Liên quan đến vụ việc một nguyên Phó Giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM bị cáo buộc làm giả hồ sơ, giấy uỷ quyền để chiếm đoạt 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng VIP rồi bỏ trốn ra nước ngoài, được biết, nạn nhân của vụ lừa tiền, bà Chu Thị Bình, là thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú. Bà Bình cũng là vợ ông Lê Văn Quang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Minh Phú.
Trong cơ cấu cổ đông của Minh Phú, bà Bình đang là cổ đông lớn nhất khi trực tiếp sở hữu 17,47 triệu cổ phiếu, tương ứng 25,29% vốn công ty. Tính theo thị giá của cổ phiếu Minh Phú trên sàn chứng khoán, khối tài sản này của bà Bình có giá trị 1.775 tỷ đồng. Ông Lê Văn Quang đang sở hữu 15,96 triệu cổ phiếu của công ty, tương ứng 22,8% vốn. Bà Chu Thị Bình từng đứng trong top 5 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, là người phụ nữ giàu nhất trên thị trường vào năm 2006. Khi đó, khối tài sản của bà có giá trị khoảng 1.145 tỷ đồng. Tuy nhiên các năm sau đó, giá trị tài sản của bà giảm dần, xuống 926 tỷ đồng vào năm 2007 và đến năm 2011 chỉ còn 255 tỷ đồng.
Như vậy, với cách hàng VIP như bà Bình, Eximbank không dễ phủi tay như với khách hàng bình thường khác. Đại diện Eximbank cho biết, khi Tòa án có phán quyết Eximbank có trách nhiệm trả số tiền này thì ngân hàng sẽ trả ngay.
Trong ngày 22/2, Hội đồng quản trị ngân hàng này cũng đã họp và tìm hướng giải quyết vụ việc. Quan điểm ngân hàng là kinh doanh trên uy tín nên quyền lợi hợp pháp của khách hàng phải đảm bảo. Tuy nhiên, do sự việc mới chỉ dừng lại ở kết luận từ cơ quan công an nên chưa thể giải quyết yêu cầu sớm trả lại tiền của bà Bình mà cần phải có phán quyết từ Toà án.
"Chúng tôi mong muốn bên cơ quan điều tra, ngân hàng và bà Bình hợp tác khẩn trương làm sáng tỏ vụ việc. Nếu tòa xác định ngân hàng sai đến đâu thì chúng tôi sẽ bồi hoàn cho khách hàng đến đó. Chúng tôi cần phối hợp của khách hàng và chờ quyết định của Tòa án mới có thể xử lý ổn thỏa", đại diện Eximbank cho biết với báo chí.
Theo thông tin của Zing.vn, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, câu chuyện khách hàng Chu Thị Bình bị mất tiền gửi tại Eximbank đã diễn ra cả năm nay. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã làm việc với ngân hàng để rà soát lại toàn bộ hệ thống, các quy định nội bộ, các quy trình xử lý, kể cả huy động, cho vay hay quan hệ giao dịch.
"Đối với trường hợp cụ thể này, khi vụ việc được khởi tố thì tôi nghĩ cả ngân hàng và khách hàng cần phải kiên nhẫn chờ đợi quyết định của tòa án. Dĩ nhiên trách nhiệm bồi hoàn hợp lý cho khách hàng vẫn thuộc về phía Eximbank, Ngân hàng Nhà nước tôn trọng cách giải quyết của nhà băng này", ông Minh cho hay.
Ngân hàng niêm yết cũng có cái khó khi đưa ra quyết định cần phải thông qua cổ đông, vì vậy họ cần một cơ sở pháp lý để thực hiện.
Thực tế, Eximbank đã lên sàn, quyết định bồi thường tiền cho khách gửi tiền của Hội đồng quản trị Eximbank phải được thông qua tại Đại hội cổ đông thường niên 2018 hoặc thông qua cuộc họp cổ đông bất thường. Bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để đền bù không phải là việc dễ đối với ngân hàng. Ngân hàng phải đứng trước áp lực nguồn tiền và hơn hết phải "ăn nói" với cổ đông như thế nào cho hợp lý. Ở góc độ cổ đông mà nói, đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng dù cơ hội lợi nhuận cao nhưng rủi ro lớn hơn hẳn đầu tư vào những cổ phiếu của doanh nghiệp sản xuất. Những cổ đông đang đầu tư cổ phiếu EIB có thể đang lo ngại rằng, Eximbank lấy tiền ở đâu để đền bù tiền cho khách hàng. Dẫu có cắt xén ở đâu thì phần thiệt vẫn thuộc cổ đông.
Phiên giao dịch cuối tuần vừa qua, cổ phiếu EIB xuống 15.800 đồng/cổ phiếu, giảm 400 đồng/cổ phiếu, tương đường 2,47% so với phiên trước khi thông tin xảy ra tại ngân hàng Eximbank. Quý IV/2017, lợi nhuận sau thuế của Eximbank đạt 448 tỷ đồng, thu nhập ròng 694 tỷ đồng. Vốn điều lệ tính đến cuối năm 2017 là 12.335 tỷ đồng, huy động vốn 117.540 tỷ đồng, dư nợ cho vay là 100.268 tỷ đồng.