Trăm tỷ đồng “không cánh mà bay"
Vụ việc mới gây xôn xao dư luận sau Tết Nguyên đán khi một nguyên Phó Giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM bị cáo buộc làm giả hồ sơ, giấy uỷ quyền để chiếm đoạt 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng VIP rồi bỏ trốn ra nước ngoài. Để trấn an dư luận, ông Lê Văn Quyết, Tổng Giám đốc Eximbank cam kết khi Tòa án có phán quyết Eximbank có trách nhiệm trả số tiền này thì ngân hàng sẽ trả ngay.
Theo thông tin từ ông Quyết, đến năm 2017, khi phát hiện sự việc, Eximbank đã chủ động gặp bà Chu Thị Bình để tìm hướng tháo gỡ và cũng chính Eximbank đã tố cáo ông Hưng ra Cơ quan điều tra C44 - Bộ Công an.
Ông Lê Nguyễn Hưng đã lợi dụng sự tin tưởng của bà Chu Thị Bình ủy quyền giao dịch tiền gửi tiết kiệm, cùng nhân viên của ngân hàng đến nhà riêng của bà Bình để trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi của bà Bình.
Tuy nhiên, trên thực tế, ông Lê Nguyễn Hưng đã chỉ đạo nhân viên EximBank lập chứng từ giả để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà Bình rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán.
Cách làm này đã giúp ông Hưng chiếm đoạt được số tiền rất lớn của bà Bình trong quãng thời gian dài.
Cuối năm 2017, nghi ngờ mình bị lừa đảo, bà Bình tiến hành đối chiếu số dư sổ tiết kiệm thì phát hiện hơn 245 tỷ đồng trong các tài khoản đã không còn trong tài khoản. Bà Bình làm việc với EximBank và trình báo với Cơ quan Cảnh sát Điều tra Phía Nam (C44 – Bộ Công An). Ông Quyết cũng thừa nhận trong trường hợp này nhân viên ngân hàng đã làm không đúng nhưng không đúng đến đâu cần cơ quan điều tra làm rõ.
"Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã rà soát thống kê toàn bộ khách hàng VIP, tức khách hàng có số tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên xem các trường hợp này có giao dịch tại nhà hay có giao dịch ủy quyền hay không, hoặc có tất toán từng phần sổ tiết kiệm không. Sau đợt kiểm tra thì không phát hiện ra trường hợp tương tự. Dù khách hàng VIP luôn có yêu cầu đặc biệt nhưng ngân hàng cũng từ chối các trường hợp chỉ yêu cầu giao dịch với duy nhất một người mà yêu cầu các trường hợp chi tiền mặt phải đi hai người trở lên và thông báo rõ ràng với các chi nhánh", ông Quyết nói.
Về vụ việc trên, ông Quyết cho biết, ngân hàng dù rất chia sẻ mong muốn của bà Bình và sự việc cũng đã kéo dài khá lâu nhưng đây là số tiền rất lớn, kết luận của cơ quan điều tra về mặt pháp lý không phải là phán quyết cuối cùng và ngân hàng phải làm đúng luật.
Bản thân Hội đồng quản trị ngân hàng cũng khó giải quyết vụ việc khi chỉ dựa trên kết luận của cơ quan điều tra mà hai bên cần sớm phối hợp để đưa vụ việc ra tòa thực hiện theo đúng trình tự tố tụng. Khi Tòa án có phán quyết Eximbank có trách nhiệm trả số tiền này thì ngân hàng sẽ trả ngay.
Trả lại tiền cho khách là “phải đạo”
Sự việc tại Eximbank đã rình rang khá lâu nhưng dẫu sao ngân hàng này cũng đã hứa sẽ bồi hoàn lại tiền cho khách hàng. Vấn đề hiện tại chỉ phụ thuộc thời gian và quyết định của tòa cũng như ý kiến của cổ đông. So với Vietinbank thì cách xử lý của Eximbank "trượng nghĩa" hơn hẳn. Bản chất vụ lừa đảo tại Eximbank không khác mấy với chiếm đoán gần 800 triệu của khách hàng tại Phòng giao dịch Vietinbank Thanh Ba chi nhánh Đền Hùng, Phú Thọ hay như vụ án siêu lừa đình đám Huyền Như. Cơ bản vẫn là ngân hàng quản lý lỏng lẻo, vận hành không chuyên nghiệp để cán bộ lãnh đạo có điều kiện lách luật.
Vụ việc tại Vietinbank trong một thời gian dài đã khiến khách hàng phẫn nộ khi ngân hàng này không chịu nhận trách nhiệm về mình.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách, về mặt nguyên tắc, khi ngân hàng và khách hàng thiết lập một giao dịch tiền gửi thì quyền và nghĩa vụ của các bên đã phát sinh. Nghĩa vụ của ngân hàng là giữ tiền gửi và trả lãi cho khách hàng. Tất cả các trình tự thực hiện thì nhân viên của ngân hàng phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Người gửi tiền được giữ một cuốn sổ tiết kiệm do chính ngân hàng nhận tiền gửi phát hành ra. Trong trường hợp này, cuốn sổ sẽ là chứng cứ để chứng minh khách hàng đã gửi một khoản tiền vào ngân hàng và ngân hàng phát hành cuốn sổ đang giữ khoản tiền này. Nhiệm vụ của ngân hàng là bảo quản và sử dụng tiền gửi cộng với việc trả lãi hàng tháng cho khách hàng do các bên đã thỏa thuận.
Theo luật dân sự, pháp nhân phải chịu trách nhiệm thì trong trường hợp này, khách hàng gửi tiền vào ngân hàng chứ không phải gửi tiền cho nhân viên ngân hàng. Quan hệ pháp luật phát sinh trong trường hợp này là quan hệ pháp luật giữa khách hàng và ngân hàng. Do đó, bất luận trong trường hợp nào thì cuốn sổ tiết kiệm là do ngân hàng phát hành ra thì ngân hàng hoàn toàn chịu trách nhiệm về khoản tiền gửi và tính pháp lý của nó. Cuốn sổ tiết kiệm chính là chứng cớ. Nếu nhân viên của ngân hàng nào đó lấy tiền của ngân hàng thì đó là lỗi hệ thống và ngân hàng phải chịu trách nhiệm về hành vi của nhân viên mình. Ngân hàng có quyền tố cáo hoặc truy xuất đối với nhân viên của minh, nhưng đấy là việc nội bộ của ngân hàng.
Còn nữa...