Hàng loạt dự án quy mô lớn
Theo bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê đầu tư - xây dựng (Tổng cục Thống kê - TCTK): Năm 2023, Việt Nam đã thu hút được 36,6 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư FDI, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước.
Số vốn giải ngân FDI năm 2023 cũng rất ấn tượng, đạt khoảng 23,1 tỷ USD, cao hơn nhiều năm gần đây. Các nhà đầu tư FDI đã rót vốn vào Việt Nam với hàng loạt dự án quy mô từ vài trăm triệu đến hàng tỷ USD.
Trong tổng vốn FDI đăng ký năm 2023, vốn đăng ký cấp mới và vốn góp mua cổ phần (chiếm 78,47% tổng vốn) tăng rất cao, tương ứng tăng 62,2% và 65,7%, so với cùng kỳ 2022, đóng góp vào mức tăng chung ấn tượng của tổng vốn FDI đăng ký năm 2023, tăng 32,1% so với cùng kỳ.
Một số dự án FDI có vốn đăng ký rất cao như: Dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình đến từ Nhật Bản, có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,99 tỷ USD với mục tiêu sản xuất điện khí từ khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG); Dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam (Hồng Kong), tổng vốn đăng ký đạt 1,5 tỷ USD tại Quảng Ninh; Dự án nhà máy Lite-on Quảng Ninh, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 690 triệu USD với mục tiêu sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tại Quảng Ninh...
Ngoài ra có dự án Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking mua cổ phần Ngân hàng VPBank trị giá 1,5 tỷ USD; dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng tăng vốn đầu tư 1 tỷ USD...
“Tổng vốn đăng ký FDI năm 2023 có mức tăng cao nhất và ấn tượng tính từ khi COVID-19 xuất hiện và bùng phát năm 2020, được kiểm soát hoàn toàn vào năm 2022. Kết quả này có được là do môi trường đầu tư luôn được cải thiện, hấp dẫn với nhiều ưu thế vượt trội. Các hoạt động ngoại giao Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Sankoh Việt Nam (100% vốn đầu tư của Nhật Bản) ở Khu công nghiệp Sông Đà, tỉnh Hòa Bình. kinh tế của Đảng, Chính phủ được tăng cường, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nhật Bản và Hoa Kỳ được kỳ vọng đưa đến làn sóng đầu tư mới, chất lượng vào Việt Nam”, bà Phí Thị Hương Nga nhận xét. Ngoài ra, đầu tư công đã thực hiện tốt vài trò là nguồn vốn mồi, giúp thu hút FDI cao trong cả năm 2023.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương, thu hút đầu tư nước ngoài là một điểm sáng của bức tranh kinh tế 2023, trong bối cảnh dòng đầu tư toàn cầu trong xu hướng chậm lại. Việt Nam vẫn là một trong những lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt gần đây, trở thành tâm điểm chú ý của ngành bán dẫn, các ngành công nghiệp công nghệ cao...
Năm 2023 cũng ghi nhận những nỗ lực rất lớn trong giải ngân vốn đầu tư công. Đây là năm có nguồn lực đầu tư khổng lồ, nhưng ước tính hết tháng 12/2023 đã giải ngân được gần 580.000 tỷ đồng, đạt 81,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với năm 2022 cả về số tuyệt đối tương đối, và cũng là mức cao nhất trong vòng 4 năm qua.
“Tháng 12/2023 là tháng có tốc độ giải ngân vốn đầu tư công nhảy vọt. Nếu duy trì được tốc độ này trong việc thanh quyết toán phần đã thực hiện còn lại trong tháng 1/2024, thì mục tiêu giải ngân 95% đã đề ra là có thể đạt được. Nhờ giải ngân lớn, nên năm 2023, chúng ta đã khởi công và hoàn thành nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng của đất nước, trong đó có việc đưa gần 700 km đường bộ cao tốc vào sử dụng, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá.
Cải thiện điều kiện để hút vốn đầu tư
Mới đây, Fitch Ratings - một tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế, đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng ổn định, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam đang có lợi thế trong thu hút FDI nhờ viễn cảnh kinh tế tích cực.
Về triển vọng thu hút đầu tư FDI năm 2024, đại diện TCTK nhận định: Dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Nhất là trong bối cảnh, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), trở thành quốc gia đã ký kết Hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn toàn cầu, như Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga,...
Cùng với đó, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường đầu tư của Việt Nam thông thoáng, an toàn; Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh; nhiều chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp được thực thi hiệu quả.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh là giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất để Việt Nam ứng phó với tác động tiêu cực và tận dụng cơ hội của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu trong ngắn và dài hạn.
Theo đó, muốn thu hút đầu tư, Việt Nam phải có môi trường kinh doanh cạnh tranh vượt trội so với các quốc gia khác. Vì vậy, cần thực thi quyết liệt, hiệu quả hơn các chương trình cải thiện môi trường kinh doanh; đơn giản hoá thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giúp giảm chi phí gánh nặng về thủ tục hành chính, tuân thủ pháp luật minh bạch và ít rủi ro hơn; qua đó, tăng tính hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài.
“Trước hết, cần rà soát toàn bộ hệ thống thuế, đồng thời tính đến chính sách thuế dài hạn hơn trong mục tiêu chung là chống xói mòn cơ sở thuế và chống chuyển lợi nhuận. Với trường hợp cần thiết, có thể cân nhắc ưu đãi dựa trên chi phí mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đang khuyến nghị”, ông Phan Đức Hiếu cho biết.
Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp để doanh nghiệp trong nước có thể tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu của các tập đoàn FDI ở phân khúc có công nghệ, giá trị cao hơn hiện nay.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Vafie), cơ hội thu hút đầu tư FDI trong năm 2024 đang mở ra như năm 2008, thời điểm Việt Nam vừa tham gia WTO. Các yếu tố như cuộc chiến kiểm soát công nghệ lõi, công nghệ chip, công nghệ của tương lai đang mở ra cơ hội cho Việt Nam trong thu hút FDI công nghệ cao. Dù việc áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024 làm mất lợi thế ưu đãi thuế của Việt Nam trong thu hút đầu tư FDI, nhưng cũng mang lại những lợi ích cho Việt Nam, giúp giải quyết được câu chuyện chuyển giá trong hoạt động đầu tư FDI.
Để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần thay đổi môi trường đầu tư để giữ chân các “ông lớn” FDI; đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư mới trong năm 2024. Muốn vậy, chính sách đầu tư cần thông thoáng hơn, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phải làm tốt hơn, cần sớm nâng chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam./.
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Trần Hoàng Ngân:
Ngoài việc xem xét ưu đãi bổ sung, gồm cả ưu đãi về tài chính, để thu hút và giữ chân nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quốc gia; hỗ trợ đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ cao và kinh tế xanh; hỗ trợ, tạo thuận lợi về thủ tục hành chính. Đây là những vấn đề được các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm.
Đối với việc áp thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024, lợi ích đầu tiên khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam; đồng thời, Việt Nam sẽ thu được một khoản thuế bổ sung từ thuế tối thiểu toàn cầu. Mặt khác, việc áp dụng chính sách sẽ đảm bảo được sự công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lý thuế, môi trường đầu tư kinh doanh tiệm cận với xu thế chung của thế giới, trong khi vẫn giữ nguyên được các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Để giữ chân các nhà đầu tư công nghệ cao, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa cho hạ tầng về giao thông để góp phần giảm chi phí logistics, chi phí sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp, bên cạnh việc đầu tư nâng cao hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quốc gia. Ngoài ra, cần hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhất là lĩnh vực công nghệ cao và kinh tế xanh.