Aa

Kỳ vọng có gói phục hồi kinh tế, chứng khoán ‘thăng hoa’

Chủ Nhật, 07/11/2021 - 06:30

Một số chuyên gia kinh tế cho biết: Giá trị khớp lệnh mỗi phiên trên sàn TP.HCM trong những ngày đạt rất cao, đặc biệt phiên ngày 3/11, nhiều kỷ lục được xác định khi hơn 1,5 tỷ cổ phiếu sang tay...

Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH - ĐT) đang trình các cơ quan chức năng Chương trình khôi phục kinh tế gồm 4 phần, trong đó đề xuất gói phục hồi kinh tế. Tín hiệu này cũng đang lan tỏa tới thị trường chứng khoán (TTCK).

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Lê Vương Hùng, Giám đốc Khối kinh doanh môi giới CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định: “TTCK Việt Nam mấy ngày qua có diễn biến tích cực, thể hiện ở chỉ số VN-Index đã vượt đỉnh 1.456 điểm, kèm theo đó thanh khoản của thị trường luôn ở mức cao. Diễn biến tích cực này được hỗ trợ chính từ thông tin gói phục hồi kinh tế trị giá 800.000 tỷ đồng mà Bộ KH - ĐT đang trình các cơ quan chức năng”. 

Theo ông Lê Vương Hùng, tuy chưa chắc chắn nhưng nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, gói kích thích kinh tế này nếu được thông qua sẽ giúp dẫn dắt dòng tiền vào nền kinh tế thông qua các doanh nghiệp, trong đó rất nhiều doanh nghiệp niêm yết hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp. Bên cạnh đó, TTCK còn tiếp tục được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất huy động duy trì mức thấp, thậm chí những tháng gần đây lãi suất huy động tiếp tục giảm nhẹ. Điều này tiếp tục giúp TTCK thu hút lượng tiền tiết kiệm từ ngân hàng thương mại chuyển sang. 

“Đối với động thái mới nhất sau cuộc họp ngày 3/11 của Cục dữ trữ Liên bang Mỹ (FED), FED đã bắt đầu thu hẹp quy mô mua vào trái phiếu hàng tháng, nhưng chưa dự kiến thời điểm tăng lãi suất vì còn phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Đây cũng là hành động được giới đầu tư dự báo trước, vì với quy mô thu hẹp 15 tỷ một tháng, vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến biến động của thị trường tài chính toàn cầu. Chưa kể, chứng khoán Mỹ lập đỉnh lịch sử, giá vàng đuối và các ngân hàng Trung ương lớn vẫn đang cân nhắc chưa tăng lãi suất cũng hỗ trợ thị trường chứng khoán tăng trong những ngày qua”, ông Lê Vương Hùng cho biết.

Chuyên gia chứng khoán - tài chính Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng: Những ngày qua, TTCK tăng trở lại là do có sự đóng góp không nhỏ của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Cụ thể: Sau 11 tuần bán ròng thì NĐTNN đã mua ròng trở lại, dù sau đó lại bán tiếp nhưng cũng chấp dứt chuỗi 11 tuần bán ròng. Ngoài ra, các Quỹ hoán đổi danh mục (ETFs) và các tổ chức cũng mua vào nhiều giúp thị trường tăng điểm và thanh khoản tăng cao. 
“Tuy nhiên, nhà đầu tư nên cẩn trọng và không nên quá hưng phấn đổ tiền vào thị trường liên tục, vì khả năng trong thời gian tới thị trường sẽ có những phiên giảm điểm và sâu. Trước mắt, thị trường vẫn chưa có xu hướng rõ rệt, nên tiếp tục theo dõi. Tốt nhất, nhà đầu tư không nên margin (đòn bẩy tài chính) lúc này vì thị trường đang phân hóa. Nhà đầu tư nên tìm nhóm nào có dòng tiền thì mua vào. Hiện nhiều cổ phiếu phân hoá giá mạnh trên sàn vẫn chưa quay lại giá thực của nó”, ông Phan Dũng Khánh cho biết. 

Đại diện Hội sở Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng: TTCK liên tục lập đỉnh đã thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư. Đặc biệt, với số lượng tài khoản cá nhân mở mới là hơn 100.000 đơn vị/tháng, lượng tiền mới của nhà đầu tư nộp vào rất nhiều nên "bùng nổ" thanh khoản. Nhiều chuyên gia tài chính dự báo: Lãi suất tiết kiệm vẫn sẽ duy trì ở mức thấp trong khi giá cả hàng hóa tăng mạnh nên lo ngại lạm phát tăng cao vào năm 2022, dân sẽ rút tiền gửi tiết kiệm (kênh đầu tư an toàn) để chuyển qua mua tài sản với kỳ vọng sẽ không bị lãi suất âm.

Theo báo cáo TTCK của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), việc mở cửa nền kinh tế đang là động lực tăng trưởng mới của thị trường chứng khoán trong tháng 11/2021. Gói kích cầu 800.000 tỷ sẽ giúp khôi phục nền kinh tế và khơi thông dòng vốn và kích thích tiêu dùng sau giai đoạn dịch bệnh kéo dài. Ngoài ra, gia tăng đầu tư công nhằm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Bên cạnh đó, lãi suất vẫn trong xu hướng giảm ở các kỳ hạn ngắn cho thấy thị trường cổ phiếu vẫn là kênh tăng trưởng tốt nhất trong ngắn và trung hạn.

VN-Index đang giao dịch mức P/E là 17,1x (dựa trên số liệu kết quả kinh doanh của 604 doanh nghiệp đã công bố), cao hơn mức P/E trung bình trong 14 năm là 15,5x và thấp hơn mức P/E dự phóng cơ sở là 18,3x cho thấy mức định giá hiện tại vẫn còn hấp dẫn và còn dư địa tăng trưởng.

YSVN đưa ra 2 kịch bản thị trường trong tháng 11/2021. Ở kịch bản thứ nhất, VN-Index hướng thẳng về mức 1.534 điểm (xác suất 70%). Ở kịch bản này, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn thu hút dòng tiền. YSVN kỳ vọng chỉ số đo lường sự biến động giá của các cổ phiếu hạng vừa (VNMidcaps) và chỉ số vốn hóa đo lường mức tăng trưởng của các công ty có quy mô nhỏ (VNSmallcaps) có thể có mức tăng trưởng cao nhất lần lượt 6,75% và 14,18% so với mức đóng cửa phiên 29/10. Dòng tiền phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu nhờ vào sức hồi phục trong quý IV/2021 khi nền kinh tế dần hoạt động trở lại cho nên nhà đầu tư vẫn có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận. Theo đó, YSVN khuyến nghị nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.

Ở kịch bản thứ hai, VN-Index giảm về vùng 1.363 – 1.380 điểm (xác suất 30%). Theo đó, rủi ro đòn bẩy gia tăng trên thị trường. Tỷ lệ margin/vốn hóa đạt mức 2,75% trong quý IV/2021, đây là mức cao nhất kể từ năm 2014 đến nay. Đồng thời, mức tăng trưởng margin cao vượt trội so với mức tăng trưởng của thị trường. Tại kịch bản này, YSVN khuyến nghị giảm tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường xác nhận xu hướng giảm ngắn hạn.

Theo YSVN, việc Việt Nam thay đổi cách thức phòng chống COVID-19 từ “Zero-COVID” sang sống chung với virus đã bước đầu phát huy hiệu quả về mặt kinh tế khi các chỉ số vĩ mô trong tháng 10/2021. Hầu hết đều cho thấy các tín hiệu tích cực như hoạt động sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ tăng trưởng mạnh so với tháng trước. Tình hình xuất nhập khẩu cũng như dòng vốn FDI cải thiện chậm, theo YSVN một phần vì Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam mới mở cửa trở lại, lượng hàng sản xuất trong thời gian qua có phần cầm chừng, do đó sẽ cần thời gian để đẩy mạnh lại hoạt động xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh chi phí logistic và chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Ông Lê Quang Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhận định: TTCK trước đó có sẵn nhiều thông tin tích cực nâng đỡ như dịch bệnh được kiểm soát tốt, lợi nhuận sau thuế của một cổ phiếu (EPS) của các doanh nghiệp niêm yết trong 3 tháng giãn cách xã hội (quý III/2021) tăng trưởng 40%, lượng tài khoản mở mới mỗi tháng đều trên 100.000... nên thông tin gói phục hồi xuất hiện giúp VN-Index bước vào giai đoạn "thời tới cản không kịp".

“Kể cả khi thông tin chính thức về gói này không như kỳ vọng ban đầu hoặc kịch bản xấu hơn là không được thông qua, TTCK sẽ không phản ứng tiêu cực thái quá. Nguyên nhân là phần đông nhà đầu tư vẫn có niềm tin Chính phủ sẽ tìm biện pháp kích thích khác, bên cạnh việc xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp có sức mạnh nội tại tốt để đương đầu với những bất lợi của thị trường”, ông Lê Quang Minh cho biết.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10 /2021, chỉ số VN-Index thiết lập đỉnh lịch sử mới với 1.444,27 điểm, cao nhất trong 21 năm qua. Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 9,08% so với tháng trước, đạt khoảng 89% GDP năm 2020 (GDP theo giá hiện hành).

VN-Index tăng 7,62% so với tháng trước, tăng 30,84% so với đầu năm; VNAllshare đạt 1477,13 điểm, tăng 7,11% so với tháng trước và tăng 43,08% so với đầu năm; VN30 đạt 1532,35 điểm, tăng 5,41% so với tháng trước và tăng 43,11% so với đầu năm. Các chỉ số ngành ghi nhận sự tăng trưởng cao trong tháng này, trong đó nổi bật: ngành hàng dịch vụ tiện ích (VNUTI) tăng 16,20%, ngành công nghiệp (VNIND) tăng 15,35% và ngành bất động sản (VNREAL) tăng 12,09%so với tháng trước.

Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 10/2021 quay lại đà tăng với giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt khoảng 22.139 tỷ đồng và 729,2 triệu cổ phiếu, tăng 5,94% về giá trị và tăng 2,68% về khối lượng so với tháng trước.

Điểm không tích cực là hoạt động của khối ngoại vẫn đang duy trì bán ròng trong 10 tháng năm nay với giá trị hơn 50.431 tỷ đồng trên HoSE. Tính riêng cho tháng 10/2021, tổng giá trị giao dịch của khối này đạt 68.019 tỷ đồng, chiếm 7,32% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị trên 5.751 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy, đến cuối tháng 10/2021, trên HoSE đã có 45 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, tăng 15% số lượng công ty so với tháng trước, trong đó có 5 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD, bao gồm: Tập đoàn Vingroup (VIC), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB), Công ty cổ phần Vinhomes (VHM), Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Tổng công ty Cổ phần Khí Việt Nam (GAS).

Theo số liệu mới nhất từ VnDirect, tính tới ngày 1/11/2021, 651 công ty niêm yết, chiếm 37,3% tổng số doanh nghiệp niêm yết và 82% giá trị vốn hóa thị trường, đã công bố kết quả Quý 3/2021, theo đó tổng lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh Quý 3/2021 tăng trưởng 21,5% so với cùng kỳ. Luỹ kế trong 9 tháng 2021, lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết trên 3 sàn tăng 55,1% so với cùng kỳ.

Cá nhân trong nước mở mới tài khoản cao nhất 4 tháng

Theo Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới trong tháng 10/2021 lên mức cao nhất 4 tháng qua và đạt 129.564 đơn vị, tăng 12,9% so với tháng 9/2021. Như vậy, cá nhân trong nước đã có 8 tháng liên tiếp duy trì mức mở mới trên 100.000 tài khoản/tháng.

Tính tổng 10 tháng năm nay, cá nhân mở mới gần 1,09 triệu tài khoản chứng khoán, gấp hơn 2,8 lần so với cả năm 2020 (392.527 đơn vị). Trong khi đó, lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư tổ chức trong nước trong tháng 10/2021 tăng trở lại 93% so với tháng trước và đạt kỷ lục 187 đơn vị. Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới cuối tháng 10 đạt hơn hơn 3,8 triệu đơn vị.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top