Aa

Ông Phan Việt Cường được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khóa 22

Thứ Ba, 13/10/2020 - 19:55

Ông Phan Việt Cường - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khóa 21, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, tiếp tục được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khóa 22.

Ngày 13/10, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 22 đã bế mạc. Theo đó, Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam khóa 22, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã bầu 15 người tham gia Ban Thường vụ, gồm các ông: Phan Thái Bình, Võ Xuân Ca, Nguyễn Chín, Phan Việt Cường, Lê Văn Dũng, Nguyễn Đức Dũng, Nguyễn Mạnh Hà, Trần Nam Hưng, Nguyễn Hồng Quang, Trần Văn Tân, Lê Trí Thanh, Lê Trung Thành, Trần Xuân Vinh và bà Nguyễn Thị Thu Lan, Huỳnh Thị Thùy Dung.

Ông Phan Việt Cường được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khóa 22

Ông Phan Việt Cường - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khóa 21, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tiếp tục được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khóa 22.

Ông Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khóa 21 và ông Lê Trí Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa 21, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khóa 22.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh được bầu tiếp tục làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khóa 22

Cũng tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam khóa 22 đã bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 11 người và ông Phan Thái Bình được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa 22, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Theo ông Phan Việt Cường, quy mô nền kinh tế của Quảng Nam nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực Duyên hải miền Trung. Từ năm 2017, tỉnh đã tự cân đối ngân sách và có đóng góp về T.Ư. Khu kinh tế mở Chu Lai tiếp tục là điểm sáng, duy trì vai trò đầu tàu trong tăng trưởng, mà nổi bật là Tập đoàn Thaco Chu Lai - Trường Hải với nhiều sản phẩm được xuất khẩu ra các nước trên thế giới, hướng đến hình thành Trung tâm Cơ khí ô tô quốc gia.

Dịch vụ - du lịch đang từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, cùng với việc phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa thế giới, các loại hình dịch vụ, dự án mới với quy mô lớn, nhất là khu vực ven biển đã hình thành, tạo điểm nhấn như: Khu nghỉ dưỡng cao cấp Nam Hội An, Vinpearl Nam Hội An... Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển đồng bộ, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm tới, nhiều tuyến giao thông động lực được xây dựng như: Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Võ Chí Công, trục đường Điện Biên Phủ, cầu Cẩm Kim đã đưa vào vận hành.

Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả đáng mừng; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, các đối tượng chính sách, người có công cách mạng không ngừng được chăm lo; đời sống nhân dân từ đồng bằng đến miền núi được cải thiện rõ rệt. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực, phương thức lãnh đạo không ngừng đổi mới. 

Kinh tế Quảng Nam khởi sắc và nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực duyên hải miền Trung

"Niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được nâng cao. Đó là nền tảng hết sức quan trọng để Quảng Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới", ông Phan Việt Cường nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 22, bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư cho rằng, kinh tế Quảng Nam tiếp tục tăng trưởng khá; hầu hết chỉ tiêu đạt và vượt, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 9,53%/năm, nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao trong cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 72,4 triệu đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2015. 

Mức độ này đang cao hơn bình quân cả nước; quy mô nền kinh tế tăng 1,8 lần so với đầu nhiệm kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng hơn 30%, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Định hướng phát triển ngày càng rõ nét hơn đối với vùng đồng bằng ven biển, vùng trung du miền núi, khu vực đô thị.

Cũng theo bà Trương Thị Mai, thu ngân sách của Quảng Nam đạt hơn 100 nghìn tỷ đồng trong vòng 5 năm, trong đó, thu nội địa tăng 9%. Quảng Nam đã tự cân đối thu chi từ năm 2017. Đây là một kết quả rất ấn tượng. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, nông nghiệp chỉ còn 11% trên GDP. Du lịch phát triển cả về quy mô và chất lượng, đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Diện mạo thành thị, nông thôn thay đổi nhanh; chất lượng cuộc sống nhân dân được nâng lên, số xã đạt chuẩn nông thôn mới đã đạt 58%, có 5 huyện đạt huyện nông thôn mới, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

"Điều đáng ghi nhận ở Quảng Nam là chỉ số tái nghèo, nghèo phát sinh mới thấp trong cả nước, các chỉ số giảm nghèo đa chiều theo tôi nhận thấy có hiệu quả hơn so với các địa phương khác trong cả nước. Đây cũng là yêu cầu rất cao đối với mục tiêu giảm nghèo bền vững. 

Văn hóa - xã hội được tỉnh Quảng Nam chú trọng, có bước phát triển tương đối đồng bộ với phát triển kinh tế. Sự nghiệp giáo dục, y tế, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm"... bà Trương Thị Mai chia sẻ. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top