiểu vùng của huyện, vùng Đông với những lợi thế về vị trí địa lý, giao thông thuận lợi kết nối với các vùng du lịch trọng điểm trong tỉnh như phố cổ Hội An, Vinpearl Nam Hội An… nên Duy Xuyên được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam định hướng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ cao cấp. Trong đó, đô thị Duy Hải - Duy Nghĩa sẽ được chú trọng thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch, dịch vụ cao cấp nhằm tạo ra chuỗi du lịch kết nối giữa Đà Nẵng, Hội An và các khu vực phía Nam theo trục đại lộ Võ Chí Công. Chạy dọc xã Duy Hải là đường bờ biển dài 8km với nhiều bãi tắm đẹp, cảnh quan thơ mộng, là điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh về du lịch nghỉ dưỡng.

Phát triển bền vững khi gắn du lịch với các làng nghề truyền thống
Phát triển bền vững khi gắn du lịch với các làng nghề truyền thống.

Một vài “siêu dự án” đang triển khai tại đây có thể kể đến như Dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An với tổng vốn đầu tư lên đến 4 tỷ USD, quy mô 985,6ha nằm trên địa phận 3 xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên) và Bình Dương (Thăng Bình); Dự án khu nghỉ dưỡng Opal Ocean View, tổng vốn đầu tư khoảng 4.600 tỷ đồng, quy mô 185ha trên địa bàn xã Duy Hải (đoạn sát vịnh Cửa Đại)…

Khi hoàn thành, chạy dọc bờ biển Duy Xuyên sẽ là những căn biệt thự, condotel, khách sạn cao cấp kết hợp những khu dịch vụ vui chơi, giải trí và các loại hình du lịch biển đa dạng. Cùng với đó là những khu định cư làng nghề truyền thống sẽ là điểm đến thu hút du khách tham quan.

Đô thị Nam Phước với vai trò là vùng lõi phát triển dịch vụ - thương mại của tiểu vùng Đông Duy Xuyên nói riêng và của cả huyện nói chung sẽ được định hướng mở rộng quy mô, đầu tư xây dựng các khu đô thị, các điểm dừng chân kết hợp với phát triển du lịch làng nghề. Nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cấp hệ thống giao thông nội thị; cải tạo, chỉnh trang làng xóm đang được chính quyền triển khai. Cùng với đó là công tác tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng, tham gia các chương trình như hiến đất phục vụ xây dựng các công trình chung, xây dựng nông thôn mới… được thực hiện tốt, tạo bước đệm trong việc phát triển du lịch, dịch vụ.

Nếu vùng Đông “ồn ào” với những khu du lịch, nghỉ dưỡng mang tính hiện đại thì vùng Tây sẽ “lặng lẽ, nhẹ nhàng” nhưng vẫn chứa đầy tiềm năng với điểm nhấn là các công trình, kiến trúc mang đậm giá trị văn hóa - lịch sử như Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Nhà thờ Trà Kiệu, Khu di tích lịch sử cách mạng Hòn Tàu…

Khu lăng mộ bà Đoàn Quý Phi được trùng tu, tôn tạo
Khu lăng mộ bà Đoàn Quý Phi được trùng tu, tôn tạo

Mới đây, tỉnh Quảng Nam và huyện Duy Xuyên đã tổ chức khởi công công trình tôn tạo, xây dựng cảnh quan Khu di tích Quốc gia Bà chúa Tằm tang Đoàn Quý Phi. Đây sẽ là điểm nhấn liên kết với các điểm đến trong hành trình du lịch văn hóa, tâm linh như: Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Lăng bà Thu Bồn, lễ hội Bà Thu Bồn, Tượng đài Vĩnh Trinh…

Hiện nay, hệ thống giao thông kết nối các điểm trong vùng Tây đang được nâng cấp, ngày càng đáp ứng nhu cầu phục vụ du lịch như tuyến ĐH2.DX nối Quốc lộ 14H với Khu du lịch Mỹ Sơn, có nền đường rộng 11,5m, mặt đường rộng 7,5m, kết cấu mặt đường bê tông nhựa, đạt tiêu chuẩn đường cấp IV. Cơ sở hạ tầng, điểm dừng chân phục vụ lưu trú cũ được đồng bộ hóa, hiện đã có khách sạn tương đương tiêu chuẩn 5 sao tại Mỹ Sơn để phục vụ du khách.

Nếu vào thời điểm năm 2015, trên địa bàn huyện Duy Xuyên chỉ có 2 khách sạn với 35 phòng thì đến nay đã có 10 khách sạn với trên 1.650 buồng phòng, trong đó có 3 khách sạn đạt từ 3 - 5 sao. Và con số đó trong những năm tiếp theo hứa hẹn sẽ tăng nhiều hơn nữa khi những tiềm năng về du lịch của Duy Xuyên được phát huy tối đa.

TỪ HIỆN ĐẠI ĐẾN TỰ NHIÊN VÀ TRỞ VỀ TRUYỀN THỐNG

Với điểm đầu là vịnh Cửa Đại, ta ngược dòng Thu Bồn như ngược dòng lịch sử. Ở vịnh Cửa Đại, những công trình kiến trúc mang dáng dấp hiện đại như cầu Cửa Đại, các khu đô thị, nghỉ dưỡng cao cấp ven vịnh, ven sông như khu đô thị Nam Hội An City, khu nghỉ dưỡng Opal Ocean View… đã, đang và sẽ hình thành trong tương lai.

Men theo dòng nước hiền hòa, đến với xã Duy Vinh, len lỏi trong những cánh rừng dừa nước, du khách sẽ cảm nhận được “hương vị” đặc trưng của miền quê sông nước xứ Quảng. Tại đây, Làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu vẫn ngày ngày đón những đoàn khách đến tham quan. Khám phá những ngôi nhà vườn đặc trưng, những cánh rừng dừa nước, hóa thân thành ngư dân cất vó, bắt cá, đan lưới; một ngày làm nông dân để chặt dừa, trồng đay, trồng rau. Và còn gì tuyệt vời hơn nữa khi những trưa hè nắng oi ả, được bơi lội, tắm mát, đùa nghịch với trẻ con trong làng, được ngồi trên những chiếc chòi, bao quanh là dừa và nước, thưởng thức cá sông Thu, nhấm nháp rượu xứ Quảng, để rồi cùng hòa mình vào thiên nhiên tươi xanh, hiền hòa…

Làng du lịch sinh thái Trà Nhiêu
Làng du lịch sinh thái Trà Nhiêu

Chia tay với Làng du lịch sinh thái Trà Nhiêu, tiếp tục ngược dòng sông mẹ đất Quảng, đến với làng chiếu nổi tiếng Bàn Thạch (thôn Đông Bình, xã Duy Vinh). Ánh mắt du khách sẽ bị mê hoặc bởi những cây cói khô nhuốm màu đỏ, vàng, xanh... phơi đầy hai bên đường làng, trong sân nhà, xen lẫn đó là âm thanh va đập của khung cửi dệt chiếu. Nếu những cây cói nhuốm đủ sắc màu là hình hài của Bàn Thạch thì tiếng cót két khung cửi chính là nhịp đập trái tim của nơi đây, cũng là của những người làm chiếu chốn này.

Đến đây, du khách sẽ được nghe kể về những công đoạn để làm ra từng chiếc chiếu, thích thú với cảm giác kéo từng khung cửi, đan từng sợi cói để tạo nên những chiếc chiếu đa sắc màu. Du lịch đã làm thay đổi cuộc sống của người dân Bàn Thạch. Ông Nguyễn Văn Phòng (57 tuổi, làng Bàn Thạch, thôn Đông Bình, xã Duy Vinh) bày tỏ niềm vui, sự ủng hộ đối với chủ trương phát triển du lịch làng nghề của huyện Duy Xuyên và tỉnh Quảng Nam: “Du khách đến đây người ta tham quan, rồi trải nghiệm công đoạn dệt chiếu. Sau đó cũng mua một số sản phẩm làm quà lưu niệm, từ đó mình cũng có thêm nguồn thu”.

Thu Bồn đoạn qua thị trấn Nam Phước sẽ được chỉnh trang cảnh quan hai bên bờ sông, phát triển các dịch vụ vui chơi, giải trí gắn với sông nước. Trong định hướng của tỉnh Quảng Nam, sông Thu Bồn đoạn từ Cửa Đại lên cầu Giao Thủy sẽ được chú trọng khai thác để phát triển những tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch làng quê, du lịch nghỉ dưỡng…

Từ cầu Giao Thủy ngược dòng Thu Bồn thêm khoảng hơn 10km, đến địa phận làng Thu Bồn, nằm uy nghi bên cạnh bờ sông là Lăng bà Thu Bồn. Tương truyền, bà Thu Bồn là nữ tướng nhà Lê, bị giặc đuổi đánh. Khi chạy đến Phường Rạch (nay thuộc huyện Nông Sơn) thì ngã ngựa, bị quân thù giết và đẩy xác xuống dòng sông. Xác trôi theo dòng nước được một đoạn thì tấp vào một ngôi làng ven sông. Khi thấy xác của nữ tướng xinh đẹp bị giặc sát hại, dân làng đưa bà lên bờ rồi tổ chức khâm liệm. Thế là vong linh nữ tướng xinh đẹp luôn hiện hữu trong đời sống của người dân nơi đây, độ trì tai qua, nạn khỏi, cuộc sống no ấm. Về sau, bà được các vua triều Nguyễn sắc phong “Mỹ đức thục hạnh Bô Bô phu nhân thượng đẳng thần”.

Bên cạnh đó, có rất nhiều truyền thuyết kể về bà Thu Bồn, tuy nhiên dù là câu chuyện như thế nào thì cũng toát lên vẻ đẹp của người phụ nữ đa tài, đức độ, người mẹ luôn yêu thương, chăm lo cuộc sống no ấm cho đời đời con cháu hai bên bờ sông. Hằng năm, ngày 12 tháng 2 âm lịch, dân làng lại tổ chức lễ hội bà Thu Bồn, mang đậm nét tín ngưỡng dân gian, thu hút lượng lớn du khách đến tham dự.

Làng dệt Mã Châu
Làng dệt Mã Châu

Từ Quốc lộ 1A, theo tuyến đường ĐT 610, cách trung tâm thị trấn Nam Phước khoảng 3km là làng nghề tơ lụa Mã Châu nổi tiếng bao đời. Với hơn 400 năm tuổi, Mã Châu từng là nơi cung cấp những tấm lụa quý cho hoàng cung. Những hoa văn tinh tế, màu sắc hài hòa tạo nên giá trị và thương hiệu cho lụa tơ tằm Mã Châu.

Mã Châu tơ lụa mỹ miều

Sớm mai mắc cửi, ban chiều tơ giăng.

Những tấm lụa mỹ miều được dệt từ đôi bàn tay khéo léo của người con gái Mã Châu, và người có công rất lớn trong việc đưa tơ lụa Mã Châu phát triển vươn lên tầm cao mới là hoàng hậu Đoàn Quý Phi. Xuất thân trong một gia đình chuyên nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, nên khi trở thành phu nhân của phó tướng Nhân Lộc hầu Nguyễn Phúc Lan (sau này là Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan), bà hết sức ủng hộ việc phát triển nghề dệt lụa nơi đây. Vào khoảng thế kỷ 17 - 18, lụa Mã Châu không chỉ cung cấp cho hoàng cung mà đã đi đến rất nhiều nơi trên thế giới thông qua thương cảng Hội An.

Từ làng Mã Châu, đi theo đường ĐT 610 khoảng 10km, đến gò Gốc Hùng (thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh) là khu lăng mộ “Bà chúa Tằm tang” Đoàn Quý Phi (Lăng Vĩnh Diên). Đây cũng là địa điểm đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia. Đến đây, du khách sẽ thưởng lãm nét kiến trúc lăng tẩm triều Nguyễn với những thành đá rêu phong, vừa uy nghi, vừa cổ kính mà chỉ có thể bắt gặp nhiều ở cố đô Huế. Trước đó, trên trục đường đến với lăng Vĩnh Diên, du khách có hàng loạt điểm dừng chân để tham quan, tìm hiểu, khám phá thêm về văn hóa, lịch sử của vùng đất này như Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa, Khu di tích quốc gia vụ thảm sát Vĩnh Trinh, Thành Trà Kiệu, Trung tâm Thánh mẫu Trà Kiệu, Nhà thờ Ngũ Xã Trà Kiệu…

Đến ngã ba cầu Giao Thuỷ, cũng theo tuyến đường tỉnh 610 đi thêm khoảng 7km là Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn - công trình kiến trúc đại diện cho những thành tựu rực rỡ của văn hóa Chămpa đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến với Mỹ Sơn mỗi năm.

PHÁT TRIỂN BẤT ĐỘNG SẢN DU LỊCH BỀN VỮNG

Trong 5 năm qua, tổng lượng khách du lịch đến với Duy Xuyên đạt 1.972.719 lượt khách, trong đó có 1.697.012 lượt khách quốc tế, mang lại nguồn thu lớn cho huyện. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục chú trọng đầu tư phát triển du lịch, định hướng tạo ra sự liên kết giữa các điểm du lịch để tăng thời gian lưu trú của du khách, phát huy hết tiềm năng du lịch vốn có.

Du khách tham quan, trải nghiệm tại Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn
Du khách tham quan, trải nghiệm tại Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (Ảnh: Hữu Trà)

Trong những chuỗi liên kết du lịch này, một địa điểm sẽ được lựa chọn làm trọng điểm phát triển du lịch và bao quanh đó sẽ là những điểm du lịch vệ tinh. Đơn cử như ở vùng Tây của huyện, Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn sẽ được xem là trọng tâm để phát triển du lịch, bao quanh đó sẽ là những địa điểm lịch sử, văn hóa như Lăng bà Thu Bồn, Lăng Vĩnh Diên, tượng đài Vĩnh Trinh… hay các lễ hội như lễ hội đêm Mỹ Sơn huyền ảo, lễ hội Bà Thu Bồn…

Những khu đô thị, nghỉ dưỡng cao cấp ở vùng Đông (Duy Hải - Duy Trinh, Nam Phước) sẽ gắn với các khu du lịch sinh thái, các làng nghề truyền thống như làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu, làng nghề chế biến hải sản Trung Phường, làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch, làng nghề dệt chiếu An Phước, làng lụa tơ tằm Mã Châu…

Xác định nếu muốn phát triển được thì phải gắn việc sản xuất ở làng nghề với du lịch, ông Trần Hữu Phương, Giám đốc Công ty TNHH Tơ lụa Mã Châu cho biết: “Sắp tới chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng một khu chuyên biệt phục vụ du lịch, trong đó sẽ phục dựng lại đời sống, sản xuất tơ lụa của bà con Mã Châu. Bên cạnh đó sẽ xây dựng khu vực trưng bày các sản phẩm tơ lụa Mã Châu để giới thiệu với bạn bè và du khách”.

Ngoài tập trung phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp với các làng nghề, di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội, Duy Xuyên cũng chú trọng phát triển mô hình trang trại kết hợp du lịch sinh thái tại nhiều xã như Duy Thu, Duy Sơn, Duy Phú, Duy Vinh, Duy Tân với tổng diện tích trên 125ha. Bên cạnh đó là tận dụng cảnh quan thiên nhiên đẹp của các hồ, đập để phát triển như thủy điện Duy Sơn.

Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho hay: “Thủy điện Duy Sơn là một địa điểm đẹp, nhưng trong thời gian vừa qua vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng vì nhà đầu tư không đủ năng lực. Hiện nay, huyện đang làm việc để thu hồi lại và giao cho các đơn vị lớn, có tiềm năng về kinh tế cũng như khả năng phát triển du lịch để đưa thủy điện Duy Sơn thành một trong những điểm đến hấp dẫn.”

Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam
Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam

Cũng theo ông Nguyễn Thế Đức, hiện nay, Duy Xuyên đang thuê các đơn vị tư vấn về du lịch để đánh giá, dự báo nhu cầu và lượng khách trong nước, quốc tế trong 10 năm tới. “Huyện sẽ căn cứ theo những đánh giá, dự báo đó để định hướng phát triển, có những chương trình thu hút du khách phù hợp. Bên cạnh đó sẽ chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia phát triển du lịch để du khách đến với Duy Xuyên không chỉ hấp dẫn bởi những khu nghỉ dưỡng, những di tích văn hóa lịch sử mà còn bởi chính con người nơi đây”, ông Đức cho biết thêm.

Song song với đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng - đô thị thì phát triển du lịch là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá của huyện Duy Xuyên trong thời gian tới. Xác định phát triển du lịch sẽ trở thành một ngành kinh tế giữ vai trò quan trọng, tác động tích cực, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế.

Với những chủ trương, chính sách phát triển du lịch đã và đang thực hiện, có thể thấy rằng Duy Xuyên đang xác lập hướng đi đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế và hứa hẹn sẽ phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mình trong tiến trình phát triển chung của tỉnh Quảng Nam./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top