Aa

Kỳ III: Ngân hàng bị tố “giả tạo”

Thứ Hai, 26/02/2018 - 15:22

Nạn nhân của vụ lừa tiền tại Eximbank cùng một luồng dư luận đang cho rằng, ngân hàng này đang “giả tạo” trong cách xử lý rắc rối do nguyên lãnh đạo để lại, đồng thời cố tình trì hoãn việc bồi thường tiền.

Nạn nhân cho rằng không đồng ý cách giải quyết của Eximbank. Ảnh minh họa.

Nạn nhân cho rằng không đồng ý cách giải quyết của Eximbank. Ảnh minh họa.

Thông tin trái ngược

Liên quan đến vụ việc một nguyên Phó Giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM bị cáo buộc làm giả hồ sơ, giấy uỷ quyền để chiếm đoạt 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng VIP rồi bỏ trốn ra nước ngoài, lãnh đạo ngân hàng đã cam kết sẽ trả lại tiền. Đây là cách xử lý khôn khéo của Eximbank khi trấn an được hàng trăm, hàng nghìn khách hàng đang gửi tiền tại ngân hàng này, dù mới đầu có gây hoang mang cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, người trong cuộc là bà Chu Thị Bình - người bị mất 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại Eximbank lại cho rằng, ngân hàng này đang cố tình trì hoãn và tìm cách không nhận trách nhiệm. Theo đó, bà Bình không đồng ý phương án đưa vụ việc ra tòa như đề xuất của Eximbank.

Trao đổi với báo Tuổi trẻ mới đây, bà Bình cho biết, đã có nhiều buổi làm việc và kiên nhẫn chờ đợi Eximbank suốt một năm qua. Lãnh đạo Eximbank chỉ chi trả sau khi có quyết định của tòa án dù biết rõ và có đủ hồ sơ về vụ việc. Việc này xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, gây thiệt hại khi bà Bình đang rất cần vốn làm ăn. Chưa kể, theo khách hàng, vì việc này mà sức khỏe giảm sút, gia đình lục đục.

Cũng theo bà Bình, việc đưa vụ việc ra xét xử tại tòa án là một lựa chọn sẽ gây ra nhiều hao tổn về sức lực và tiền của cho cả hai bên. Do vậy, bà mong muốn được giải quyết vụ việc trong hòa bình và mong muốn được tất toán sổ tiết kiệm để lấy lại tiền.

Mặt khác, hiện tại thông tin từ các bên đang không khớp. Theo Eximbank, theo văn bản số 387 ngày 12/6/2017 của C44, các tài khoản tiền gửi tiết kiệm mà bà Bình đề nghị tất toán đã được rút một phần và chữ ký trên các chứng từ rút tiền được C44 thông tin là chữ ký thật của bà Bình. Do vậy, Eximbank khẳng định trước mắt, ngân hàng chưa có cơ sở để giải quyết yêu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, bà Chu Thị Bình khẳng định, trong suốt quá trình gửi tiền, bà không có nhu cầu cho ai rút tiền từ tài khoản của mình. Khi có nhu cầu rút tiền thì nhân viên ngân hàng đưa chứng từ đến nhà và hướng dẫn bà ký tên vào các chứng từ để hoàn tất thủ tục tất toán sổ tiết kiệm đáo hạn. Khoảng tháng 2/2017, vị nguyên Phó Giám đốc này bất ngờ xin nghỉ việc tại Eximbank rồi bỏ trốn khỏi Việt Nam, hiện đã bị phát lệnh truy nã quốc tế.

Khó xác định ranh giới của sự giả tạo và khôn ngoan

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, về nguyên tắc, nếu việc mất tiền gửi ngân hàng liên quan đến tội phạm thì phải chờ đợi phán quyết của tòa án. Thế nhưng, tại các quốc gia phát triển, ngân hàng thường trả lại tiền cho khách hàng trong vòng 24-72 giờ. Bởi lẽ, khi người gửi bị mất tiền, ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Còn trường hợp nhân viên gian dối, lừa đảo rút tiền của khách hàng thì họ là người đại diện cho ngân hàng thực hiện giao dịch. Do đó, ngân hàng không thể đổ lỗi cho nhân viên và phải nhanh chóng bồi thường cho người gửi tiền.

Ông Hiếu cũng đề xuất, tại Việt Nam, có tình trạng ngân hàng lập lờ trong việc trả lại tiền, thường phải chờ kết luận của các cơ quan chức năng mới thực hiện việc chi trả. Đây là một yếu tố mà pháp luật cần phải điều chỉnh cho hợp lý.

Về lý mà nói, cách giải quyết của Eximbank không sai về mặt nguyên tắc. Ngân hàng này khẳng định sẽ tuân thủ theo phán quyết có hiệu lực pháp lý của tòa án có thẩm quyền nhằm đảm bảo quy trình xử lý khiếu nại của khách hàng theo đúng pháp luật.

Về phía Eximbank thì đây là cách xử lý khôn ngoan của người làm kinh doanh. Cách này vừa xoa nỗi lo mất tiền của cổ đông, vừa làm dịu một số dư luận. Chờ điều tra, chờ tòa phán quyết, ngân hàng vừa có thời gian thu xếp nguồn vốn, biết đâu có thể đẩy bớt trách nhiệm cho nạn nhân?

Tất nhiên, đúng như chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, bất luận vì lý do gì, ngân hàng phải chịu trách nhiệm với khách hàng của mình. Để xảy ra lừa đảo một là do ngân hàng quản lý lỏng lẻo cán bộ, hai là quy trình hồ sơ làm việc có kẽ hở,… Do đó, bà Bình không đồng ý cách giải quyết của Eximbank cũng không phải không có lý.

Thực tế, bà Bình đã mất hàng trăm tỷ đồng khi gửi tiền tại Eximbank, ông Hưng - người đứng ra hỗ trợ bà Bình gửi tiền vào Eximbank chứ không phải gửi bên ngoài và ông Hưng cũng là lãnh đạo của Eximbank chứ cũng không phải người không liên quan. Chờ tòa phán quyết hoặc Eximbank tiếp tục lấy lý do khác thì không biết bao giờ bà Bình lấy được tiền về./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top