Liên quan tới vụ bán trái thẩm quyền gần 30 ha đất tại các xã Quảng Đại, Quảng Hùng, Quảng Vinh (nay thuộc thành phố Sầm Sơn), nguồn tin của phóng viên có được cho hay, cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc làm rõ vụ việc. Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa cũng nhanh chóng có công văn gửi Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam về việc xử lý thông tin phản ánh sau khi loạt bài này được đăng tải.
Thành lập “tổ công tác đặc biệt”
Liên quan tới vụ việc nêu trên, cuối năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và tổ giúp việc đoàn kiểm tra liên ngành về việc các tổ chức, cá nhân bán, mua đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định tại khu vực đất dự án Khu biệt thự Hùng Sơn – Nam Sầm Sơn (thuộc địa giới hành chính các xã, phường Quảng Đại, Quảng Hùng, Quảng Vinh).
Đoàn kiểm tra liên ngành do ông Hoàng Văn Thế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa làm trưởng đoàn cùng đại diện các đơn vị có trách nhiệm (Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Xây dựng, TP. Sầm Sơn, huyện Quảng Xương) sẽ thực hiện việc kiểm tra trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký quyết định.
Được biết, đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra hồ sơ và thực tế, xác minh, đánh giá, kết luận, đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý tổng thể đối với các trường hợp, bán mua đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định tại khu vực đất dự án Khu biệt thự Hùng Sơn – Nam Sầm Sơn. Tuy nhiên, sau nhiều tháng, đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức về vụ việc nêu trên.
Trong khi đó, nguồn tin khả tín của phóng viên có được cho hay, tính đến tháng 9/2018, tổng số trường hợp mua, bán đất trái thẩm quyền là 717 trường hợp, diện tích 292.942m2 (gồm: 07 tổ chức với diện tích 16.500m2 và 711 hộ gia đình, cá nhân với diện tích 276.442m2). Số tiền thu lợi từ hành vi bán đất trái quy định (cấp xã không có thẩm quyền bán đất, không nộp ngân sách huyện) lên tới cả chục tỷ đồng.
Một thống kê rất đáng chú ý đó là, thời kỳ 1994 -1995 có khoảng gần 100 người là cán bộ thuộc Huyện ủy, UBND huyện Quảng Xương, cán bộ thuộc một số sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp tỉnh Thanh Hóa, cán bộ Trung ương với nhiều các thành phần, chức danh nghề nghiệp được cho là “nạn nhân” trong vụ bán đất có dấu hiệu lừa đảo xuyên thế kỷ ở xứ Thanh.
Một điều cũng được cho là hết sức kỳ lạ trong vụ việc này đó là, hầu hết các lãnh đạo UBND huyện Quảng Xương đương chức thậm chí có cả người về hưu khi được hỏi về hành vi bán đất trái thẩm quyền đều tỏ ra khá "lơ mơ" trước thông tin phản ánh của phóng viên. Trong số đó, có cả những người trước đây từng được cho là có liên quan trực tiếp tới hành vi bán đất trái thẩm quyền.
Trong một báo cáo mà phóng viên tiếp cận được cho thấy, UBND huyện Quảng Xương đã làm mất toàn bộ hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai, đồng thời đổ lỗi do yếu tố khách quan: “Do điều kiện lưu trữ hồ sơ không đảm bảo, di chuyển kho lưu trữ nhiều lần nên hư hỏng thất lạc; Hiện nay, UBND huyện Quảng Xương không còn lưu giữ hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sổ sách có thông tin về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nhiều trường hợp”.
Trước đó, trong một báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa hồi tháng 7/2018, Thanh tra tỉnh này đã "bó tay" trong việc nghiên cứu, kiểm tra việc mua bán đất trái thẩm quyền tại các xã nói trên: "Việc mua bán đất trái thẩm quyền cách đây nhiều năm, hồ sơ, tài liệu thông tin không còn đầy đủ nên không thể tiến hành xác minh, kết luận theo quy định của pháp luật", Thanh tra tỉnh Thanh Hóa cho biết.
Trong một diễn biến có liên quan tới vụ việc, mới đây, Sở Thông tin truyền thông tỉnh Thanh Hóa đã có công văn số 667/STTTT-BCXB ngày 8/5/2019 gửi Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam về việc xử lý thông tin phản ánh vụ việc nói trên.
Đại diện đơn vị cho rằng, thông tin Tạp chí phản ánh về vụ bán đất trái thẩm quyền tại các xã Quảng Vinh, Quảng Hùng, Quảng Đại đã được tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra để làm rõ theo đúng quy định của pháp luật
Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa cũng gửi lời cảm ơn tới Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam trong thời gian vừa qua luôn ủng hộ tỉnh Thanh Hóa trong việc thông tin, tuyên truyền những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trên các ấn phẩm của tạp chí theo tôn chỉ, mục đích và định hướng của Tạp chí. Độc giả có thể xem lại các bài điều tra của Reatimes liên quan tới vụ bán gần 30ha đất trái thẩm quyền tại đây.
Kỳ vọng vào Bí thư Thanh Hóa
Ông Bùi Đức Thụ, nguyên Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khóa XIII cho rằng, việc quản lý đất đai nói chung trên địa bàn cả nước thời gian vừa có có nhiều chuyển biến, nhưng cũng có nhiều điểm bất cập, sở hở.
Tại một số địa phương còn diễn ra tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai. Điều này dẫn đến việc khiếu nại kéo dài, gây bức xúc cho dân. Ở một số địa phương, không ít cán bộ do thiếu hiểu biết hoặc lợi dụng thẩm quyền để cấp đất, bán đất trái quy định của pháp luật. Để xử lý tồn tại này, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm, đảm bảo tính tôn nghiêm của pháp luật, quyền và lợi ích chính đang của các bên có liên quan”, ông Thụ nói.
Nói về vụ bán đất trái thẩm quyền tại Thanh Hóa, vị Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm trực tiếp, liên đới của các cấp chính quyền.
“Cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của cấp có thẩm quyền (cấp xã) liên quan trực tiếp tới hành vi bán đất trái thẩm quyền tại các xã, phường nói trên. Bên cạnh đó, cấp huyện – cấp quản lý, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cũng phải chịu trách nhiệm liên đới khi để xảy ra vụ việc này.
Cụ thể, xã là đơn vị trình hồ sơ thủ tục nhưng lại thực hiện việc bán đất và có thu tiền đối với người mua là trái quy định của pháp luật. UBND huyện là cơ quan quản lý cấp trên của chính quyền cơ sở nhưng để xảy ra vi phạm là thiếu trách nhiệm trong quản lý.
Bên cạnh đó, cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện (cơ quan chuyên môn có chức năng tham mưu cho UBND huyện trong việc quản lý đất đai) khi để xảy ra vi phạm nói trên. Vụ việc kéo dài, nhưng xử lý muộn rõ ràng trách nhiệm của cơ quan nhà nước, ở địa phương được thực hiện chưa "tròn vai”, ông Thụ nói.
Vị Đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng cho rằng, đây là vụ việc nghiêm trọng, đòi hỏi phải xử lý trách nhiệm công khai, minh bạch, đúng pháp luật để củng cố lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước tại địa phương.
"Vụ việc đã xảy ra rồi, dư luận cũng quá nóng rồi. Cho nên, hơn lúc nào hết, Đảng bộ, chính quyền cấp có thẩm quyền cần làm rõ, xử lý nghiêm những vi phạm nêu trên. Nếu vi phạm hành chính thì xử lý vi phạm hành chính. Nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự thì cần sự vào cuộc của cơ quan điều tra, đồng thời làm rõ chế độ trách nhiệm của người đứng đầu, người có liên quan ở các cấp các trong việc quản lý tài sản công thổ quốc gia.
Bộ máy Nhà nước của chúng ta có đầy đủ các cơ quan có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, điều tra để hành động một cách nhất quán. Đồng thời, các cơ quan được giao nhiệm vụ phải coi đây là một trong những chức năng, nhiệm vụ cơ bản để giải quyết dứt điểm những vấn đề nóng mà dư luận quan tâm.
Nếu cấp huyện không giải quyết được thì cấp tỉnh cần vào cuộc giải quyết. Cấp tỉnh không xử lý được thì cấp Trung ương giải quyết chứ không để vụ việc khiếu nại kéo dài, tạo nên bức xúc cho dân.
Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là một trong những nguyên tắc lãnh đạo của Đảng ta. Do đó, trong vụ việc này tôi tin tưởng và kỳ vọng người đứng đầu các cơ quan Đảng, chính quyền của tỉnh Thanh Hóa sẽ chỉ đạo, xử lý nghiêm vụ việc nêu trên.
Nếu không xử lý dứt điểm vụ việc này thì sự tôn nghiêm của pháp luật, trật tự kỷ cương, phép nước tại địa phương sẽ khó được đảm bảo. Nó (vụ việc bán đất trái thẩm quyền) có thể là đốm lửa nhỏ trở thành đám cháy lớn. Do đó, các cơ quản quản lý về mặt Đảng, chính quyền tại địa phương phải coi đây là nhiệm vụ chính trị cấp bách cần giải quyết dứt điểm", ông Thụ nêu quan điểm.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.