Aa

Kỳ II: “Vừa chống dịch vừa sản xuất”, mô hình cần được nhân rộng trên cả nước

Thứ Ba, 06/07/2021 - 15:30

Mô hình “vừa chống dịch vừa sản xuất” tại Bắc Giang, đến nay đã ghi nhận sự “hồi sinh” chưa từng có trong lịch sử với hơn 200 doanh nghiệp được an toàn trở lại sản xuất, đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu Bắc Giang chờ dập dịch xong mới sản xuất thì chuỗi cung ứng sẽ bị đứt gãy, khiến các tập đoàn thiệt hại rất lớn mà khó có thể khôi phục lại như ban đầu. Mô hình chưa có tiền lệ “vừa chống dịch vừa sản xuất” trở thành “vũ khí” sắc bén không chỉ chống dịch hiệu quả, mà còn góp phần đưa Bắc Giang chiến thắng “giặc Covid-19”, đưa hàng trăm doanh nghiệp trở lại sản xuất an toàn. PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam sẽ có những phân tích cụ thể về cách làm hiệu quả này của Bắc Giang.

điinh trọng thịnh
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế.

PV: Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông đánh giá như thế nào về mô hình “vừa chống dịch vừa sản xuất” khi tỉnh Bắc Giang quyết định cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp sản xuất trở lại trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn đang ở cao trào?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Đây là môt quyết định hết sức “cân não” của tỉnh Bắc Giang, kể cả việc tỉnh cho dừng sản xuất, đóng cửa 4 khu công nghiệp để truy vết, ngăn chặn dịch bệnh trước đó. Phải nói rằng, Bắc Giang đã phải rất bình tĩnh để ứng phó với một biến cố chưa từng có tiền lệ.

Khi phát hiện ổ dịch tại một khu công nghiệp và lan tới chân các khu công nghiệp khác, để khống chế, dập tắt các ổ dịch trong các khu công nghiệp, quyết định cho tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp là chủ trương rất đúng đắn, kịp thời, không đánh đổi kinh tế lấy sức khỏe cộng đồng. Nhưng để ra được quyết định này có lẽ không dễ dàng với Chủ tịch tỉnh Bắc Giang.

Bắc Giang là một trong những đầu tàu về sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư FDI trong top 10 cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trên tổng giá trị sản xuất của tỉnh, đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động địa phương và các vùng lân cận, việc các khu công nghiệp phải dừng sản xuất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của tỉnh và nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất. Đặc biệt, việc thuyết phục các “đại bàng” FDI như Apple, Samsung, Foxconn… chấp nhận dừng hoạt động sản xuất không phải đơn giản. Phải có những giải pháp, thỏa thuận để sớm khôi phục sản xuất thì các doanh nghiệp mới chấp nhận một phần thiệt hại để hướng tới mục tiêu chống dịch. Bởi việc dừng sản xuất sẽ khiến doanh nghiệp chậm tiến độ, dẫn đến mất đơn hàng, mất lợi thế cạnh tranh,…, đằng sau đó là tăng trưởng kinh tế của tỉnh và việc làm của người lao động cũng bị ảnh hưởng.

Do đó, quyết định cho các khu công nghiệp đón công nhân và khôi phục sản xuất sau hơn 10 ngày phong tỏa là cách làm hết sức kịp thời và đúng đắn của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang.  

quang châu
Đảm bảo an toàn nơi làm việc trong mùa dịch của Công ty Foxconn tại Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, Bắc Giang (Ảnh: Giang Sơn Đông).

PV: Nhưng thời điểm đó, dịch bệnh tại Bắc Giang dù được kiểm soát phần nào nhưng vẫn còn rất căng thẳng. Ông có cho rằng, việc cho doanh nghiệp sản xuất trở lại như thế là mạo hiểm không?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng, tỉnh Bắc Giang đã có sự chuẩn bị trước cho việc khôi phục sản xuất và lường trước được các rủi ro có thể xảy đến.

Cụ thể, trong thời gian tạm dừng hoạt động, chính quyền tỉnh đã cùng với doanh nghiệp thiết kế lại công tác phòng, chống dịch trong từng nhà máy, sao cho bảo đảm phòng dịch, về lâu dài phải thích ứng để sống chung với dịch. Phương án đưa ra là tổ chức sản xuất bên trong bằng cách chia nhỏ các bộ phận làm việc, để trường hợp có dịch thì chỉ dừng từng bộ phận chứ không phải đóng toàn bộ nhà máy.

Các doanh nghiệp sản xuất trở lại chỉ sử dụng người lao động đã được cơ quan y tế và chính quyền địa phương nơi thường trú, tạm trú xác nhận đã kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch. Khi hoạt động sản xuất trở lại phải luôn đảm bảo các điều kiện nghiêm ngặt về an toàn dịch bệnh.

Công nhân đủ điều kiện quay trở lại sản xuất sẽ được bố trí ở tại doanh nghiệp hoặc ký túc xá riêng biệt của doanh nghiệp. Công nhân ngoài nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung không được tiếp xúc cộng đồng.

Trước khi tổ chức sản xuất lại, doanh nghiệp bố trí đón công nhân đến nơi ở tập trung của doanh nghiệp ít nhất 03 ngày trước khi làm việc và thực hiện lấy mẫu dịch tễ, xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ lao động. Các doanh nghiệp cũng phải bố trí phương tiện đưa, đón người lao động từ ký túc xá đến nơi làm việc và từ nơi làm việc trở về ký túc xá; Thực hiện xét nghiệm tầm soát Covid-19 liên tục đối với toàn bộ công nhân.

Với mô hình này thì công nhân được quản lý khép kín từ công ty đến khi về nơi ở để đảm bảo an toàn ở mức tối đa trong sản xuất, giảm áp lực cho chính quyền, gia tăng trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe cho công nhân.

phòng dịch tại khu công nghiệp
Khu vực ăn cho công nhân tại Công ty TNHH Fuhong Precision Component Bắc Giang bảo đảm khoảng cách để phòng, chống dịch Covid-19 (Ảnh: CTV cung cấp)

PV: Nếu tiếp tục đóng cửa để đảm bảo an toàn chống dịch, tỉnh Bắc Giang sẽ chịu mức thiệt hại như thế nào?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Như đã nói, các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu đợi đến khi dập xong dịch mới sản xuất thì chuỗi cung ứng sẽ bị đứt gãy, khiến các tập đoàn thiệt hại rất lớn mà khó có thể khôi phục lại như ban đầu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế của Bắc Giang mà còn các tỉnh lân cận và cả các nước khác trên thế giới nằm trong chuỗi cung ứng.

Theo thống kê sơ bộ, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2021 của tỉnh Bắc Giang giảm 40,9% so với tháng trước, giảm 33,3% so với tháng 5/2020. Hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn đều giảm, đáng chú ý ngành sản xuất linh kiện điện tử giảm tới 49,5% so với tháng trước và giảm 39,6% so với cùng kỳ; nguyên nhân chính là do một số doanh nghiệp lớn như Hosiden, Newwing, SJ Tech, Shin Young, Luxshare… phải dừng sản xuất.

Do đó, làm sao để vừa chống dịch an toàn vừa nhanh chóng đưa sản xuất trở lại là nhiệm vụ rất cấp bách và quan trọng của tỉnh Bắc Giang.

hana vân trung
Tái sản xuất tại Công ty TNHH Hana Micron Vina thuộc Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang (Ảnh: Giang Sơn Đông).

PV: Như vậy, không phải Bắc Giang đang đặt mục tiêu kinh tế lên hàng đầu mà thực tế là “vừa sản xuât vừa chống dịch”?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Thiết chế nhà ở cho công nhân đang hạn chế nên phần lớn công nhân ở tỉnh ngoài đến Bắc Giang ở trong các xóm trọ chật chội với mật độ dày nên dịch từ nhà máy lan ra cộng đồng rất nhanh, khó kiểm soát. Chưa kể, công nhân đa phần là lực lượng lao động trẻ, nếu họ đi ra bên ngoài, tiếp xúc với nhiều người, việc kiểm soát sẽ rất phức tạp.

Do đó, việc đưa sản xuất trở lại, phòng dịch ngay từ trong doanh nghiệp, bản thân mô hình sản xuất phải có khả năng thích ứng và chống chọi được với dịch bệnh cũng chính là giải pháp để chống dịch, nói đúng hơn là cách để cắt đứt chuỗi lây lan từ khu công nghiệp ra bên ngoài và từ bên ngoài vào khu công nghiệp.

Cách thức này bản chất là giảm thiểu quan hệ của các công nhân đối với địa phương bên ngoài, đảm bảo tính lây lan thấp nhất. Thực tế, yêu cầu phòng chống dịch vẫn là trên hết. Hàng ngày, trong khu công nghiệp, công nhân phải kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm thường xuyên, đây cũng là phương pháp phòng chống dịch, tránh lây lan. Tất nhiên, mục tiêu sản xuất vẫn rất quan trọng. Nhưng nếu để dịch lây lan mạnh, thì sẽ không thể sản xuất lại.

Do đó, phòng chống dịch tốt là cơ sở để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và khôi phục kinh tế.

Khi dịch bệnh bùng phát mạnh ở TP.HCM và 1 số địa phương, ví dụ như Đồng Nai, có thể học tập cách làm của Bắc Giang, bởi vì có hàng ngàn công nhân từ TP.HCM đến làm việc tại khu công nghiệp Đồng Nai theo hình thức sáng đi, tối về. Nếu yêu cầu tất cả các công nhân đó phải cách ly thì sẽ không còn người sản xuất. Nhưng nếu mở cửa cho đi lại thì đòi hỏi kiểm tra, giám sát rất phức tạp và rất mệt mỏi với các doanh nghiệp. Do đó, ứng dụng mô hình vừa sản xuất, vừa chống dịch trong khu công nghiệp sẽ tách được lực lượng lao động đó ra khỏi cộng đồng để tránh việc lây lan trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Còn nữa

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top