Aa

Kỳ vọng các đô thị vệ tinh Hà Nội

Chủ Nhật, 15/11/2020 - 11:30

Các đô thị vệ tinh ở Hà Nội được kỳ vọng với nhiều mục tiêu như phát triển kinh tế, giãn dân, liên kết vùng,...

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành kế hoạch chỉ đạo các đơn vị tập trung hoàn thiện phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch TP giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát triển chùm đô thị vệ tinh

Cụ thể, ưu tiên triển khai lập 24 quy hoạch phân khu còn lại tại các đô thị vệ tinh, nhất là đô thị vệ tinh Hòa Lạc; quy hoạch các quận nội đô; quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống; hoàn thiện đồ án quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh Xuân Mai và Phú Xuyên; trình Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô theo Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc xây dựng và ban hành 34 quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc theo kế hoạch.

Theo quy hoạch chung của thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết quy hoạch chung phát triển thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, đến nay đã gần 10 năm nên cần rà soát lại. Quan điểm của Hà Nội là trong quy hoạch phát triển thủ đô giai đoạn tới, TP kiên trì bảo vệ quy hoạch đặc thù phát triển chùm đô thị vệ tinh.

Theo ông Huệ, thời gian vừa qua, do có yếu tố dàn trải nên việc quy hoạch, đầu tư phát triển 5 đô thị vệ tinh của TP. Hà Nội còn hạn chế. Vì thế, trong 5 năm tới, TP sẽ cố gắng phát triển được 2 - 3 đô thị vệ tinh.

Trong 5 đô thị vệ tinh được quy hoạch, khả thi nhất là Hòa Lạc vì ở đây đã có khu công nghệ cao, ĐHQG Hà Nội, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và nhiều khu đô thị lân cận đang phát triển. 

Đặc biệt, mới đây Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000. Đây là bản quy hoạch với quy mô lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Hà Nội mà còn của cả nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đang phối hợp với TP Hà Nội đẩy mạnh thu hút đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có.

Đại lộ Thăng Long kết nối trung tâm Hà Nội với khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc

Kết nối, đồng bộ hạ tầng giao thông

Các đô thị vệ tinh của Hà Nội được định hướng phát triển hoàn chỉnh, đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội để làm sao có thể hoạt động độc lập và hỗ trợ, giảm tải một số chức năng cho đô thị trung tâm như công nghiệp, công nghệ cao, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch,…

Sau đô thị Hòa Lạc, Hà Nội tập trung vào phát triển đô thị vệ tinh Sóc Sơn vì hạ tầng đô thị ở đây đã khá rõ nét. Tiếp đó là đô thị trục Nhật Tân - Nội Bài. Đây không phải đô thị vệ tinh nhưng là đô thị thông minh theo chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với Nhật Bản, được kỳ vọng là hình mẫu cho xây dựng đô thị thông minh không chỉ của Hà Nội mà của cả nước.

Ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Hà Nội, nhận định thời gian tới, TP cần tập trung và khẩn trương hơn nữa vào việc hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối đến 5 đô thị vệ tinh. Theo ông Hà, muốn nhanh, phải có sự linh hoạt trong cơ chế cũng như huy động nguồn vốn đầu tư. Trước mắt, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của TP về phân công, phân cấp quản lý; cơ chế, chính sách trong quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt chú trọng tăng cường phân cấp cho các quận, huyện có nguồn thu lớn, có năng lực về tổ chức quản lý để chủ động đầu tư nhằm giảm áp lực cho ngân sách TP.

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, cho rằng để giải quyết được các vấn đề quy hoạch của Hà Nội hiện nay, phải hoàn thành việc quy hoạch các khu đô thị vệ tinh càng sớm càng tốt. Để làm được việc này, cần có cơ chế đặc thù.

Ông Nghiêm cho rằng khi các khu đô thị vệ tinh hoàn thành sẽ là nền tảng để giải quyết vấn đề nóng của Hà Nội như giãn được 1,4 triệu dân; có thêm 25.000ha đất đai để di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học;…

Chú trọng liên kết vùng

Đại diện UBND TP. Hà Nội cho hay với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, TP tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ KH-ĐT thúc đẩy phát triển liên kết vùng để Hà Nội thực hiện vai trò là động lực, đầu tàu lôi kéo sự phát triển. TP đề nghị Bộ KH-ĐT sớm tham mưu, báo cáo Chính phủ xây dựng nghị định quy định cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, TP trong vùng để trên cơ sở đó các cơ quan chức năng tập trung ưu tiên đầu tư các lĩnh vực: hệ thống hạ tầng giao thông mang tính kết nối với các tỉnh (các tuyến đường vành đai 4, 5, đường Hồ Chí Minh đoạn Phú Thọ - Chợ Bến); phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; y tế chuyên sâu, phòng chống dịch bệnh; bảo vệ môi trường; an ninh nguồn nước; du lịch văn hóa; bảo đảm trật tự an toàn xã hội;…


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top