Từ thời điểm đất nước Việt Nam hoàn chỉnh lãnh thổ kéo dài từ địa đầu Lạng Sơn tới mũi Cà Mau cho đến khi hình thành hai tầng lớp mới trong xã hội là tư sản và tiểu tư sản, thời gian là hơn một thế kỷ với rất nhiều xáo trộn lịch sử. Từ tình trạng đất nước bị chia cắt thời Trịnh Nguyễn phân tranh, sang chiến tranh chống quân xâm lược, thống nhất đất nước của nhà Tây Sơn, rồi suy thoái, trở thành một xứ thuộc địa dưới triều nhà Nguyễn…
Hình thành trọn vẹn lãnh thổ đất nước như ngày nay
Trong thời kỳ cai quản Đàng Trong, các đời chúa Nguyễn đã kiên trì mở rộng cương thổ đất nước tiến về phía Nam. Giữa thế kỷ 18, năm 1757, chúa Vũ, tức Nguyễn Phúc Khoát (1714 – 1765) đã làm chủ và cai quản các vùng đất Sa Đéc, Châu Đốc và Cà Mau, tiến ra cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đây chính là thời điểm hoàn chỉnh lãnh thổ đất nước như ngày hôm nay.
Thời kỳ này, ở Đàng Trong, ngoài thương cảng Hội An, chúa Nguyễn đã phát triển thêm hai thương cảng mới, là Thanh Hà ở Thừa Thiên và Nước Mặn ở Bình Định. Giao thương buôn bán với nước ngoài tiếp tục phát triển. Nhiều mặt hàng phong phú của người Việt đã đi đến nhiều nước như vàng bạc, tơ sợi, hạt cau, tôm khô, yến sào, hải sâm, đường mía, đồ mỹ nghệ… Các thương nhân Việt đã bắt đầu thuê đóng ghe bầu bằng gỗ lớn để chở hàng hóa đi bán sang tận các nước bằng đường biển, chứ không chỉ dừng lại tại các thương cảng trong nước nữa.
Cuối thế kỷ 18, cả Đàng Trong và Đàng Ngoài, xảy ra tình trạng nội chiến kéo dài, các cuộc khởi nghĩa của nông dân liên tục diễn ra. Cuộc khởi nghĩa có sức mạnh nhất là Khởi nghĩa Tây Sơn của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, nổ ra ở An Khê, Gia Lai, năm 1771.
Sau khi đánh thắng chúa Nguyễn ở Đàng Trong năm 1777, Nguyễn Huệ xưng là Bắc Bình Vương rồi tiến ra phía Bắc năm 1786, lật đổ chúa Trịnh, lập Lê Chiêu Thống lên làm vua, sau đó rút về Quy Nhơn. Lê Chiêu Thống làm vua nhưng phản lại Tây Sơn, sang cầu viện nhà Thanh bên Trung Quốc. Nhà Thanh lấy cớ đó liền kéo 29 vạn quân tiến sang xâm lược nước ta. Nguyễn Huệ tuyên bố lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Quang Trung ở Phú Xuân (Huế) rồi chuẩn bị kéo quân tiến ra Bắc lần thứ hai để chống lại quân Thanh.
Mùng 5 Tết Kỷ Dậu (30/1/1789), Nguyễn Huệ đánh tan đội quân xâm lược nhà Thanh và kéo đại quân chiến thắng vào thành Thăng Long.
Người nông dân Nguyễn Huệ, áo vải khét đầy mùi thuốc súng, đã trở thành anh hùng cứu nước, thống nhất giang sơn về một mối.
Nhà Nguyễn và xứ thuộc địa của Pháp
Rất đau đớn của bi kịch lịch sử: Mùa thu năm 1792, vua Quang Trung mất đột ngột sau chỉ mới hơn 3 năm lên ngôi. Triều đại Tây Sơn suy yếu rất nhanh. Nhân cơ hội này, Nguyễn Ánh (1765 – 1820), là cháu nội của chúa Nguyễn Phúc Khoát đã tập hợp lại lực lượng nổi lên chống lại nhà Tây Sơn.
Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh chiếm được hầu hết các phủ thành rồi lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long, kết hợp hai chữ của Gia Định và Thăng Long, mở ra triều Nguyễn, đóng đô ở Phú Xuân.
Vua Gia Long đổi tên nước ta là Việt Nam. Đến năm 1838, vua Minh Mệnh (con trai Gia Long) đổi thành Đại Nam. Triều Nguyễn kéo dài 143 năm qua 13 đời vua, nhưng chỉ ổn định và phát triển ở những đời vua đầu với kinh tế và văn hóa đều được chấn hưng, thương mại phát triển và mở rộng… Gia Long đề cao Nho học, cho mở nhiều trường học, tái lập các kỳ thi như thi hương, thi hội, thi đình…
Thời kỳ này, giao lưu quốc tế đã bắt đầu phát triển, nhiều giá trị văn hóa và văn minh của phương Tây tác động mạnh mẽ vào xã hội Việt Nam. Đạo Thiên Chúa du nhập đã kéo theo sự ra đời và phát triển của chữ quốc ngữ như ngày nay chúng ta đang sử dụng. Trong bối cảnh ấy thì nhà Nguyễn lại co lại, thực thi chính sách độc tôn Nho giáo một cách cực đoan đến thành hủ bại. Các trí thức lớn như Nguyễn Trường Tộ, Đặng Huy Trứ, Phạm Phú Thứ, Bùi Viện, Nguyễn Lộ Trạch… có nhiều người đã đi ra và tiếp xúc với các nước phương Tây, nên tư tưởng rất tiến bộ. Các trí thức này đã đề xuất nhiều ý tưởng cải cách với triều đình nhà Nguyễn, nhưng không được chấp nhận.
Việt Nam trở thành một mục tiêu dưới con mắt của người phương Tây trong kế hoạch mở rộng thuộc địa. Năm 1858, liên quân Pháp và Tây Ban Nha đổ bộ vào bán đảo Sơn Trà, mở đầu cho một cuộc xâm lược mới. Nhà Nguyễn yếu ớt chống cự ban đầu rồi dần dần thỏa hiệp với Pháp.
Năm 1883, vua Tự Đức chết, triều đình trở nên rối loạn. Pháp tiến đánh cửa biển Thuận An ở Huế. Sau đó, nhà Nguyễn lần lượt ký Hòa ước Harmand và Hòa ước Patenote, bán dần quyền cai quản đất nước cho người Pháp. Kể từ đó, sau gần 30 năm xâm lược và bình định, người Pháp đã đặt sự thống trị toàn diện về mọi mặt trên tất cả lãnh thổ Việt Nam. Pháp dựng lên các ông vua làm bù nhìn. Nếu có vị vua nào không tuân phục là bị cho đi an trí tại mẫu quốc hoặc phế truất…
Sự ra đời của tầng lớp tư sản và tiểu tư sản
Để tăng cường khai thác thuộc địa, nước Pháp cho xây dựng các hạ tầng cơ sở và hệ thống đường bộ, đường sắt làm giao thông chính xuyên qua đất nước. Cùng với đó, người Pháp đưa vào các ngành công nghiệp khai thác và sản xuất mới. Nhiều thành phố lớn được phát triển như Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn. Nhiều đô thị mới được xây nên theo kiến trúc của Pháp và châu Âu…
Cuối thế kỷ 18, nhiều đô thị nông nghiệp của Việt Nam đã mang dáng vẻ hiện đại gắn với máy móc, công nghiệp, công nhân, có hệ thống đèn điện, có đường tàu hỏa đến và đi. Nhà cao tầng bắt đầu được xây lên. Nhiều chức năng mới được bổ sung cho các thành phố lớn, như trung tâm hành chính, quân sự, kinh tế, thương cảng…
Kinh tế thay đổi lớn kéo theo mọi mặt tư tưởng, nhận thức, văn hóa, xã hội thay đổi theo. Người Việt bắt đầu Âu hóa nhanh chóng. Tầng lớp trí thức được đào tạo theo mô hình giáo dục của Pháp và châu Âu được hình thành và bắt đầu có vai trò tác động, tạo nên những chuyển biến lớn trong tư tưởng, văn hóa xã hội.
Cũng từ phát triển kinh tế thuộc địa mà ở Việt Nam, sang thế kỷ 19, đã lần đầu tiên hình thành và xuất hiện hai tầng lớp mới. Đó là giới tư sản và tiểu tư sản.
Đến đầu thế kỷ 20, trong hai tầng lớp tư sản và tiểu tư sản Việt Nam đã có nhiều người thành công lớn trên thương trường, tên tuổi trở nên lừng lẫy, được sách báo ghi lại.
Ở phía Bắc là “Vua tàu thủy đất Bắc” Bạch Thái Bưởi; Chủ hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi Trịnh Văn Bô; Nhà đại tư sản quý tộc Đỗ Đình Thiện khai sinh ra nghề sản xuất sơn dầu ở Việt Nam; Chủ hãng sơn Gecko Nguyễn Sơn Hà; Chủ nhà in số một Đông Dương Ngô Tử Hạ…
Ở miền Nam, là những đại doanh gia trong “Tứ đại phú hộ: Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định” với những tên tuổi: Lê Phát Đạt (còn có tên là Sỹ), Đỗ Hữu Phương (Tổng đốc Phương), Lý Tường Quan (Bá hộ Xường), Trần Hữu Định. Rồi tiếp đến là Huỳnh Văn Hoa (Chú Hỏa), Trần Trinh Trạch, Quách Đàm, Trương Văn Bền, Trần Chánh Chiếu…
Việc xuất hiện những tên tuổi doanh gia trên là bằng chứng thuyết phục nhất cho năng lực tài giỏi trong nắm bắt cơ hội để làm giàu của người Việt. Những doanh gia này đã kinh doanh với tinh thần tự chủ rất lớn, với ý thức độc lập rất cao, vượt qua những sóng gió dữ dội của thương trường để làm nên sản nghiệp.
Họ là những tấm gương về bản lĩnh, kiên gan và tình huynh đệ trong liên kết để phát huy sản nghiệp và chia sẻ nghĩa đồng bào trong biến cố, hoạn nạn, cũng đã để lại nhiều kinh nghiệm và bài học cho lớp doanh nhân của thời kỳ hiện nay.
(Còn nữa)