Aa

TTCK giảm điểm mạnh, nhà đầu tư không bị áp lực

Thứ Sáu, 23/02/2018 - 06:01

So với phiên tăng điểm mạnh hôm 21/2 thì phiên giao dịch ngày thứ hai sau Tết Nguyên đán (22/2) tưởng như sẽ gây sốc cho giới đầu tư. Nhưng nếu tính theo chu kỳ dài hạn thì việc chỉ số VnIndex rung lắc giảm điểm được cho là bình thường.

Chỉ số VnIndex đã có phiên điều chỉnh ngay sau phiên tăng 27,42 điểm (2,52%) hôm 21/2. Mặc dù giằng co trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch nhưng lực cung gia tăng mạnh về cuối phiên tại nhóm cổ phiếu dầu khí, ngân hàng... đã khiến chỉ số VnIndex không thể trụ vững. Chốt phiên, chỉ số này giảm 11 điểm, tương đương 1% giá trị và lùi về mức 1.076 điểm. Trong rổ Vn30, số mã giảm điểm chiếm ưu thế hoàn toàn với 21 mã (so với chỉ 9 mã tăng điểm). Điểm tích cực là thanh khoản thị trường đã có sự cải thiện so với phiên hôm qua, đạt 250 triệu cổ phiếu trên cả hai sàn. Nhà đầu tư nước ngoài có phiên mua ròng trị giá 154 tỷ đồng trên sàn HOSE.

Về dài hạn, các chuyên gia cũng như giới đầu tư chuyên nghiệp vẫn kỳ vọng TTCK đang trên đà tiến. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, một vài công ty chứng khoán cũng đã dự đoán có thể thị trường sẽ rung lắc và điều chỉnh. Hôm 21/2, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội - SHS đã cho rằng phiên ngày 22/2 áp lực chốt lời giá cao có thể gây cản trở cho đường đi của của VN-Index. Trong khi, Công ty chứng khoán FPT – FPTS khuyến cáo thị trường sẽ có sự rung lắc.

“Dự báo cho các phiên giao dịch kế tiếp, trong điều kiện các chỉ báo xu hướng và xung lượng đang được cải thiện thì khả năng cao chỉ số sẽ tiếp tục tiến sâu hơn vào khu vực có kháng cự tại 1.100 – 1.125 điểm. Do sàn HSX đã có 04 phiên tăng liên tiếp nên áp lực bán chốt lời trên khu vực kháng cự có thể sẽ mạnh hơn và gây ra hiện tượng rung lắc. Ở chiều ngược lại, đường trung bình động SMA 20 ngày kèm khoảng Gap Up 1.060 - 1.070 điểm sẽ giữ vai trò hỗ trợ nếu rung lắc xuất hiện”, FPTS cho hay.

Nhiều nhà đầu tư đã chốt lời thành công trong phiên ngày 22/2. Ảnh Internet

Nhiều nhà đầu tư đã chốt lời thành công trong phiên ngày 22/2. (Ảnh minh họa)

 

BVSC cũng cho rằng, việc điều chỉnh của VnIndex trong phiên hôm nay được coi là bình thường sau chuỗi phiên tăng mạnh. Xu hướng phân hóa đi kèm thanh khoản thấp nhiều khả năng sẽ tiếp tục chi phối thị trường trong các phiên sắp tới.

Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến TTCK trong nước những ngày này là diễn biến giảm nhẹ của TTCK thế giới. TTCK Mỹ giảm điểm hai phiên liên tiếp. Trong hai phiên giao dịch gần đây, chỉ số Dow Jones liên tiếp cho diễn biến điều chỉnh với biên độ giảm trong hai phiên đạt khoảng 1,5%.

Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 21/02, sau khi biên bản cuộc họp tháng 1 của FED được công bố, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã lên mức 2,957%/năm, mức cao nhất trong vòng 4 năm. Theo tin từ Reuters, biên bản trên cho thấy FED đã trở nên tin tưởng hơn vào sự cần thiết của việc phải tiếp tục tăng lãi suất. Hầu hết các quan chức trong Ủy ban Thị trường mở (FOMC) tin rằng lạm phát sẽ gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới cải thiện đà tăng trưởng.

Cũng chính nỗi lo lạm phát đã khiến chỉ số S&P 500 có lúc mất 10% điểm số kể từ mức đỉnh thiết lập phiên ngày 26/1/2018. Với những diễn biến mới về lạm phát và thị trường lao động, gần như chắc chắn FED sẽ có quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tháng 3 sắp tới. Hiện mức tăng vẫn đang được dự báo ở mức 0,25%.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng nếu lạm phát Mỹ tiếp tục bật tăng nhanh trở lại, biên độ tăng có thể sẽ được nới lên ở những mức cao hơn NHNN ra văn bản nhắc nhở các TCTD kiểm soát nợ xấu.

Về tin tức trong nước, Thống đốc NHNN mới đây đã có Công văn số 563 gửi các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài yêu cầu hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, chứng khoán. Trong văn bản trên, thống đốc NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng, nâng cao hiệu quả xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.

BVSC cho rằng văn bản nhắc nhở trên là cần thiết vì nó được đưa ra trong bối cảnh tín dụng tiêu dùng đã có mức tăng trưởng khá “nóng” trong năm 2017. Cụ thể, theo Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, trong năm 2017, tín dụng tiêu dùng tăng rất mạnh, cao gấp 3 - 4 lần mức tăng trưởng tín dụng bình quân cả nước (dư nợ cho vay tiêu dùng hiện khoảng mức 1,17 triệu tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ tín dụng). Đặc biệt, tín dụng bất động sản “ẩn nấp” trong tín dụng tiêu dùng hiện là rất lớn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top